ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:40:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Một chuyến “ăn ong”

Báo Cà Mau (CMO) Gần đến Tết âm lịch là thời điểm những người hành nghề gác kèo ong ở khu vực rừng U Minh Hạ bận rộn nhất. Họ bước vào vụ thu hoạch mật từ những cây kèo được gác rất kỳ công dưới tán rừng tràm, hay như cách gọi dân dã bao đời nay của dân trong nghề là “ăn ong”.  Biết được điều này chúng tôi quyết định hành trình tìm về với vị ngọt của hoa tràm tại Hợp tác xã nghề rừng 19/5 (HTX 19/5). 

Con rạch Bà Thầy uốn lượn đưa chúng tôi vào Ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, nơi những thành viên của HTX 19/5 cư ngụ. Họ là chủ nhân của hơn 7.200 kèo ong, bao phủ trên diện tích hơn 520 ha rừng tràm. Mặc dù U Minh bây giờ nhiều nơi đã chuyển sang trồng keo lai, nhưng ở đây chỉ có độc nhất cây tràm bản địa. Để giữ nghề, họ cố giữ bằng được cây tràm, bởi chỉ có hút mật từ bông tràm bản địa thì những chú ong cần mẫn nơi đây mới cho ra loại mật tốt nhất, đặc trưng nhất của rừng U Minh.

Ông Trần Văn Nhì đi "ăn ong" ở rừng U Minh Hạ.

Lái chiếc xuống máy luồn lách dưới tán rừng, ông Út Nhì (Trần Văn Nhì) tâm sự: “Nghề gác kèo ong thấy vậy chứ không đơn giản chút nào đâu mấy chú! Một người thợ gác kèo muốn giỏi cũng phải hơn 10 năm kinh nghiệm. Mặc dù cùng làm nghề gác kèo nhưng mỗi người có bí quyết riêng, chỉ có cha truyền cho con từ thế hệ này sang thế hệ khác, tuyệt đối không truyền cho người ngoài”.

Trò chuyện một hồi, anh Chơn (Trần Văn Chơn), con trai út của ông Út Nhì, cũng là người được chọn nối nghiệp, đột nhiên phát lệnh: “Tới nơi rồi, chúng ta xuống ăn ong”. Cả đoàn cởi hết quần dài, chỉ mặc quần cụt bởi nước rừng lúc này còn khá sâu. 2 cha con ông đi đầu, chúng tôi hăng hái nối đuôi theo thành một hàng dài. Nói là hăng hái cho oai chứ thực ra chúng tôi ai cũng hồi hộp… sợ ong "đánh". Chỉ vào hướng tổ ong cho chúng tôi thấy, anh Chơn nói: “Cha chầm chậm đốt khói, để mấy anh chụp ảnh, ghi hình nguyên tổ ong xong rồi mình "ăn" luôn một thể”. Nghe thế anh em ai cũng phấn khởi bởi chắc cú sẽ có ảnh đẹp, thế nhưng, đây mới là tai hại. Anh Hưng lớn nhất trong đám tụi tôi dứt khoát: “Anh vào trước, mấy đứa vào sau nhé”. Ừ, thì để anh vào trước. Tụi tôi đứng ngoài đang bàn cách nào khi ông Út Nhì cắt tổ ong xuống, anh em phải có được tấm ảnh đẹp, độc về nghề rừng, bỗng thấy cái bóng ở trong chạy ra la lớn: “Nó đánh anh rồi, đi, đi thôi, lấy ổ khác đi!”. Liền lúc đó ong ở đâu túa ra đen ngòm, bu quanh chúng tôi. Anh Chơn la lớn: “Nhanh, nhanh, đốt khói lên cha ơi”. Ông Út Nhì nhanh chóng lấy cục sáp ong chuẩn bị sẵn để trên đầu cây cúi, bật lửa đốt. Khói bay lên, ong dãn ra, cả nhóm mỗi đứa đã "dính" vài vết kim.

