ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 3-5-25 01:18:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lời của dòng sông

Báo Cà Mau (CMO) Vùng Bán đảo Cà Mau có một dòng sông chiều dài chưa đầy 50 cây số, chảy xuyên qua 2 cánh rừng tràm ngút ngàn, rộng lớn mang tên U Minh Hạ và U Minh Thượng thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Ðó là sông Trẹm. Thời chiến tranh, sông Trẹm chứng ghi bao chiến công lẫy lừng của quân và dân. Những năm qua, dòng sông này luôn thao thiết, chờ mong. Mùa xuân về, lãng du qua sông Trẹm, đã nghe, đã thấy bao điều đáng yêu, đáng nhớ!

Sông Trẹm bắt nguồn từ ngã ba kênh Tân Bằng - Cán Gáo đến ngã ba sông Ông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Ðoạn xuyên qua 4 xã và 1 thị trấn của huyện Thới Bình, sông dài hơn 40 cây số (từ ngã ba sông Cái Tàu, huyện U Minh, đến Vàm Xáng, thuộc Thứ Mười Một, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).

Theo các bậc cao niên, thuở xưa, đôi bờ sông Trẹm rừng tràm dày đặc, nước đỏ bốn mùa và mang tên sông Trèm Trẹm. Hôm nay, dẫu tên gọi có đổi thay, nhưng sông Trẹm vẫn mãi hiền hoà, mặt nước lững lờ trôi qua xóm, qua làng. Nhiều nhà văn, nhà thơ ví von, sông Trẹm đi giữa rừng U Minh, uốn lượn như một dải lụa, mềm mại, nên thơ tạo nguồn cảm xúc để nhiều tác phẩm thơ ca, hò vè ra đời. Trong đó, tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” của cố Nhà văn Dương Hà làm say lòng bao độc giả.

Thời chiến tranh, sông Trẹm bao phen nổi sóng nhấn chìm tàu giặc. Những chiến công vang danh, gắn liền với tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Hoàng Thá, Ðội phó Ðội săn tàu Biển Bạch còn lưu giữ đến hôm nay. Ông Lê Hoàng Khiến, cán bộ hưu trí ở thị trấn Thới Bình - anh trai Liệt sĩ Lê Hoang Thá, thành viên Ðội săn tàu, kể: "3 tháng cuối năm 1970, Ðội du kích săn tàu Biển Bạch cùng các lực lượng võ trang đánh tan xác 6 chiếc tàu của quân xâm lược, khi chúng nghênh ngang qua sông Trẹm".

Trải qua các cuộc chiến tranh, gần 1.400 người con ở đôi bờ sông Trẹm hiến dâng xương máu, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, 2 liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, khi tuổi đời các anh, các chị mới mười tám, đôi mươi, chưa bề gia thất. Ðó là Anh hùng Lê Hoàng Thá và nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ - chắc hương hồn các anh, các chị, mãi còn vương hương tràm và dòng nước đỏ quê hương!

… Những năm gần đây, nông dân sông Trẹm không ngừng chuyển đổi sản xuất. Rõ nhất từ khi nước ngọt từ sông Trẹm và Quản lộ Phụng Hiệp vào sâu nội đồng, nông dân bắt đất quay thêm vòng, trồng lúa, kết hợp nuôi thuỷ sản và trồng màu. Không những thế, chủ đất luôn trăn trở chọn lựa phương án sản xuất, nâng cao thu nhập.

Một góc thị trấn Thới Bình nhìn về dòng sông Trẹm.   Ảnh: VĂN ÐUM

Tại ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, tôi gặp nông dân sản xuất giỏi Trương Văn Hoàng, chủ nhân ngôi nhà tường mới toanh, cùng nhiều tài sản đắt tiền mới sắm, ước tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Ông Hoàng tâm sự: “Nông dân thời đại này phải tham gia hợp tác xã hoặc tổ sản xuất, cùng nhau trao đổi thông tin, kết nối giới thiệu, quảng bá sản phẩm, làm ăn sẽ có dư”.

Ông Hoàng chia vui: "Tôi làm tổ trưởng tổ hợp tác có 34 hộ nuôi tôm càng xanh. Sau dịch Covid-19 đến nay, thêm 12 hộ xây nhà mới, mỗi căn giá trị cả tỷ đồng”.

Chị Dương Thu Tư, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bằng, đưa tôi về các ấp Kinh 8, Kinh 9, Nguyễn Huế và Tấn Công... Ở đâu, tôi cũng nghe bà con bộc bạch: "Hồi đó, ở đây trồng lúa năng suất thấp, đan đát vất vả mà không có lời. Ðến năm 2012, Nhà nước sên vét kênh nội đồng, vận động nông dân trồng lúa, xen nuôi tôm, cả xóm ai cũng thực hiện mô hình này, nhờ vậy mới có dư dả".

