(CMO) Mạnh về biển, giàu lên từ biển không chỉ là khát vọng của những ngư dân qua bao đời gắn bó với biển, mà còn là trăn trở của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau, nhằm tìm ra hướng khai thác tiềm năng từ biển cả.
Tạo sinh kế cho ngư dân
Nằm ở cuối dải đất hình chữ S, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt tiếp giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có nhiều cụm đảo như Hòn Khoai, Hòn Chuối, hòn Ðá Bạc. Ðặc biệt, vùng đất bãi bồi ven biển có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho việc phát triển nghề nuôi thuỷ hải sản, nhuyễn thể trên biển. Những năm qua, nhiều hộ dân sinh sống trên Hòn Chuối, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đã đầu tư hơn 250 lồng, bè nuôi cá bớp trên biển, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 500 tấn, bước đầu tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, thắp sáng khát vọng cho ngư dân.
Nhiều hộ dân sinh sống ở Hòn Chuối, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đã đầu tư hơn 250 lồng, bè nuôi cá bớp trên biển. |
Ông Tô Văn Triều, Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, cho biết: “Trước đây tôi có 2 tàu công suất lớn trên 400 CV làm nghề cào đôi và câu mực, làm ăn không hiệu quả nên bấm bụng bán đi 1 tàu. Chiếc còn lại chuyển sang làm dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng cũng không hiệu quả nên tôi nộp đơn xin ngưng hoạt động để chuyển sang nghề nuôi cá”.
Theo ông Triều, Hòn Chuối cách cửa biển Sông Ðốc khoảng 17 hải lý về hướng Tây. Xung quanh hòn ngư trường biển rộng, rất thích hợp cho nghề nuôi cá lồng, bè. Ðặc biệt, nguồn cá giống và thức ăn cá tạp được khai thác ngoài tự nhiên, cá nuôi nhanh lớn nên phần nào giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai kế hoạch phát triển nghề nuôi trồng thuỷ, hải sản trên biển có giá trị kinh tế (cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng) tại Hòn Chuối, hòn Ðá Bạc và đạt kết quả khả quan, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của ngư dân ven biển. Về lâu dài, tỉnh cần quy hoạch diện tích, vùng nuôi để đảm bảo môi trường cho nghề nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, chia sẻ: "Trong bối cảnh nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là hết sức cấp thiết. Ðể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm từ 4-5%, cần sự thay đổi mạnh mẽ trong chỉ đạo quản lý, cùng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một ngành nuôi biển hàng hoá quy mô lớn... Vấn đề cấp thiết hiện nay của ngành thuỷ sản là chuyển từ khai thác sang nuôi biển. Ðồng thời, phải quản lý chặt chẽ theo quy định nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao chất lượng và cải thiện chuỗi giá trị".
Tuy nhiên, việc phát triển nuôi hải sản trên biển tại Cà Mau vẫn còn nhiều hạn chế, như trình độ kỹ thuật nuôi còn thấp; đầu tư xây dựng lồng bè còn không chắc chắn, dễ gặp rủi ro khi có dông bão xuất hiện; tình trạng thiếu con giống thả nuôi vẫn còn phổ biến; việc sử dụng thức ăn bằng nguồn cá tạp không qua xử lý vẫn là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh trên các lồng bè nuôi; chưa có thị trường đầu ra ổn định; chưa tạo ra sản phẩm hàng hoá lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; vốn đầu tư cho nuôi hải sản trên biển lớn nhưng lại phải đối mặt với không ít rủi ro về thiên tai, môi trường và dịch bệnh... Từ những khó khăn, hạn chế trên dẫn đến thời gian qua nghề nuôi hải sản trên biển phát triển còn chậm, chưa ổn định. Theo thống kê, Cà Mau có vùng biển rộng lớn khoảng 80.000 km2, nhưng diện tích nuôi biển chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng diện tích.
Thu hoạch nghêu thương phẩm. |
Thắp sáng khát vọng cho ngư dân
Ông Ðỗ Chí Sĩ cho biết thêm, ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1664/QÐ-TTg về việc phê duyệt Ðề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðể triển khai thực hiện đề án đảm bảo kịp thời và hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tiềm năng sẵn có, tỉnh Cà Mau khuyến khích ngư dân khai thác chuyển sang nuôi biển nhằm giảm áp lực khai thác thuỷ sản ven bờ; tăng quy mô, năng suất, sản lượng nuôi biển, đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo.
Chi cục Thuỷ sản cũng đã tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch phát triển nuôi hải sản trên biển và ven biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng nuôi các loài hải sản phù hợp với điều kiện tự nhiên khu vực ven biển của tỉnh như cá bớp, cá mú, tôm tích, vẹm xanh, nghêu, sò huyết... Ðào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghề nuôi biển cho ngư dân và cán bộ quản lý ở địa phương; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm cho đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp tổ chức chuỗi sản xuất; tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan để thúc đẩy xây dựng các liên kết với nhà đầu tư, cộng đồng tài trợ, tổ chức - cá nhân để giải quyết tốt sản phẩm thu hoạch của hộ nuôi; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào nuôi hải sản trên biển quy mô công nghiệp.
Muốn vậy, cần đầu tư vào hạ tầng nuôi biển, nghiên cứu và chuyển giao những công nghệ tiên tiến như lồng nuôi chắc bền, chịu được sóng to, gió bão. Ðặc biệt, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ; tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính huỷ diệt; tăng cường quản lý hoạt động của tàu cá trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo./.
Trung Ðỉnh