Những ai sống ở các đô thị lớn hẳn sẽ không còn xa lạ với chuyện kẹt xe, đường tắt, người xe nhích lên từng chút một... vào những giờ cao điểm. Trời nắng thì nóng hầm hập cộng thêm khói bụi, tiếng ồn, trời mưa thì ướt át, đôi lúc ngập nước dưới chân…
Những ai sống ở các đô thị lớn hẳn sẽ không còn xa lạ với chuyện kẹt xe, đường tắt, người xe nhích lên từng chút một... vào những giờ cao điểm. Trời nắng thì nóng hầm hập cộng thêm khói bụi, tiếng ồn, trời mưa thì ướt át, đôi lúc ngập nước dưới chân… rồi áp lực trễ giờ làm, trễ giờ đưa đón con… nên việc muốn thoát khỏi cảnh kẹt xe càng nhanh càng tốt cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, giữa những lúc phải “chịu đựng” những điều trên, không hiếm người đã vô ý “góp” thêm vào tiếng còi xe inh ỏi, lớn tiếng cằn nhằn, thậm chí cự cãi, gây hấn… và kết quả là làm cho tình hình tệ đi để rồi sau đó, họ lại càng bực tức hơn.
Tương tự như vậy, có khá nhiều trường hợp va quẹt xe cộ dẫn đến kết quả "u đầu, sứt trán" - đáng nói là chuyện u đầu, sứt trán ấy lại không liên quan gì đến tai nạn giao thông mà là do cả hai bên thay vì "xí xoá" khi không có thiệt hại gì đáng kể thì lại quay sang thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để “làm cho ra lẽ” một sự việc lẽ ra “nhỏ xíu”, chỉ cần cười xoà và cất lời xin lỗi là giải quyết xong.
Dông dài như vậy chỉ để nhắc đến người tài xế (với hành động mang tính bản năng hoặc có chủ ý hay đơn giản chỉ là “ăn may”) đã cứu được 30 hành khách tại đèo Bảo Lộc đã “được” và “bị” mọi người nhìn nhận theo 2 hướng khác nhau.
Hướng thứ nhất - quyết phải “trưng ra” cho bằng được những bằng chứng liên quan đến kỹ thuật lái xe, thông số của xe cộ, quán tính, tốc độ… để chứng minh rằng việc “dìu” chiếc xe khách bị mất thắng trên là chuyện cực kỳ vô lý nên người tài xế xe tải ấy không đáng được nhận sự khen thưởng, khâm phục của nhiều người đến như vậy. Hướng thứ hai - ca ngợi người tài xế ấy như một người hùng trong phim hành động. Và điều đó đã gây ra một cuộc tranh cãi dai dẳng bởi “phe” đưa ra những bằng chứng xác thực mang tính khoa học vẫn đang rất “quyết tâm” đưa thêm nhiều bằng chứng mang tính khoa học lẫn phản biện về sự việc trên; và có cả một số lời đề nghị nên “đòi” lại tất cả những khen thưởng, bằng khen đã trao cho người tài xế xe tải nọ để đảm bảo tính “công bằng” và sự thật.
Sự thật là - chuyện kẹt xe vẫn xảy ra khá thường xuyên tại các thành phố lớn, trong lúc chờ hướng giải quyết mang tính vĩ mô của ngành giao thông vận tải và tuân theo sự điều tiết của cảnh sát giao thông (nếu có), thì chuyện kẹt xe khó lòng “khá” lên hay giải quyết được bằng những tiếng còi xe, những lời bực bội hoặc cự cãi, gây hấn, có chăng chỉ làm cho tình hình trở nên tệ hại hơn mà thôi.
Sự thật là - có khá nhiều sự việc được giải quyết không chỉ dựa trên chuyện đúng - sai mà dựa trên cái tình, sự cảm thông, thấu hiểu, đôi khi chỉ bằng một nụ cười, một cái vỗ vai, một lời xin lỗi là “chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không”; bởi đôi lúc, sau khi đạt cho bằng được “cái lý” thì “cái tình” đã không còn.
Vẫn biết, “phân nửa bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng phân nửa sự thật không còn là sự thật nữa”. Nhưng trong trường hợp của người lái xe tải ấy, sự thật là - nếu như 30 mạng người trên chiếc xe khách ấy thoát chết chỉ là sự ăn may, thì chẳng lẽ sự ăn may ấy không đáng để vui mừng hơn là “tìm cho ra những bằng chứng để chứng minh sự thật”. Và nếu tìm ra được, thì sự thật ấy sẽ dùng để làm gì?
Cũng không biết nữa, mà cũng không thiết tha muốn tìm câu trả lời, bởi có hàng triệu, hàng tỉ trẻ em (và đôi lúc có cả người lớn) vẫn tin và tìm đọc những câu chuyện cổ tích, nơi có ông bụt, bà tiên, vẫn háo hức viết thư cho ông già Noel khi Giáng sinh về. Những người ấy không đặt câu hỏi rằng liệu ông bụt, bà tiên, ông già Noel, chuyện cổ tích… có tồn tại thật hay không, họ đơn giản là tin và tận hưởng thế giới cổ tích ấy (dẫu chi giữ điều ấy cho riêng mình).
Huống hồ, với 30 mạng người, dù đó là ăn may hay là bất cứ điều gì, thì người tài xế ấy đã làm nên một điều kì diệu. Ðiều đó vượt lên cả lý lẫn tình và nhiều điều khác nữa, phải vậy không?./.
Ðoàn Ngọc