ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 16-6-25 02:02:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Một lần thăm má

Báo Cà Mau Đò từ Vàm về tới Ngọn mất gần tiếng rưỡi, vòng vèo trên con kinh vừa hẹp lại mọc đầy bông súng đồng. Lâu lâu có một đống rơm nhoài ra nằm vạ gần hết bề ngang kinh. Cả bận vào lẫn bận ra, Thoa đếm kỹ chỉ có năm nóc nhà lẩn khuất đâu đó giữa nhiều thứ cây dại không biết tên. Dấu hiệu để đoán biết phía sau những um tùm đó có nhà là cái sàn lãng gie ra ngoài mé kinh. Trên sàn lãng để nửa chiếc gáo dừa, bên trong đựng miếng xơ mướp, vài miếng vỏ dừa khô cắt gọt vừa vặn tay cầm, ám màu tro trấu.

Có một thằng nhóc chừng mười bốn, mười lăm tuổi, tóc cháy nắng, mình trần hì hụp nhổ bông súng dưới kinh. Mắt nó sáng lên khi đò chạy tới. Hình như nó còn rướn cổ hét theo: "Chế Hai về, chế Hai về rồi!". Khi đò lướt gần, nó tẽn tò nhận ra mình vừa nhìn lầm. Giữa những tiếng sóng ì oạp xô vào bờ, Thoa nghe như có tiếng tức tưởi của thằng nhỏ tội nghiệp.

Sở dĩ Thoa nhớ cặn kẽ đến vậy, vì ở Ngọn, có nhà của má.

Bà ngoại dặn, chỉ đi thăm thôi nghen, đừng có gọi má xưng con chi hết.

Vậy chớ xưng hô sao đây ngoại?

Ờ, thì cứ kêu bằng chế Tư là được, nói bây là út Dung vì bây với dì Út cũng trạc tuổi nhau. Mà nói chuyện cho khéo cho khôn, lỡ bên chồng nó biết thì kẹt lắm!

Thoa vừa tròn tháng, ông ngoại bắt má phải giao con cho cậu mợ Ba nuôi, coi như con gái ruột. Chuyện má lấy chồng, sau ngày ông ngoại mất, rất lâu sau, Thoa mới được bà ngoại kể lại. Sự thật đau lòng ấy khiến Thoa quyết định ngay hôm sau phải lên đường đi tìm má, theo lời kể của dì Năm vì hôm đưa dâu chỉ có mỗi mình dì tiễn má về quê chồng.

Ngày má lấy chồng, Thoa tập đi cùng lượt với dì Út Dung - con gái “mót” của ngoại. Bên chồng của má không biết má đã có con, vì ông ngoại giấu kỹ lắm. Không chỉ trong nhà mà cả dòng họ ai cũng sợ tính nghiêm khắc đến mức khắc nghiệt của ông ngoại.

MH: Khởi Huỳnh

Giờ rước dâu cũng được giữ kín, chỉ mình ông biết. Bên đàng trai vào ra chỉ nội trong một giờ, trước khi gà báo sáng. Gấp rút đến nỗi, má còn không được phép ôm Thoa từ biệt. Ông ngoại cấm má suốt đời này không được đặt chân về nhà. Với câu nói ấy, cầm bằng ông ngoại đã từ mặt đứa con gái trót nhẹ dạ cả tin vào người đàn ông trong gánh hát chỉ một lần ghé qua xóm.

Ðò tới Ngọn, anh tài công tắt máy nói với Thoa: Cùng đường rồi, cô có lên không? Ba tiếng nữa tôi trở lại rước về ngoài Vàm cho kịp xe, chuyến cuối cùng.

Không đến thì thôi, đã đến thì phải lên chớ! Miệng thì nói vậy nhưng chân Thoa cứ như dính chặt dưới lòng đò làm anh tài công nhíu mày sinh nghi. Vậy thì lên đi, chỗ này chỉ có nhà chú Sáu. Chắc cô là người quen của ổng?

Thoa ngập ngừng: Anh biết vợ chú Sáu tên gì không?

Ai mà biết, xứ này người ta chỉ gọi theo thứ của người chồng thôi, cô muốn biết thì cứ lên nhà mà hỏi! Anh tài công bắt đầu bực bội nên khi Thoa vừa nhón chân bước khỏi mũi đò là anh ta đã hối hả giật máy rồ ga quay trở lại phía Vàm.

