(CMO) Áp dụng đồng bộ nhiều phương pháp, đa dạng hoá hình thức, tăng tần suất… với phương châm mưa dầm thấm lâu là cách mà các cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương áp dụng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên biển.
Là địa phương có ngư trường rộng lớn, lại có nguồn lợi thuỷ sản đa dạng nên hoạt động trên vùng biển Cà Mau luôn sôi động. Không chỉ có phương tiện của tỉnh, Cà Mau luôn có tàu khai thác của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ đó loại hình đánh bắt cũng vô cùng đa dạng. Sự sôi động này mang về cho tỉnh sản lượng lớn thuỷ sản từ hoạt động khai thác với hơn 200.000 tấn 1 năm. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của địa phương.
Đánh giá về hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT Nguyễn Việt Triều đánh giá, hiện chi cục kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành tổng điều tra tàu cá trên địa bàn tỉnh. Từ đó có đầu mối trong quá trình quản lý và tuyên truyền thời gian tới.
Tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng tàu khai thác vi phạm pháp luật. |
Ngoài công tác tuần tra, xử lý vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hoạt động tuyên truyền được các đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều hình thức. Ông Triều cho biết, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương, đồn, trạm biên phòng mở các lớp tập huấn tuyên truyền trên bờ, trong quá trình tuần tra trên biển, các lực lượng đã kết hợp nhiều nội dung lồng ghép. Hiện nay, Chi cục Thuỷ sản kết hợp với các nhà mạng áp dụng hình thức nhắn tin cho ngư dân, từ việc cảnh báo thiên tai đến lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình, các quy định trong chống khai thác bất hợp pháp…
Ông Triều cho biết thêm, gần đây chi cục còn phối hợp với Đài Thông tin Duyên Hải, hàng giờ phát thanh ra biển kết nối ngư phủ đang hoạt động khai thác. Hướng tới sẽ tăng cường quản lý thiết bị giám sát hành trình, sử dụng đài bờ của chi cục để phát những cảnh báo về tín hiệu kết nối, tàu nghi vấn vi phạm.
Với sự vào cuộc quyết liệt, cùng những giải pháp cụ thể từ tỉnh đến các địa phương, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, nhận thức của đông đảo người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sinh thái chuyển biến rõ rệt. Một kết quả đáng ghi nhận, thời gian qua, nhiều địa phương tổ chức được tổ, đội ngư dân cùng tham gia quản lý trong hoạt động khai thác. Từ đó, xuất hiện nhiều hành động, việc làm tích cực, tình trạng sử dụng ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thuỷ sản từng bước được kiểm soát.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song, hiện nay dọc theo chiều dài bờ biển từ Đông sang Tây còn hàng ngàn hộ dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi ven bờ, với phương tiện khai thác công suất nhỏ, thậm chí phương tiện thuỷ nội địa được cải hoán để khai thác. Nhóm ngư dân này rất cần sự trợ lực từ Nhà nước để chuyển đổi ngành nghề. Ông Triều cho biết thêm, chi cục xây dựng đề án tổng thể và triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi ngành nghề cho 10 ngư dân. Qua thực tế đánh giá, hiệu quả mang lại khá tốt, tuy nhiên hiện nay, việc nhân rộng còn khó khăn do nguồn ngân sách hạn chế và vốn đối ứng trong dân gặp khó khăn.
Hiện nay, Nghị định 67/2014 đang trong quá trình lấy ý kiến để sửa đổi. Hy vọng sau khi sửa đổi sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân trong chuyển đổi ngành nghề, đầu tư trang thiết bị nâng cấp tàu thuyền đủ điều kiện vươn khơi./.
Nguyễn Phú