(CMO) Xưa nay, trong nhà có 1-2 bụi riềng là ăn cả năm, không ngờ, miệt U Minh Hạ có cả một “rừng” riềng hơn 2 ha. Thời mới đem về trồng, người ta nói trồng loại này bán buôn gì được, vậy mà hơn 6 năm qua, suy nghĩ ấy dường như tan biến khi củ riềng ngày càng chứng minh giá trị kinh tế.
Anh Nguyễn Thiện Hậu (Ấp 4, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) là người tiên phong đi tìm hiểu và đem giống riềng từ nhiều nơi về trồng thử nghiệm. Phải mất hơn 1 năm anh mới nhận thấy được loại riềng từ Long An có giá trị cao mà vẫn phù hợp với vùng đất này. Anh quyết định mở rộng diện tích, về Ấp 17, xã Khánh An để trồng riềng trên diện tích 1 ha.
Những bụi riềng trồng trên đất than bùn sai củ, lớn nhanh, sau khi thu hoạch sẽ chừa lại 1/3 để trồng đợt mới. |
Công lên liếp và mua 3 tấn riềng giống cũng tốn hơn 60 triệu đồng. Riềng nhanh bén rễ, lá vượt lên cao hơn đầu người, hơn 1 năm là bắt đầu cho thu hoạch. Anh Hậu niềm nở: “Riềng này để lâu thì củ càng lớn, càng thơm, ngon chứ không bị hư như gừng. Năm trước tôi thu hoạch hơn 15 tấn, giao cho mối ở chợ Cà Mau được 13 ngàn đồng/kg, còn người ta vô tới đây mua thì 11 ngàn đồng/kg. Hơn 6 năm nay, tính ra mỗi năm nhà tôi thu nhập trên 100 triệu từ trồng riềng”.
Theo anh Hậu: “Không hiểu sao riềng rất thích hợp trên đất than bùn này, cứ như “cá gặp nước”. Đào lên củ riềng 1 kg là chuyện bình thường. Không cần tốn nhiều công chăm sóc, khi trồng phải lên liếp cao, hàng cách hàng 1 m. Cũng như gừng, riềng không chịu được ngập úng, chỉ cần vừa đủ lượng nước là phát triển tốt vào mùa khô”.
Cũng như anh Hậu, vợ chồng chị Bùi Thị Út (Ấp 17, xã Khánh An) chọn trồng riềng trên diện tích 1 ha. Trước đây, dây thuốc cá được xem là cứu tinh của người dân nơi đây, nhưng mấy năm nay, giá cả bấp bênh nên anh chị chuyển sang trồng riềng.
Vừa tiếp khách, chị Út vừa tranh thủ làm sạch củ riềng vừa mới nhổ xong để kịp giao cho mối. Chị Út chia sẻ: “Trồng riềng không sợ lỗ, vì khi nào có người đặt hàng mình mới thu hoạch. Sau đó, dùng củ vừa thu hoạch để trồng lại đợt mới, nên chỉ tốn tiền mua giống lần đầu tiên. Chỉ có cực khâu sơ chế, phải cắt tỉa rễ, rửa sạch mới giao cho người ta. Thêm một phần là bây giờ thị trường tiêu thụ chỉ có 3-4 mối ở chợ Cà Mau, nên số lượng cũng không nhiều. Nhờ riềng không có giới hạn thời gian thu hoạch, để lâu không hư hao mà củ càng ngon nên cũng đỡ thất thoát. Chứ nếu có thị trường tiêu thụ liên tục thì có thể 1 tuần thu hoạch khoảng 1 tấn củ. Và với giá cả như hiện nay thì người trồng riềng sẽ có cuộc sống rất ổn định”.
Riềng vốn được biết đến như một loại gia vị trong các món ăn, nhưng ít ai biết rằng, riềng còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh như một vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong y học.
Vậy mà đến nay, mặc dù đã cố gắng liên hệ, nhưng anh Hậu vẫn chưa tìm được đầu mối cơ sở thu mua củ riềng. Do giá thành khá cao nên các cơ sở đông y chỉ sử dụng loại riềng có giá trị thấp hơn, vì vậy, củ riềng của anh và chị Út vẫn quanh quẩn trong nội tỉnh để cung cấp cho các chợ.
Anh Hậu bày tỏ: “Với khả năng hiện nay, tôi có thể mở rộng thêm diện tích trồng riềng, nâng cao năng suất đạt 40 tấn/ha/năm và đầu tư máy móc xay thành bột riềng để làm thuốc, làm thức ăn cho gia súc, cho tôm nuôi, giúp ích cho hệ miễn dịch và tiêu hoá. Nhưng cái khó nhất vẫn là đầu ra nên mọi dự định vẫn dừng lại ở tính toán”.
Chị Nguyễn Phương Lam, phụ trách khuyến nông xã Nguyễn Phích, chia sẻ: “Mặc dù nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng riềng rất cao và những lợi ích mà riềng mang lại, trong quá trình trồng không sử dụng phân thuốc nên đất đai không bị thoái hoá Thế nhưng đến nay địa phương vẫn chưa thể nhân rộng vì nhu cầu sử dụng trong tỉnh không nhiều. Nếu tìm được cơ sở đứng ra thu mua hoặc liên kết với các tỉnh bạn để có đầu ra ổn định thì đây sẽ là một mô hình cho hiệu quả kinh tế lâu dài”.
Như anh Hậu nói, cứ như “cá gặp nước”, riềng “ưa” đất than bùn nên cứ như thế mà lớn nhanh. Điều đáng quý ở một nông dân là mạnh dạn tìm tòi những gì có giá trị kinh tế và phù hợp với nơi đất ở. Vậy nên, mong ngành chức năng đừng để nông dân bơ vơ trên con đường phát triển và làm giàu trên chính quê hương mình./.
Thảo Mơ