Nhà má bây ở sau liếp tre xanh um, nếu bây giờ liếp tre đó còn! Trước khi đi, dì Năm dặn vậy. Cách nay vài năm, dì có xuống thăm. Thấy cũng không khá giả gì. Hai vợ chồng mừng lắm, anh Tư muốn về quê vợ chơi nhưng tao cản, lấy lý do đường sá xa xôi, đi lại tốn kém, với lại ông ngoại còn khó lắm. Ðợi ổng hết khó rồi hãy về. Mà lúc đó, ông ngoại bây mất rồi, tao cũng không dám cho chế Tư biết. Sợ chế nôn nóng đòi về, làm lộ chuyện xưa.

Liếp tre mà dì Năm tả vẫn còn đó dù đã còi cọc nhiều, đúng hơn là chỉ còn lại một bụi lay lắt. Chắc má muốn giữ lại như một chỉ dấu cho người thân biết đường mà tìm mình.

Từ chỗ đò cập bến đi theo bờ ruộng một đỗi ngắn, nhà má đã ở trước mặt, sau bụi tre ấy. Ngôi nhà lá nhỏ nhắn nhưng tươm tất ngay từ cái sân láng o không một nhánh cỏ. Trước nhà, bẹ dừa khô dựng thành vòng quanh gốc dừa. Sợi dây phơi căng ở hai gốc xoài sát hè, phất phơ quần áo còn rỏ nước xuống đất. Mấy bụi vạn thọ được trồng tỉa ngay ngắn dọc theo chiều vuông của cái sân, bum búp nụ. Cảnh vật trước nhà của má nhìn không khác gì cảnh vật ở nhà ngoại. Chắc má đã bê nguyên từ trong trí nhớ về một nơi mình đã đứt ruột rời đi, đem trồng lại trên đất lạ, cho khuây khoả cơn khát trở về. Cũng vì cách má “trồng” mà khiến Thoa chết điếng, khi nhìn đâu cũng quen thuộc; hít hà vào đâu cũng nghe được mùi của má, dẫu chưa gặp một lần.

Ch…ế Tư ơi! Thoa ráng ép hai tiếng “má ơi” xuống ngực mà nghe giọng mình lạt nhách. Ai đó, chờ chút! Người đàn ông từ chái nhà sau bước ra ngơ ngác, vừa thấy Thoa, ông đã sững lại giụi mắt. Thoa thở phào nhưng sau đó là nỗi thất vọng tràn trề dâng lên. Má không có ở nhà hay đây không phải nhà của má?

 Mời cô vô nhà ngồi chơi, bà xã tui bữa nay đi gói bánh ngoài Vàm! Giọng người đàn ông xởi lởi, thừa nhận khéo léo rằng, vợ mình là người mà Thoa vừa gọi bằng chế Tư, hôm nay không có ở nhà. Người đàn ông vừa pha trà mời khách, vừa luôn miệng giải thích sở dĩ nhà bề bộn vậy là sáng giờ lo gà vịt, heo cúi ở ngoài sau. Thêm tụi nhỏ không ai la rầy nên bày biện tứ tung. Có đứa con gái nhưng đã gả chồng về miệt biển, còn hai “ông” con trai, một “ông” mười lăm tuổi mới đi đâu đó. “Ông” con út thì đi đám với “bả”.

Thoa mải miết nhìn khắp nhà của má. Giản đơn nhưng tươm tất từ cách bày trí bàn thờ cho đến từng tấm rèm cửa được khéo léo ráp lại từ các mảnh vải vụn đủ các màu. Nhà má không giàu nhưng ấm, chắc má hạnh phúc lắm. Suy nghĩ đó làm Thoa mủi lòng, tủi phận.

Xin lỗi, cô là bà con ra sao với bà xã tui? Chồng má phải hỏi đến lần thứ hai, Thoa mới giật mình, ấp úng:

Dạ… con, à, em là Út Dung, em ruột của chế Tư!

Trời đất, dì Út đây hả? Người đàn ông mừng rỡ đến đánh đổ cả tách trà trên tay. Nãy giờ không nói sớm? Làm sao mà dì tìm được nhà của anh chế? Ba má mạnh khoẻ không dì? Trời, hồi đám, dì còn nhỏ xíu, đi té lên té xuống, giờ lớn cỡ này sao? Chuyến này xuống là phải ở lâu à nghen, ở qua Tết luôn cho vui. Mà lúc đầu tui đã nghi là có bà con ruột thịt chi đây, hồi nãy dì mà nói: hai người là hai mẹ con không chừng tui cũng tin luôn!

Câu cuối của chồng má khiến Thoa chột dạ: mình đang bị thăm dò. Nhưng khi nhìn vẻ thật thà không hề bận tâm giữ ý của người đàn ông đang ngồi trước mặt kia, Thoa mới tạm yên lòng. 