Các xã ven sông Trẹm đang được mùa nuôi thuỷ sản. Diện tích nuôi tôm càng xanh toàn vùng khoảng 8.400 ha, năng suất bình quân đạt từ 150-220 kg/ha. Con tôm giúp nhiều chủ đất vươn mình, trở thành triệu phú trẻ bên sông Trẹm.

Anh Phù Công Triều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình, khẳng định: "Nông dân nhiều nơi lao đao chọn lựa cây, con để chuyển đổi, nhưng bà con ở sông Trẹm nói riêng và huyện Thới Bình nói chung, đang sản xuất ổn định, mỗi năm nuôi 2 vụ tôm, trồng 1 vụ lúa, đất bờ trồng rau màu, thu nhập quanh năm".

Khoảng 14.000 hộ đang sinh sống ven sông Trẹm. Diện mạo xóm làng cũng như cuộc sống của bà con nơi đây ngày thêm thay đổi. Số hộ sống dưới những mái nhà lụp xụp giảm nhanh. Vui nhất là ngày càng có nhiều bạn trẻ rời sông quê đi học nghề, học đại học.

Anh Nguyễn Hoàng Sấy, công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, người con đất Biển Bạch, tự hào: “Chỉ riêng dòng tộc của tôi có gần 10 cháu học cao đẳng, đại học”.

Những năm cuối thế kỷ trước, Thới Bình quyết tâm xây dựng quê hương đạt danh hiệu “Huyện Văn hoá” đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến đầu thiên niên kỷ 21, Thới Bình hân hoan chào đón niềm vui này. Trong bước chuyển mình, Thới Bình đi đầu nhiều phong trào cách mạng của tỉnh, nổi bật là xây dựng giao thông nông thôn, xoá đói, giảm nghèo. Ðón nhận chủ trương xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước, Thới Bình đề ra mục tiêu đến năm 2020, các xã, thị trấn trong toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thế là cả huyện lại nhập cuộc cách mạng mới: xây dựng quê hương đẹp giàu! Theo đó, hàng ngàn lượt chuyến công tác của cán bộ các ngành, các đơn vị từ khảo sát đến vận động toàn dân xây cầu, làm đường, giúp dân sửa nhà, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng mô hình sản xuất đa canh… Rồi hàng triệu lượt ngày công lao động của Nhân dân, đã lượng hoá các hạng mục, các công trình, đưa đề án xây dựng nông thôn mới, tổng trị giá hơn 685 tỷ đồng trở thành hiện thực. Giữa năm 2021, 11 xã, thị trấn của huyện về đích Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

… Một ngày giáp Tết Quý Mão, về lại Thới Bình, tôi lại nhớ chuyện xưa. Nhớ dãy nhà ngói và hàng còng già đứng dài theo con đường qua thị trấn. Nghe tâm tình của tôi, anh Phùng Hải Âu, nguyên Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao huyện Thới Bình, chia sẻ: "Ðịa phương rất mong muốn triển khai chương trình bảo tồn phố cổ, nhưng chưa hội đủ điều kiện. Hơn nữa, các công trình ấy đều xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho dân". Anh Âu day dứt: "Tôi yêu sông Trẹm, tự hào về dòng sông quê, nhưng chưa đề xuất với lãnh đạo địa phương phát triển sông Trẹm đúng tầm".

… Ði qua năm tháng, sông Trẹm cứ hiền hoà, lững lờ trôi ra sông, ra biển. Theo dòng trôi, sông mang nhiều ước mơ, khao khát của người dân đôi bờ. Có thể lắm, tương lai ven bờ sông Trẹm sẽ xuất hiện những địa chỉ homestay, đón du khách tham quan, trải nghiệm. Sông Trẹm sẽ kết nối cùng huyện U Minh, Trần Văn Thời, mở tour du lịch trên các dòng sông quê; đưa đờn ca tài tử xuống thuyền văn hoá, du ngoạn qua các địa danh: Tân Bằng - Cán Gáo, Cái Tàu - U Minh, sông Ông Ðốc - Trần Văn Thời.

 Ðón nhận đề xuất của tôi, anh Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tâm đắc: “Ý tưởng hay. Vì rằng, du lịch sông nước đang là xu hướng phát triển. Chúng tôi cũng dự định thử nghiệm mô hình này. Song trước mắt, huyện đề ra mục tiêu: Ðất đôi bờ sông Trẹm tiếp tục tăng vòng. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất đa canh ra đời, nâng cao thu nhập cho người dân sông Trẹm nói riêng, Thới Bình nói chung, để miền quê này ngày càng có nhiều triệu phú”./.

 

Quỳnh Mai

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.