(CMO) Ngày nay, bà con nông dân không còn nếp nghĩ, cách làm “đèn nhà ai nấy rạng” hay “mạnh ai nấy làm”, mà đã chủ động bàn bạc, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cách “mần ăn”, gắn bó, liên kết để phát triển thế mạnh của địa phương theo hướng bền vững, cùng giúp nhau làm giàu. Ðó là mục đích cốt lõi khi thành lập Hội quán tôm rừng Rạch Gốc, mô hình kinh tế tập thể kiểu mới, như mái nhà chung của nông dân vùng đất cuối trời Tổ quốc.
Ông Hoà thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn dưới tán rừng, tôm đạt kích cỡ 12 con/kg, được thương lái thu mua với giá 300.000 đồng/kg. |
Hội quán tôm rừng Rạch Gốc (Hội quán) được thành lập cuối năm 2020, với 55 thành viên, chung nghề nuôi tôm sinh thái trên tổng diện tích hơn 220 ha, tập trung ở ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Nhằm giữ vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, phát triển nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, Hội quán tập hợp những nông dân tiêu biểu để cùng nhau trao đổi kỹ năng sản xuất mới, cách thức kinh doanh hiệu quả, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tôm rừng.
Gặp anh Út Sử (Huỳnh Văn Sử, ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) vào đầu con nước xổ vuông, anh Sử cười: “Ðêm đầu con nước mà tôi được 10 triệu đồng rồi đó nghen. Kéo tôm lên được 15-20 con/kg, thấy ham lắm”. Anh Sử có 4,5 ha nuôi tôm sinh thái. Với anh, đây là vụ tôm đầu tiên đạt năng suất và tôm đạt cỡ lớn như vậy trong hơn 4 năm qua.
Theo anh Sử: “Ðó cũng là nhờ từ khi tham gia Hội quán, mình được nghe cán bộ chuyên môn chia sẻ, tư vấn và bàn bạc kỹ thuật nuôi tôm với nhiều nông dân trong Hội quán, nên rút kinh nghiệm để vụ tôm đạt năng suất hơn”.
Tham gia Hội quán, bà con có không gian mở, tạo môi trường gắn kết cộng đồng, tập thể một cách gần gũi để nhẹ nhàng trao đổi, tương tác trực tiếp với các kỹ sư, cán bộ ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, chứ không theo cách truyền đạt hay kiến nghị bằng văn bản, giúp nông dân xoá bớt dần cảm giác về khoảng cách, tự tin chia sẻ.
Qua học hỏi, trao đổi lẫn nhau, phương thức sản xuất theo lối canh tác cũ dần dần được thay thế bằng cách tiếp cận phương thức sản xuất mới, để sản phẩm mình làm ra được tốt hơn.
Hàng xóm của anh Sử, anh Lê Văn Hoà (ấp Rạch Gốc B) có 7 ha vuông. Vụ nuôi này, anh thả 300.000 con tôm giống. Anh Hoà là một trong những hộ thí điểm nuôi tôm sinh thái 2 giai đoạn do huyện tổ chức tập huấn trong năm qua. Ðúng hẹn, thương lái ghé nhà anh cân tôm, được 12 con/kg, giá 300.000 đồng/kg.
Với mô hình tôm rừng, nông dân nơi đây thu hoạch từ 100-200 triệu đồng/năm. |
Anh Hoà hồ hởi: “Thả tôm từ hồi tháng 10 âm lịch tới nay, theo dõi thấy tôm mau lớn lắm. Con nước này, xổ thử trước một đêm mà được 4 kg tôm. Nuôi tôm 2 giai đoạn đạt hơn 70% do tôm dèo giai đoạn đầu từ 15-20 ngày cho tôm quen môi trường nước, mình kiểm soát được số lượng tôm. Trong khi nuôi tôm quảng canh truyền thống, thả số lượng con giống gấp đôi, nên với cách nuôi mới này sẽ nhẹ vốn con giống hơn, mà tôm khoẻ mạnh, ít bệnh, đạt năng suất hơn”.