Ba mất nhiều năm trước rồi anh, má thì thỉnh thoảng trái gió trở trời chân tay cũng đau nhức chút đỉnh. Em đi công việc, tranh thủ tạt qua thăm anh chế rồi về liền, vì xe đang đợi ngoài chợ Vàm. Lần này biết nhà rồi, sắp tới em sẽ xuống thường xuyên hơn, lo gì. Công việc cuối năm bận bịu quá nên em không thể nán lại được!

Lời từ chối của Thoa làm chồng của má buồn so. Thỉnh thoảng, chen lẫn vào lời hỏi thăm bà con bên vợ, người đàn ông ấy lại tự trách mình vì mấy mươi năm vẫn chưa trở về lần nào. Khi từ giã, chồng của má đã rưng rưng: Bả về mà hay chuyện, tui biết ăn nói sao đây, dì Út ơi!

Khi trở lại đò, Thoa thấy lòng mình tự dưng nhẹ đi ít nhiều, dẫu không gặp được má. Bởi đã an tâm phần nào về quãng thời gian má làm dâu biệt xứ. Ra tới ngoài chợ Vàm, Thoa nhìn thấy một đám giỗ rộn ràng. Má ở đâu giữa đông đúc những người đang túm tụm cười nói, ăn uống đó. Thoa muốn bước lên đám giỗ hỏi người đàn bà tên Tư, vợ ông Sáu ở trên Ngọn. Nhưng… chắc gì má vẫn còn ở trong đám, có khi, lúc Thoa về đến nửa con kinh thì chiếc đò chở má cũng vừa ngược lại. Có đứa con nít ngồi trong lòng má, nó đang líu lo gì đó. Cũng có thể lúc ấy, mắt Thoa đã chạm phải ánh mắt của má chới với nhìn đuổi theo. “May” là má không có ở nhà, chứ nếu có thì biết đâu, Thoa đã làm vuột ra tiếng “má ơi” tức tưởi.

Hoặc Thoa có dằn được tiếng “má ơi” đi chăng nữa, thì làm sao thốt cho trọn câu từ biệt: Chế Tư ở lại mạnh giỏi, em về!

***

Năm đó, đúng là tôi đã nhìn thấy chế Hai trên chuyến đò về Ngọn, nhưng đó là chế Hai cùng mẹ khác cha mà tôi chưa từng biết có chế ở trên đời. Chế Hai Thoa chỉ lớn hơn chế Hai Ngọt - chế ruột của tôi hai tuổi. Với lại, chế Ngọt lấy chồng đã đôi ba năm chưa về thăm nhà nên đò vừa thoáng qua, mới khiến tôi tưởng lầm.

Tía tôi vốn hiền lành, khi sự việc vỡ lở (tía tôi giấu má, tự mình tìm về quê vợ sau khi kể cho má nghe chuyện “dì út Dung” có ghé thăm nhà). Tía sinh nghi khi má đang rửa chén tự dưng giật mình vuột tay làm bể cái dĩa men mà hồi còn sống bà nội tôi rất quý. Má vuột tay ngay đúng cái câu mà tía tôi vô tình thốt ra: Dì Út với con Ngọt nhìn y như hai chị em ruột!

Khi từ quê vợ trở về, tía trách má đúng một câu: Bà ác lắm, ác với tui, với cả con Thoa nữa! Hình như tôi chỉ nghe tía trách má duy nhất lần đó. Chỉ một lần nhưng má tôi buồn cho tới tận bây giờ. Khi mỗi ngày một lớn tuổi, cơn buồn của má lại hay trỗi dậy thình lình, khiến má ra chợ Vàm ở miết nhà người em chồng. Tới khi tía chạy vỏ ra rước về, má còn nói lẫy: Tui ác lắm, kêu tui về làm gì!

Câu chuyện trên nghe đượm mùi tiểu thuyết nhưng hoàn toàn là sự thật. Nó chỉ “mới” kết thúc vào quãng đầu những năm… tám mươi của thế kỷ trước. Thời mà một chiếc điện thoại có thể bỏ túi đi tới đi lui khắp đầu trên xóm dưới là điều không tưởng, chứ đừng nói đến chuyện hai người ở hai phía địa cầu có thể… cãi lộn với nhau qua Zalo, Tango hay Facebook.

À, chút nữa thì tôi quên. Tôi - người kể lại câu chuyện này là thằng nhỏ nhổ bông súng ở đoạn kinh trên đường về Ngọn năm xưa, lúc chế Hai Thoa đi thăm má lần đầu./.

Truyện ngắn của Lê Minh Nhựt

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.