Anh Trần Văn Chơn, con trai ông Trần Văn Nhì có hơn 10 năm kinh nghiệm "ăn ong".

Anh Hưng có vẻ vẫn còn mất tinh thần: “Thôi mình đi tổ khác, không lấy nữa”. Nhưng đã làm động tổ của nó rồi, sao bỏ được. Chơn kiên quyết: “Mấy anh đừng sợ, em dẫn đường mình xông thẳng vào tổ ong. Có khói rồi không sợ nó đánh đâu, giờ mà bỏ chạy nó đuổi theo đánh chết!”. Nghe thế, có lẽ sợ… chết nên anh em chúng tôi miễn cưỡng làm theo, vì đến nước này không còn đường lùi nữa, đành liều. Đang ghi lại cảnh ông Út Nhì vừa thổi khói, vừa lấy dao cắt ổ mật, vẫn tiếng của anh Hưng: “Cứu, cứu, mấy em cứu anh. Nó đánh quá trời rồi, tay cứng đơ không bấm được máy ảnh nè!”. Tụi này cũng có khá hơn anh đâu, em nào cũng vài chục vết kim vừa đau, vừa tức cười. Vì thân mình còn lo không xong, nói gì đến cứu anh, mà bị ong đánh thì cứu làm sao đây?

Cả bọn trân mình chịu trận, đến khi lấy được tổ ong ra đến xuồng thì tên nào tên nấy bèo nhèo như vừa trải qua một trận chiến. Ông anh đồng nghiệp còn liên tưởng tới chuyện du kích dùng ong đánh giặc trong kháng chiến. 

Mặc dù chẳng ai lành lặn sau chuyến “thực địa” nhưng nhìn thành quả là một tổ ong to đùng, anh em quên cả cơn đau. Hiếu là thằng em nhỏ nhất trong đoàn, mặt đỏ ngầu vì bị ong đánh nhưng vẫn không quên nhiệm vụ: “Ông Út kể cho con nghe về nghề ăn ong của mình đi!”.

Có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Út Nhì được anh em trong HTX nhìn nhận là người thợ giỏi nhất. Mới hơn 10 tuổi đã theo cha vào rừng ăn ong và cũng từ đó đến nay ông gắn bó với rừng như máu thịt. Ông bảo: “Bây giờ có bỏ tôi vào rừng lúc nửa đêm thì chỉ cần nhìn hoặc sờ vào vỏ tràm thôi tôi cũng biết hướng nào mặt trời mọc, hướng nào mặt trời lặn để đặt kèo”.

Nói thế bởi có một nguyên tắc cơ bản nhất mà bất kỳ người thợ gác kèo ong nào cũng biết, đó là khi gác kèo phải chọn đầu kèo hướng về phía mặt trời mọc. Kèo gác cao hay thấp phụ thuộc vào việc phải đảm bảo làm sao khi mặt trời mọc và lặn thì ánh sáng của mặt trời đều phải chiếu vào thân kèo. Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được, bởi họ còn phải biết được đặc điểm đường đi của mặt trời theo từng mùa để điều chỉnh kèo sao cho phù hợp và nhiều yếu tố khác nữa. Ông Út Nhì nói: “Một người thợ giỏi thì gác 100 kèo có thể được từ 60 tổ ong trở lên, nhưng có người chỉ được vài tổ, cũng có người không được tổ nào. Đây là bí quyết, không nói được!”.

Chỉ riêng việc chọn chỗ đặt kèo, đặt kèo như thế nào để ong đến làm tổ đã là một kỳ công, trải qua nhiều năm kinh nghiệm mới tích luỹ được. Anh Chơn tâm sự: “Mình theo cha vào rừng ăn ong từ lúc 14 tuổi, giờ đã 38 tuổi rồi nhưng vẫn chưa học hết được nghề. Mặc dù giờ có riêng hơn 200 gốc kèo nhưng chưa thể nói là giỏi nghề, vẫn còn phải học nữa”.

