(CMO) Thời gian qua, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trong đó có việc đưa vào sử dụng máy bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật, không chỉ giúp nhà nông làm việc an nhàn hơn, vụ mùa bội thu mà về lâu dài còn bảo vệ sức khoẻ cho nông dân.
Từ khi tham gia Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà đến nay, anh Huỳnh Hữu Lực, ngụ ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tiếp cận được nhiều nguồn hỗ trợ từ sự liên kết giữa HTX với Tập đoàn Lộc Trời.
Theo đó, ngoài được hỗ trợ về phương pháp canh tác, phân, giống và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, thành viên HTX còn được tiếp cận các dụng cụ, kỹ thuật hiện đại, phục vụ trên chính cánh đồng của mình. Gần đây nhất là sử dụng máy bay không người lái (máy bay) phun thuốc bảo vệ thực vật.
Sau khi xác định dấu hiệu, tình trạng của cây trồng, nông dân tiến hành lựa chọn thuốc phù hợp, pha đúng liều lượng. Phần việc còn lại là điều khiển máy bay phun tự động.
Cánh đồng lúa, diện tích 5 ha, của gia đình anh Lực có dấu hiệu bệnh đạo ôn, sau khi liên hệ, được nhân viên tập đoàn đến xem xét, lựa chọn thuốc phù hợp và tiến hành phun trong thời gian sớm nhất, đã ngăn chặn dịch hại lây lan. Khi so sánh với việc làm thủ công, tự chuẩn bị mọi thứ khi lúa có hiện tượng sâu, bệnh phá hoại, anh Lực nhận xét: “Trước đó, với diện tích từ 5 ha, khi lúa nhiễm bệnh thì phải tập trung nhân công phun từ 7-8 ngày mới xong, giờ thì chỉ cần 1 người với chiếc máy bay, phun tầm 2 tiếng là xong. Diện tích lúa của mình lớn, nếu chậm trễ thêm một ngày là rủi ro thêm một phần, do đó, tuy tốn ít phí dịch vụ nhưng mình yên tâm hơn, tránh thất thoát về sau”.
Anh Nguyễn Hoàng Ðen, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Ðông, chia sẻ: “Thay vì phun, xịt truyền thống mất rất nhiều thời gian, thì phun thuốc bằng máy bay đảm bảo sức khoẻ cho người trực tiếp phun, sau đó là tiết kiệm công sức, chi phí nhưng hiệu quả nhanh”.
Trong quá trình bay, thông qua màn hình trên bộ điều khiển, người sử dụng sẽ theo dõi được hướng phun, quan sát trên diện rộng dù cách xa tầm nhìn.
Có kinh nghiệm điều khiển thiết bị bay không người lái gần 3 năm nay, anh Lê Phong Ðộ, Ðội Drone Cà Mau, của Công ty Cổ phần Quản Nông Xanh, Tập đoàn Lộc Trời, thông tin: “Trung bình mỗi lần máy bay làm việc 7 phút, phun được hết bình chứa 10 lít thuốc bảo vệ thực vật/0,5 ha. Chi phí dịch vụ mỗi héc ta dao động từ 150-200 ngàn đồng”.
Mong muốn sản xuất ngày càng hiệu quả, nhiều nông dân cũng tập tành tiếp cận công nghệ mới, trước mắt là phục vụ gia đình, sau đó mạnh dạn đầu tư máy bay, phát triển dịch vụ theo hình thức thu phí.
Tuỳ vào ngày tuổi của cây trồng mà có cách bay, phun phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển về sau.
Tại xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, ông Trần Út Năm là một trong những người sớm mang máy bay về bay trên cánh đồng nhà mình. Ông được bà con trong vùng gọi “ông Năm lái máy bay”.
Trước đó, từ chỗ thuê dịch vụ máy bay phun thuốc cho ruộng lúa và vườn cây ăn trái, đến tháng 10/2022 ông Năm đầu tư mua máy bay, trị giá hơn 440 triệu đồng. Ông Năm bộc bạch: “Bà con hưởng ứng lắm, vì tiết kiệm thời gian, công sức, lại có lợi về sức khoẻ. Ban đầu tôi mua để sử dụng ở nhà, sau đó ai cần thì tôi đến phun để thêm thu nhập, lấy lại vốn. Ðể phun thành thạo, hiệu quả, khi mua tôi được hướng dẫn bài bản các kỹ thuật bay, sau đó được cấp giấy chứng nhận để làm dịch vụ”.
Từ chỗ xa lạ đến làm quen, giờ đây máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật như công cụ hỗ trợ đắc lực trong những vụ mùa. Ðây được xem là cách làm kinh tế mới, bắt nhịp xu hướng canh tác hiện đại.
Tính đến nay, ông Năm đã phun dịch vụ cho trên 7.000 ha, sau khi trừ chi phí, thu gần 200 triệu đồng. Niềm vui nhân đôi khi dịch vụ chuyên nghiệp của ông Năm được nhiều người biết đến. Vào mùa vụ, máy bay luôn hoạt động hết công suất, giúp ông Năm “hái” ra tiền bên cạnh việc làm nông./.
Ngô Nhi