(CMO) Năm 2021, từ các nguồn vốn, ngành nông nghiệp đã xây dựng được 39 mô hình trình diễn với tổng kinh phí thực hiện trên 28 tỷ đồng.
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả khả quan, phần lớn các chỉ tiêu thực hiện đạt xấp xỉ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ, riêng chỉ tiêu nuôi tôm siêu thâm canh, tôm quảng canh cải tiến vượt kế hoạch; các vụ lúa đều đạt năng suất khá cao; tình hình cung ứng, lưu thông, tiêu thụ hàng hoá nông sản từng bước ổn định. Ðặc biệt, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai nhân rộng; một số sản phẩm chủ lực tiếp tục được nâng cao chất lượng và ngày càng phát triển trên thị trường.
Mô hình trồng dưa lưới ở Tân Thành được Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ gần 100 triệu đồng. Sản phẩm có đầu ra ổn định. |
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mô hình khó nhân rộng, chỉ mới giải quyết được vấn đề chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tại thời điểm trình diễn. Trong khi đó, vấn đề quyết định nhất là phương án tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho nông dân khi sản xuất với quy mô và số lượng lớn thì chưa làm được. Ðiều nông dân cần ở các mô hình không chỉ là xem trình diễn cho biết mà là “hậu trình diễn”. Khi không có thị trường, việc nhân rộng vì thế cũng sẽ bị tắc ngay sau khi mô hình kết thúc nhiệm vụ trình diễn.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, sản xuất nhất thiết phải tính toán đến thị trường tiêu thụ để đảm bảo cán cân hàng hoá nông sản. Hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ hàng hoá sau khi mô hình được nhân rộng. Ðiệp khúc “trồng - chặt” nhiều năm nay đã khiến nông dân không mặn mà với các mô hình mới khi triển khai nhân rộng.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, trên địa bàn huyện trong năm 2021 đã triển khai thực hiện các mô hình: 2 vụ lúa - vụ cá đồng; 2 vụ lúa - 1 vụ màu; sản xuất lúa “bao lợi nhuận” của Tập đoàn Lộc Trời; 2 vụ lúa - 1 vụ cá bổi thâm canh. Các mô hình này được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vùng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo dự kiến, UBND huyện Trần Văn Thời sẽ chỉ đạo thực hiện nhân rộng mô hình 2 vụ lúa - cá đồng với quy mô 120 ha, tại ấp Ðá Bạc A; 2 vụ lúa - 1 vụ màu ở Ấp 12A, xã Khánh Bình Ðông, với gần 260 ha. Ðặc biệt, khuyến khích người dân nuôi cá bổi thâm canh tận dụng nước thải từ việc thay nước cá bổi để bón cho lúa, nhằm giảm chi phí bón phân, với khoảng trên 200 hộ tham gia thực hiện.
Song song đó, phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời và các đơn vị có liên quan triển khai mô hình sản xuất lúa “bao lợi nhuận” vụ lúa hè thu năm 2022 dự kiến với quy mô 1.000 ha tại các xã: Khánh Bình Ðông, Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Hưng.
Trên đây chỉ là dự kiến kế hoạch nhân rộng trong năm 2022, còn những năm về sau, khi mô hình đã đủ sức lan toả thì sản lượng sẽ tăng và như thế bài toán cung vượt cầu ắt diễn ra; đụng hàng dội chợ là lẽ đương nhiên.
“Ngành nông nghiệp đang cố gắng khắc phục hạn chế này, bằng mọi giá phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang sản xuất nông nghiệp đa giá trị”, ông Quân thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho rằng: “Với tôm càng xanh cần thiết phải xây dựng mô hình tôm càng xanh kích cỡ lớn để đảm bảo tăng giá trị sản phẩm. Sau khi mô hình trình diễn đã hoàn thành thì ngành chức năng cần tính toán song hành với việc trình diễn là liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm”.
Ông Nguyễn Văn Quân cho rằng: “Mô hình có hiệu quả là một chuyện, còn thị trường tiêu thụ mới là mong mỏi lớn nhất đối với nông dân. Ðây cũng là một trong những hạn chế mà các địa phương cần khắc phục. Trong triển khai chỉ đạo sản xuất ở một số địa phương còn thiếu sự quyết liệt, chưa tập trung hết nguồn lực sẵn có và sự vào cuộc của các hội, đoàn thể; vẫn còn xem công tác nhân rộng mô hình là nhiệm vụ của Sở NN&PTNT và các đơn vị của cấp huyện, tỉnh”.
Trong năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng tập trung đẩy mạnh các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (nhiều giai đoạn); nuôi hải sản, thuỷ sản ven biển; trồng rừng gỗ lớn để tăng giá trị; nuôi cá dưới tán rừng, phát triển du lịch cộng đồng; chăn nuôi xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh; vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, thuỷ sản, đặc biệt là tôm./.
Ngọc Huệ