(CMO) Trong giai đoạn hội nhập kinh tế như hiện nay, việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng là hướng đi tất yếu. Mã số vùng trồng không chỉ là giấy thông hành giúp nông sản đi xa, thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính, mà còn là cơ sở để truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm soát sản xuất gắn theo quy trình an toàn để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định bắt buộc, trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Kể cả người tiêu vùng trong nước cũng đang đòi hỏi ngày một cao hơn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là yếu tố quan trọng để các mặt hàng thuộc lĩnh vực trồng trọt được nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Cà Mau từ lâu được biết đến là địa phương có thế mạnh về nuôi, khai thác và chế biến thuỷ hải sản. Tuy nhiên, lĩnh vực trồng trọt cũng đóng góp không nhỏ vào giá trị toàn ngành nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2022, với diện tích gieo trồng 110.975 ha đã mang về cho tỉnh tổng sản lượng lúa 543.991 tấn. Ðặc biệt, thời gian qua tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất lúa theo mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm lúa an toàn và lúa hữu cơ. Tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị trên đất lúa - tôm 795,5 ha, liên kết tiêu thụ sản xuất lúa hữu cơ với 4 công ty và 9 hợp tác xã. Ngoài ra, đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, rau theo hướng VietGAP, vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Theo kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh cấp từ 5-10 mã số vùng trồng và từ 1-3 cơ sở đóng gói đối với hoa màu. (Trong ảnh: Mô hình sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời). |
Ðó là những nền tảng thuận lợi để tỉnh triển khai xây dựng và cấp mã số vùng trồng. Theo Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm này cơ bản đã chuẩn bị xong mọi điều kiện để thiết lập, cấp và quản lý các mã số vùng trồng. Ðơn vị sẽ tích cực phối hợp với các địa phương và cá nhân triển khai trong quý I/2023 này. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân chủ động đăng ký và các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, bao gồm cả cây lúa và các loại cây trồng khác ngoài lúa.
Ðể việc triển khai xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng đạt hiệu quả cao nhất, thời gian gần đây UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành cũng như chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, chuẩn bị các điều kiện để phối hợp, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thiết lập và quản lý các mã số vùng trồng nội địa. Gần đây nhất là Quyết định số 2936/QÐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh cấp từ 120-130 mã số vùng trồng và 1-2 cơ sở đóng gói trên cây lúa; 5-10 mã số vùng trồng và 1-3 cơ sở đóng gói đối với rau màu và cây ăn trái; cấp từ 2-3 mã số vùng trồng và 1-2 cơ sở đóng gói đối với cây dược liệu.
Theo đó, để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, ông Thức cho biết, đơn vị đã xây dựng và sẽ triển khai quyết liệt các cuộc hội thảo, mở các lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ thuộc sở, ngành tỉnh, các huyện và các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân các nội dung có liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Ðồng thời, tổ chức và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đúng theo các quy định. Trong đó, tập trung yếu tố tổ chức sản xuất tập trung, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất, quy trình quản lý sinh vật gây hại, nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng... để những sản phẩm nông sản từ các vùng được cấp mã số vùng trồng luôn đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và giá thành cao nhất.
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đổi mới, nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác, lấy kinh tế hợp tác làm nền tảng để tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông hộ, liên kết các nguồn lực để sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, đáp ứng nhu cầu sản phẩm hàng hoá cho thị trường. Hiện trên địa bàn tỉnh có 176 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 790 tổ hợp tác và 28 trang trại. Ðồng thời, toàn tỉnh đã công nhận 101 sản phẩm OCOP, trong đó có 98 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao. Ngoài ra, trên lĩnh vực trồng trọt đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa với diện tích 6.320 ha lúa an toàn chất lượng cao, lúa - tôm và lúa hữu cơ... Ðây là những nền tảng vô cùng quan trọng để việc triển khai xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt kết quả cao nhất, nâng tầm các sản phẩm nông sản Cà Mau lên một vị thế mới trên thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh phấn đấu cấp từ 2-3 mã số vùng trồng cho cây dược liệu đến năm 2025. (Trong ảnh: Vườn nhàu của anh Khưu Văn Chương, ở ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời. Nước cốt từ trái nhàu hỗ trợ sức khoẻ). |
Trong định hướng phát triển lĩnh vực trồng trọt thời gian tới, tỉnh giữ ổn định diện tích gieo trồng khoảng 108 ngàn héc-ta. Trong đó, bố trí sản xuất lúa cao sản khoảng 70 ngàn héc-ta; lúa - tôm, lúa mùa khoảng 40 ngàn héc-ta. Xây dựng hai vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao khoảng 80 ngàn héc-ta, trong đó vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế có liên kết theo chuỗi giá trị 20 ngàn héc-ta. “Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, loại hình sản xuất phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất”, ông Thức cho biết thêm về giải pháp để đạt hiệu quả trên lĩnh vực trồng trọt thời gian tới.
Với những nỗ lực, sự chủ động, tích cực của tỉnh trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện, kinh tế nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng đã có nhiều bước phát triển. Hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô ngày càng lớn, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tăng năng suất, giá trị nông sản. Tuy nhiên, theo dự báo, thời gian tới kinh tế nông nghiệp vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là các nước đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về truy xuất nguồn gốc nông sản. Do đó, việc xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ là tấm giấy thông hành quan trọng trong hành trình xuất ngoại nông sản của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn./.
Nguyễn Phú