(CMO) Sáng 29/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố sản phẩm OCOP năm 2021, triển khai kế hoạch chương trình OCOP năm 2022. Theo đó, năm 2021, có 44 sản phẩm của 25 chủ thể được công nhận, chứng nhận OCOP, vượt 47% so với chỉ tiêu kế hoạch; năm 2022, tỉnh phấn đấu công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao.
Trong 44 sản phẩm được công nhận, chứng nhận OCOP năm 2011, có 35 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm; 5 sản phẩm thuộc ngành đồ uống; 1 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí; 3 sản phẩm thuộc ngành vải, may mặc. Tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh hiện nay là 77 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trao chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021 cho các chủ thể. |
Các sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên được trưng bày tại 5 điểm gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Có 29 sản phẩm của 16 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá. Đặc biệt có 3 sản phẩm của 1 chủ thể OCOP (Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xây dựng Phúc Thịnh) bước đầu xuất khẩu qua thị trường Úc, Canada và Singapore.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định, chương trình OCOP, trong hơn 2 năm qua, thực sự mang lại hiệu quả khá tốt. Các cơ sở sản xuất, người dân đã và đang tích cực tham gia thực hiện chương trình, đề xuất nhiều ý tưởng về các sản phẩm mới; phát huy nội lực, tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng quy mô; thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc...
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, chủ thể tham gia OCOP quan tâm đến thời hạn của chứng nhận OCOP, quy trình công nhận lại, đồng thời, phản ánh nhiều khó khăn như: Hồ sơ OCOP có quá nhiều thành phần, rất khó thực hiện; chủ thể có sản phẩm đã được chứng nhận 3 sao OCOP muốn đăng ký nâng lên 4 sao phải có chứng nhận HACCP thì mới nâng hạng được, chi phí khá cao cần được hỗ trợ...
Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh (giữa) và ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh (bìa trái), tham quan các gian hàng, trao đổi với các chủ thể OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau. |
Năm 2022, tỉnh sẽ đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sẩn phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; phát triển, nâng cấp ít nhất 28-30 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. …
Ông Lê Văn Sử đề nghị, trong thời gian tới, công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm; đối với các sản phẩm đã được công nhận cần phải tiếp tục có các giải pháp tiêu chuẩn hoá, phát triển, nâng cao chất lượng để nâng hạng và tạo dựng uy tín trên thị trường. Chú trọng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phải có sự tham gia, trách nhiệm của cấp xã, cấp huyện để hỗ trợ chủ thể từ khi hình thành ý tưởng, xây dựng và triển khai phương án kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng tiên tiến, chuyển đổi số... để họ nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm OCOP.../.
Loan Phương