Ông Nguyễn Văn Vững, Giám đốc HTX 19/5, góp chuyện: “Nghề này có bí quyết riêng, không ai giống ai đâu, chủ yếu là nhờ kinh nghiệm lâu năm trong nghề mà có. Quan trọng là những bí quyết truyền lại từ thế hệ trước, họ chỉ truyền trong nội bộ gia đình, không cho lọt ra ngoài. Ai cũng muốn giữ bí mật riêng để truyền cho con cháu”.

Qua thời gian, rừng U Minh bây giờ không còn nhiều mật ong như trước, một phần bởi cây keo lai có giá trị nên ai cũng muốn trồng, bỏ quên cây tràm bản địa. Hơn nữa, giờ trồng tràm họ cũng lên liếp, làm bờ bao, tràm thưa nên ong ít làm tổ. Ông Út Nhì nói: “Tính trung bình khi vắt được 1 kg sáp ong sẽ thu được 20 lít mật. Mấy chú tin không, chỉ mùa hạn năm 1997 tôi thu được 175 kg sáp, tính ra được bao nhiêu mật?”. Nguyên nhân giờ mật ít được ông Nhì chia sẻ là do trước đây tràm lâu năm tuổi, thời gian trổ bông có khi kéo dài từ 3-4 tháng mà vẫn chưa hết nên thời gian ong làm mật kéo dài. Trước đây lấy một tổ ong từ 10-20 lít mật là bình thường, bây giờ rất hiếm.

Dù sản lượng mật ít đi nhưng bù lại giá cao hơn, người gác kèo ong vì thế vẫn có thể sống được với nghề. Mỗi năm, nếu giỏi họ có thể thu được vài chục đến hơn một trăm triệu đồng là bình thường. Ông Út Nhì nói: “Mùa mưa thì sản lượng và chất lượng mật thấp hơn do nước mưa đọng lại nhiều trên bông tràm. Mùa khô mật tốt, sản lượng cao do tràm tiết mật từ sương đêm đọng trên bông. Mùa này kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3 sang năm”. Ông Út Nhì tính toán, năm nay ông thu hoạch được cỡ 500 lít mật.

Ông Nguyễn Văn Vững cho biết: “Mật ong của HTX 19/5 đảm bảo chất lượng, không pha chế nên từ lâu đã tạo được tiếng vang, có uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mật được bán rộng rãi ở TP Hồ Chí Minh và ra tận Hà Nội, họ đặt số lượng lớn, chúng tôi ít bán lẻ. HTX có 40 thành viên nhưng chỉ 36 người hành nghề gác kèo ong. Năm nay sản lượng mật có giảm, nhưng bình quân mỗi người cũng thu hoạch được từ 200-250 lít mật”.

Mật ong giá cao, vì lợi nhuận nên một số đối tượng đã mua mật ong U Minh về rồi pha tạp chất bán lại kiếm lời, ảnh hưởng uy tín của những người làm nghề chân chính. Tuy nhiên, đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, bởi với những người thợ gác kèo chân chính, việc làm đó luôn là điều tối kỵ. Ông Út Nhì chia sẻ: “Chúng tôi sống bằng nghề gác kèo ong nên phải giữ nghề. Muốn thế, chúng tôi phải giữ được uy tín”.

 Từ giã ra về, ngoài những câu chuyện vui, chúng tôi còn hiểu được một điều: Không ai yêu rừng hơn những người thợ gác kèo ong. Với họ, rừng chính là máu thịt, là hơi thở đem đến cho họ cuộc sống ấm no. Ở đâu đó vẫn nghe người ta bảo, ăn ong là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, nhưng không hẳn vậy. Như câu nói của ông Út Nhì: “Chúng tôi phải giữ cho bằng được những gốc tràm bản địa. Còn tràm, còn ong thì nghề gác kèo mới tồn tại”./.

Đặng Duẩn 

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).