ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 10:57:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mở lối tương lai

Báo Cà Mau Kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại đang được Cà Mau hiện thực hoá bằng những công trình trọng điểm, vừa được khánh thành, đưa vào vận hành trong năm qua, đáng kể là tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP Cà Mau và cầu Ông Ðốc trong trục hành lang kinh tế Ðông - Tây.

Theo đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, đây là những công trình nhằm hiện thực hoá ước mơ, biến khát vọng của tỉnh Cà Mau thành nền tảng và động lực phát triển. Công trình xây dựng cầu Ông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) thật sự là cả quá trình phấn đấu, tiết kiệm qua nhiều năm và quyết tâm rất lớn của tỉnh khi sử dụng nguồn ngân sách địa phương vốn hạn hẹp và còn nhiều khó khăn.

Cầu Ông Ðốc bắc qua sông Ông Ðốc - dòng sông lịch sử gắn liền với sự kiện chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Công trình không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, hiện thực hoá chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mà còn gợi nhớ về lịch sử cách mạng… khi tới đây bên bờ Nam sẽ xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc.

Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, là người rất quan tâm đến việc xây dựng cầu Ông Ðốc, cho chủ trương từ khi còn trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công trình sớm hoàn thành.

“Cầu Ông Ðốc như chiếc đòn gánh đôi bờ, giảm tải bờ Bắc, phát triển bờ Nam, đúng theo định hướng phát triển đô thị biển chủ lực của tỉnh trong tầm nhìn hướng ra biển, làm giàu từ biển”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải phấn khởi chia sẻ nhân dịp về dự lễ thông xe cầu Ông Ðốc (ngày 10/12/2023).

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, khẳng định, thị trấn Sông Ðốc sẽ phát triển nhanh và vượt bậc, xứng đáng là đô thị động lực của tỉnh bên bờ Tây khi cầu Ông Ðốc được đưa vào sử dụng. Từ đây, hàng hoá lưu thông thuận tiện hơn với các địa phương trong và ngoài tỉnh; đô thị biển sẽ thêm bừng sáng, sôi động, rộn ràng, sung túc. “Tết năm nay mọi người về thăm sẽ thấy được sự thay đổi lớn lao này”, ông Trần Tấn Công phấn khởi. 

Tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP Cà Mau, thật sự là niềm mong đợi rất lớn của tỉnh, bởi hàng hoá các địa phương từ Ðông sang Tây không phải chật vật đi vào trung tâm thành phố. Ðây được xem là tuyến đường đẹp nhất của tỉnh ở thời điểm hiện tại, trong đó có cầu Gành Hào tuyệt đẹp ở tuyến cuối (nối xã Hoà Thành, TP Cà Mau sang xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước); hay độc lạ cầu vượt Quốc lộ 1 và tuyến sông kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu ở tuyến đầu (Phường 6, TP Cà Mau), tạo nên dấu ấn và điểm nhấn về hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh. Tuyến tránh Quốc lộ 1 sẽ mở hướng phát triển không gian đô thị TP Cà Mau về phía Nam, đặc biệt mở cánh cửa cho Khu Công nghiệp Hoà Trung phát triển.

Cầu Gành Hào, cây cầu lớn nhất trong 10 cây cầu trên tuyến tránh Quốc lộ 1, mềm mại vượt sông Gành Hào, sau đó chạy song song với kênh xáng Lương Thế Trân, vắt ngang Khu Công nghiệp Hoà Trung để kết nối Quốc lộ 1 tại xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.

Từ vùng đất với ao đầm, vuông tôm, tuyến tránh Quốc lộ 1 sẽ mở đường phát triển đô thị TP Cà Mau về hướng Nam.

Cầu Ông Ðốc nối trục giao thông Ðông - Tây; tuyến tránh Quốc lộ 1 - đoạn qua TP Cà Mau, đã mang mùa xuân đến sớm hơn trên vùng Ðất Mũi - Cà Mau, tiếp tục mở ra những khát vọng phát triển lớn hơn khi tới đây các công trình giao thông sẽ đưa vào vận hành, như tuyến U Minh - Khánh Hội; TP Cà Mau - Ðầm Dơi; Cái Nước - Phú Tân; tiếp đó là cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, nối với Quốc lộ 1 đến Ðất Mũi… Giao thông tiếp tục mở lối, Cà Mau hối hả tiếp bước trên đường tương lai với những mùa xuân rộn vui, đầy niềm tin.

 

Trần Nguyên

 

Nâng giá trị con cá phi

Từ chỗ không có nhiều giá trị kinh tế, hiện nay, cá phi được chế biến thành đặc sản, món ngon không thể bỏ qua khi đến Cà Mau. Ðể nâng tầm sản vật, Hợp tác xã (HTX) khô - mắm Minh Quách (ấp Bờ Ðập, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi) sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cá phi. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, các sản phẩm của HTX không chỉ mở rộng thị trường cũng như sản lượng tiêu thụ, mà còn sẵn sàng gia nhập vào sân chơi OCOP.

Giá gạo ổn định, giá vàng tăng

Thông tin từ Sở Tài chính, từ ngày 17-23/7/2024 giá gạo ổn định trở lại. Theo đó, lúa loại khô được các thương lái thu mua phổ biến ở mức giá 7.000-9.000 đồng/kg tuỳ thuộc vào chủng loại, chất lượng. Giá gạo tẻ thường tại TP Cà Mau là 17.500 đồng/kg, bình quân trong tỉnh là 18.407 đồng/kg.

Khởi nghiệp tại quê nhà

Tận dụng diện tích trong nhà, anh Trần Minh Ðăng (Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi rắn ri tượng. Không chỉ mở ra hướng đi mới cho gia đình, đây cũng là nguồn thu nhập giúp anh Ðăng vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều diện tích lúa hè thu bị ngập úng do mưa

Hơn một tuần qua, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời nói riêng đã hứng chịu những cơn mưa lớn kéo dài khiến gần 570 ha lúa hè thu bị ngập úng, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.

Khá giả nhờ cách làm mới

Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập tốt, cải thiện đáng kể đời sống.

Giá vàng ổn định so với tuần trước

Theo báo cáo của Sở Tài chính, trên địa bàn thành phố Cà Mau, giá bán ra vàng SJC 99,99% ổn định so với tuần trước, vàng SJC 99,99% tại cửa hàng SJC Chi nhánh Cà Mau: 7.698.000 đ/chỉ.

Cầu nối lan toả tín dụng chính sách

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là ngân hàng duy nhất thực hiện uỷ thác vốn tín dụng chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các hội, đoàn thể, đặc biệt là thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân kịp thời, thuận lợi, hiệu quả.

Phát huy lợi thế ngành nghề nông thôn

"Phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập người dân, góp phần tôn tạo, giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế hiện đại" là một trong những mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nông sản sạch luôn có đầu ra

Nhằm liên kết, đa dạng hoá các sản phẩm nông sản sạch và ổn định đầu ra, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước đã thành lập tổ hợp tác (THT) xây dựng mô hình trồng màu. Việc thực hiện mô hình này vừa hạn chế cỏ dại, vừa có nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hằng ngày và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

“Quỹ Tình thương” đồng hành cùng phụ nữ

Thành lập với mục đích hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ trong đời sống kinh tế, “Quỹ Tình thương” đã tạo động lực cho nhiều chị em xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.