Thị trấn Rạch Gốc có hơn 2.600 ha nuôi tôm sinh thái. Người dân nơi đây đã có kinh nghiệm, thâm niên trong nuôi tôm. Trước đây, phần lớn người dân sản xuất rời rạc, chưa tập trung, thiếu liên kết theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không biết được là sản phẩm mình làm ra có đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hay không. Những năm gần đây, nông dân đã biết chú trọng sản xuất đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, độ an toàn theo tiêu chuẩn sạch, để việc tiêu thụ dễ dàng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Chủ nhiệm Hội quán Nguyễn Thanh Tín phấn khởi: “Hiện nay, toàn bộ diện tích nuôi tôm rừng của các thành viên trong hội quán đều đã đạt các tiêu chuẩn được chứng nhận tôm sinh thái cho sản phẩm tôm sạch, được Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú ký hợp đồng thu mua, xuất đi nhiều nước trên thế giới. Hàng năm, bà con còn được đơn vị này tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, được chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng... cùng với nguồn thu từ các đối tượng nuôi đan xen khác: cua, sò huyết, vọp… theo phương thức hữu cơ, nên đời sống của các thành viên dần được nâng cao, vươn lên khá giả. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm từ tôm sinh thái, 60-80 triệu đồng từ con cua và nhiều nguồn thu khác, liên kết đảm bảo đầu vào, đầu ra nên giá cả ổn định”.
Cơ cấu tổ chức của Hội quán cũng không rườm rà, bao gồm 1 chủ nhiệm và 4 phó chủ nhiệm làm đầu mối thông tin với các thành viên. Ðịnh kỳ mỗi tháng, Hội quán mở các cuộc trao đổi để các thành viên học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất.
Anh Tín chia sẻ thêm: “Trước khi thành lập Hội quán, chúng tôi đã được tham quan, học hỏi các mô hình Hội quán ở tỉnh Ðồng Tháp để học hỏi, tiếp thu và chọn lọc phù hợp với tình hình thực tế, thế mạnh của địa phương để hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó, Hội quán đặt ra phương hướng sản xuất là vận động bà con tích cực áp dụng kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng tôm nuôi, bảo vệ môi trường rừng kết hợp với phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn theo hướng bền vững. Ðược các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, Hội quán đang triển khai thực hiện dự án nuôi tôm 2 giai đoạn cho các thành viên nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, giảm chi phí đầu vào”.
Hội quán ra đời từ nguyện vọng và quyết tâm của cả nông dân và chính quyền địa phương, nhằm tạo điều kiện cho bà con nơi đây có thể giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, kết nối về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, giảm chi phí đầu tư, hạn chế tình trạng thương lái ép giá.
Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Ðảm nhận định: “Hội quán ra đời, ngoài chuyện sản xuất và làm ăn, còn là nơi bàn chuyện đời sống, giải quyết các vấn đề chung của xã hội. Mô hình kinh tế tập thể này không quản lý trên văn bản giấy tờ như hợp tác xã, tổ hợp tác mà chủ yếu là hội tụ những nông dân có cùng ý nguyện, cùng ngành nghề sản xuất ngồi lại với nhau, dựa trên quy ước, quy chế hoạt động để cùng trao đổi, chia sẻ. Hội quán đã giúp nông dân không còn làm một mình mà cùng nhau bàn bạc, giúp nhau trong sản xuất, vừa giảm chi phí, vừa nâng chất lượng, tạo ra vùng nguyên liệu lớn. UBND thị trấn đóng vai trò hỗ trợ các thủ tục trong quá trình thành lập Hội quán, cũng như cán bộ vào cuộc hướng dẫn kỹ thuật và tham gia các buổi sinh hoạt để cùng bà con trao đổi kinh nghiệm, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của các thành viên Hội quán để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tại đây, các thành viên trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin, không chỉ chuyện sản xuất, giá cả, mà còn các vấn đề an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, tương trợ nhau”.
Từ năm 2020 đến nay, Cà Mau xây dựng thí điểm 9 mô hình hội quán trên địa bàn tỉnh. Ðây sẽ là tiền đề để liên kết 4 nhà chặt chẽ và bền vững hơn, góp phần phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP và chương trình xây dựng NTM của tỉnh./.
Thảo Mơ