(CMO) LTS: Thuỷ sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, cường độ khai thác cao, nguồn lợi thuỷ sản đang suy giảm nhanh về trữ lượng, đặc biệt là cá ở tầng đáy. Nếu không kịp thời triển khai các giải pháp phục hồi, tái tạo, bảo tồn để khai thác bền vững thì tương lai không xa, nguồn lợi thuỷ, hải sản sẽ cạn kiệt. Ðã đến lúc chúng ta cần phải có một chương trình, đề án cấp quốc gia để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản mang tính chất tổng thể từ biển, ven biển đến đầm phá và nội đồng với mục tiêu đưa ngành thuỷ sản phát triển bền vững, tạo sinh kế cho ngư dân.
Bài 1: Nguồn lợi thuỷ sản suy giảm
Cà Mau là 1 trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, 1 trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước, sản lượng khai thác đánh bắt hàng năm đạt khoảng 250 ngàn tấn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi thuỷ sản đang bị suy giảm mạnh, theo đó tỷ lệ cá tạp trong mẻ lưới chiếm tới 30-40%, một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao trở nên khan hiếm. Ðiều đó cho thấy việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đang trở nên cấp thiết.
Giờ đây, biển không còn hào phóng như trước bởi những loại hình khai thác tận diệt, tần suất hoạt động cao của các phương tiện ven bờ.
Ðánh bắt thuỷ sản ven bờ ngày một gia tăng, làm cho nguồn lợi thuỷ sản suy giảm nhanh. |
Nỗi lo biển... cạn
Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, cho biết: “Qua các kết quả nghiên cứu, thăm dò trong những năm gần đây cho thấy, nguồn lợi thuỷ hải sản, hệ sinh thái thuỷ sinh và môi trường sống của các loài thuỷ sản biển đang có xu hướng suy giảm trên phạm vi cả nước”.
Theo đó, nguồn lợi thuỷ sản của vùng biển Cà Mau hiện cũng được đánh giá có nguy cơ suy giảm so với giai đoạn trước. Ðặc biệt là vùng biển ven bờ, một số nơi suy giảm đã đến mức báo động; trữ lượng thuỷ sản cũng đang có xu hướng suy giảm nhanh, đặc biệt là các loại cá ở tầng đáy có giá trị kinh tế cao giảm đến 18,4%. Ðây là chỉ số quan trọng cho thấy sự suy giảm nguồn lợi thuỷ hải sản.
Với hơn 40 năm trong nghề, ông Phan Văn Sơn, Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, là người chứng kiến rõ mức độ ngày càng cạn kiệt nghiêm trọng của nguồn lợi thuỷ sản. Theo ông Sơn: “Trước đây, nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản mang lại sự giàu có nức tiếng cho nhiều hộ dân nơi đây, như ông Tư Biểu (Nguyễn Tấn Biểu), Hai Thành (Ðặng Thành), Hai Hùng (Ðàm Văn Hùng), Tư Tán, Út Mũ... Còn bây giờ số lượng tàu khai thác đánh bắt ven bờ gia tăng làm cho nguồn lợi thuỷ sản ngày một ít đi. Ðặc biệt, những năm gần đây, giá xăng, dầu tăng cao, giá nhiều loại thuỷ sản thiếu ổn định… đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các chủ tàu, dẫn đến một số chủ tàu làm ăn thua lỗ, nợ nần, rồi chuyển sang làm nghề khác”.
Ông Ðinh Văn Huy, Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, cũng cho rằng sản lượng khai thác hiện nay đã giảm gần 60% so với trước, những loại cá có giá trị kinh tế cao ngày một ít. Nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản cơ bản chỉ đảm bảo cuộc sống ngư dân chứ chưa thể làm giàu từ biển như trước.
“Muốn khôi phục nguồn lợi thuỷ sản chỉ có giảm tần suất khai thác ven bờ, nhất là những loại hình khai thác tận diệt như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi …”, ông Huy đề xuất.
Sản lượng thuỷ sản khai thác từ biển ngày càng giảm. |
Khát vọng làm giàu từ biển
Sông Ðốc là một trong những cửa biển lớn trên vùng biển Tây, theo đó các hoạt động khai thác thuỷ hải sản nhộn nhịp và sầm uất bậc nhất. Nghề khai thác biển ở đây đã trở thành nghề cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Với họ, biển là nhà, là một phần sự sống và là nơi mưu sinh. Vì vậy, khát vọng vươn khơi, bám biển làm giàu cũng song hành với ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Chỉ tay về hướng những con tàu đang nhổ neo, chuẩn bị rời bến, ông Nguyễn Văn Phỉnh, Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, khẳng định: "Chỉ có vươn khơi thì sản lượng mới nhiều, giá trị mới cao. Ðồng thời, giảm lượng tàu ven bờ, loại bỏ các loại hình đánh bắt mang tính tận diệt như xung điện, cào đôi... thì nguồn lợi mới được tái tạo, biển mới sinh sôi, mở lối tương lai cho ngư dân.
Ông Huỳnh Văn Thắng, Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh, làm nghề đánh bắt ven bờ, cũng cho rằng: "Do hiện nay phần lớn tàu chỉ quanh quẩn ven bờ, không chỉ tàu cá của địa phương mà nhiều tàu của các tỉnh khác cũng đến. Nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt nhanh nên chưa thể làm bà con khá lên được. Chỉ có bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ thì biển mới sinh sôi".
Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền rộng rãi ngư dân không khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Vùng biển Cà Mau từng được mệnh danh là biển bạc với vô vàn cá, tôm. Tuy nhiên, khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, nguồn lợi thuỷ sản dần cạn kiệt, cá không còn nơi trú ẩn, không thể đến được với bãi bồi để sinh sản, tái tạo nguồn giống. Ông Ðỗ Chí Sĩ cho biết, nhằm phát triển đa dạng sinh học, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản ven bờ mang tính bền vững lâu dài, Cà Mau đã triển khai dự án thả 500 rạn san hô nhân tạo tại vùng biển Tây, cách hòn Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời khoảng 10 hải lý. Vốn đầu tư dự án này trên 7,7 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan trên 3 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Kết quả đánh giá sau gần 2 năm triển khai cho thấy có sự xuất hiện khoảng 13 họ cá, gồm một số loài đặc trưng cho cá rạn, như họ cá bướm, cá thia cùng với một số họ cá có giá trị thực phẩm và giá trị kinh tế cao, như họ cá bớp, cá dìa, cá mú, cá vây tia, cá kẽm, cá hồng, cá đổng… Các loài cá tập trung tại khu vực rạn có khuynh hướng tăng lên qua các lần lặn thu mẫu đánh giá. Ðặc biệt, một số loài cá quan sát tại khu vực rạn có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình ngư dân khai thác trước đây, như cá hồng, cá đổng. Qua đây cho thấy chuỗi mắt xích thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, cần căn cứ theo trữ lượng để đặt hạn mức khai thác nằm trong ngưỡng an toàn, tránh tình trạng tận diệt nguồn lợi thuỷ sản. Ðây là điều mà từ trước đến nay nhiều địa phương chưa quan tâm, cứ đưa ra mục tiêu khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước. Ðiều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khắc phục “thẻ vàng” EC./.
Trung Ðỉnh
Bài 2: GIẢM CƯỜNG LỰC KHAI THÁC