(CMO) Sau nhiều năm phát triển, từ một làng nghề truyền thống, đến nay, mắm cá mào gà tại ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi vinh dự trở thành sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao của tỉnh.
Từ bao đời nay, người dân làng cá Hố Gùi (ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi) chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác biển. Hàng năm, sản lượng khai thác thuỷ sản nơi đây khá dồi dào, trong đó có cá mào gà. Do giá thành rẻ nên cá mào gà sau khi đánh bắt vào bờ được người dân bán cho thương lái để làm thức ăn chăn nuôi, phần còn lại người dân làm mắm để dùng trong gia đình. Nghề làm mắm cá mào gà dần trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển. Khi mới hình thành, nghề mắm cá mào gà chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ ở quy mô hộ gia đình, giá trị tương đối thấp và chưa được nhiều người biết đến.
Vào đầu năm 2021, HTX Mắm cá mào gà được thành lập với 7 thành viên, chuyên về sản xuất mắm cá mào gà. Với lợi thế được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trực tiếp tại địa phương, HTX đã đầu tư xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP và cuối năm 2021, mắm mào gà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Cà Mau.
Mắm mào gà (HTX Mắm mào gà ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi) đạt OCOP 3 sao năm 2021 của tỉnh Cà Mau. |
Những ngày cuối năm, người dân làng cá Hố Gùi không khỏi vui mừng khi nghề làm mắm gắn bó bao đời nay đã thay áo mới, vươn mình trở thành sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hồng, một trong những người gắn bó lâu đời nhất với làng nghề làm mắm cá mào gà tại ấp Mai Hoa, bộc bạch: “Nghề làm mắm mào gà có từ lâu đời nên rất có ý nghĩa với người dân xứ biển Hố Gùi. Mỗi sản phẩm làm ra dù là sản xuất nhỏ lẻ hay số lượng lớn thì chất lượng vẫn được đặt lên hàng đầu. So với trước đây, mắm mào gà được tiêu thụ nhiều, giá trị sản phẩm cũng ngày một nâng cao nên thu nhập của người dân gắn với làng nghề cũng cải thiện đáng kể, bà con rất mừng”.
HTX Mắm cá mào gà có lợi thế là tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, có quanh năm từ cửa biển Hố Gùi, với sản lượng 1.000 tấn mỗi năm. Ngoài ra, nguồn cá mào gà tại cửa biển Gành Hào, cửa biển Bồ Ðề cũng rất nhiều nguyên liệu này, vì thế HTX có thể chủ động mở rộng sản xuất ở quy mô lớn.
Trong quy trình sản xuất mắm cá mào gà, HTX còn chú trọng đến nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình làm mắm đó là muối trắng. Muối được sử dụng từ “làng muối Tân Thuận”, đảm bảo về chất lượng và hợp vệ sinh. Từ khi được thành lập, HTX Mắm mào gà đã giải quyết việc làm cho 6 lao động nhàn rỗi tại địa phương, trong đó có 2 hộ nghèo với mức thu nhập trung bình hàng tháng là 3,5 triệu đồng.
Với mục tiêu phát huy hoàn toàn thế mạnh từ sản lượng cá mào gà khai thác tại địa phương, hiện nay HTX mắm cá mào gà còn sản xuất nước mắm từ cá mào gà, khô cá mào gà và chả cá mào gà.
Anh Nguyễn Minh Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX, nhấn mạnh: “HTX hướng đến sản xuất đa dạng hoá sản phẩm từ con cá mào gà chứ không chỉ có mắm, một mặt vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, mặt khác tạo thêm nhiều việc làm cho bà con. Ngoài ra, mục tiêu hướng đến của HTX trong thời gian tới là đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi tại thị trường ngoài tỉnh và trong hệ thống siêu thị lớn. Không chỉ bảo tồn nghề truyền thống, quảng bá đặc sản riêng của địa phương, mà còn nâng cao thu nhập cho các thành viên của HTX, tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động, góp phần cải thiện kinh tế, xã hội của địa phương”./.
An Kỳ