(CMO) LTS: Ðịnh canh, định cư (ÐCÐC) là chính sách lớn của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế. Ðó là hầu hết các dự án ÐCÐC chậm tiến độ, số hộ dân chuyển đến điểm ÐCÐC thấp; các điểm ÐCÐC chưa vững chắc, chưa bảo đảm định cư ổn định lâu dài. Ða số điểm ÐCÐC mới chỉ bố trí được đất ở mà chưa bố trí được đất sản xuất. Do đó, hiện nay các hộ dân vẫn phải đi làm thuê để kiếm sống, một số hạng mục công trình đầu tư không hiệu quả, nhất là công trình an sinh xã hội; việc bố trí vốn hàng năm còn thiếu tập trung, chưa đồng bộ nên nhiều dự án và công trình thực hiện còn dở dang, dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt cho người dân.
Bài 2: Khi người nghèo không sợ… nghèo
Bài 1: Cung chưa đủ cầu
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS an cư lạc nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất. Ðây là vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương vì vượt xa thẩm quyền xử lý và chỉ trông đợi vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Khu tái định cư Tràm Xoáy ở Khóm 4, thị trấn U Minh, huyện U Minh đã xây dựng từ năm 1997, nhưng hiện nay đời sống các hộ DTTS tại đây vẫn còn khó khăn, nhà cửa lụp xụp. |
Ðã được đầu tư
Theo Quyết định số 1342/QÐ-TTg, ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ÐCÐC cho đồng bào DTTS du canh, du cư đến năm 2012, tỉnh Cà Mau có 3 dự án ÐCÐC tập trung và 15 điểm ÐCÐC xen ghép được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2016, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện được 2 dự án ÐCÐC tập trung (đang thực hiện dở dang) là Dự án vàm kênh Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh và Dự án vàm kênh Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân. Ðồng thời, đã triển khai thực hiện hoàn thành 2 điểm ÐCÐC xen ghép là Dự án sắp xếp dân cư xen ghép kênh Kiểm Lâm, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và Dự án sắp xếp dân cư xen ghép xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.
Ngoài ra, còn lại 1 dự án ÐCÐC tập trung là Dự án vàm kênh Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời vẫn chưa có vốn để thực hiện.
Năm 2016 là năm kết thúc chính sách hỗ trợ di dân thực hiện ÐCÐC, nhưng trên địa bàn tỉnh còn dự án đầu tư chưa hoàn chỉnh. Do trong quá trình thực hiện có sự thay đổi về số lượng đối tượng thụ hưởng dự kiến bố trí vào các dự án ÐCÐC tập trung và xen ghép, cũng như phát sinh thêm hạng mục đầu tư và khối lượng công việc thực hiện của các dự án được duyệt, nên tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh các dự án ÐCÐC để phù hợp với điều kiện thực tế thi công tại địa phương.
Ðiển hình như Dự án ÐCÐC vàm kênh Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh. Ðể triển khai thực hiện được, tỉnh đã phải phê duyệt điều chỉnh dự án (tại Quyết định số 823/QÐ-UBND ngày 11/6/2012); theo đó, tổng mức đầu tư của dự án này được xác định là trên 50 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với tổng mức đầu tư được xác định tại Quyết định số 1342/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh để thực hiện chính sách ÐCÐC qua các năm (từ khi thực hiện đến hết năm 2016), hầu như đã tập trung hết cho dự án này.
Ðến nay, thực hiện các dự án ÐCÐC theo Quyết định số 2085/QÐ-TTg, UBND tỉnh đã phân bổ vốn, giao về cho Ban Quản lý dự án Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh để thực hiện đầu tư mới các hạng mục chuyển tiếp của dự án ÐCÐC vàm kênh Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh (5 gói thầu thi công), với kinh phí trên 11,4 tỷ đồng; đã thanh toán khối lượng hoàn thành theo tiến độ thi công được trên 11 tỷ đồng, còn lại 443 triệu đồng chuyển tiếp sang năm 2021 để thực hiện và giải ngân dứt điểm.
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ thực hiện ÐCÐC được tỉnh triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, góp phần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và bảo vệ an ninh quốc phòng vùng DTTS, đồng thời giúp ổn định đời sống người dân và hạn chế tình trạng di cư tự do trên địa bàn tỉnh.
... Nhưng vẫn thiếu
UBND tỉnh đã xem xét, phê duyệt tổng số 40 điểm ÐCÐC xen ghép (bao gồm cả bổ sung, điều chỉnh), với tổng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ năm 2018, 2019 và 2020 là trên 19,4 tỷ đồng.
Theo đó, các địa phương thụ hưởng đã triển khai hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư cho 442 hộ du canh, du cư trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS và giải ngân được 17.430 triệu đồng, còn lại 2.010 triệu đồng chuyển tiếp sang năm 2021 để tiếp tục thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá đông hộ đồng bào DTTS có nhu cầu được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Thực tế, tại xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, có 314 hộ DTTS, trong đó, có 23 hộ nghèo. Mặc dù địa phương đã bố trí, sắp xếp 2 khu xen ghép ở ấp Minh Hà B (14 hộ) và Ấp 12A (4 hộ) cho hộ DTTS nghèo vào sinh sống, nhưng hiện nay sau khi rà soát, xã Khánh Bình Ðông vẫn còn 15 hộ (trong đó có 10 hộ DTTS nghèo) cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Ông Trần Trọng Thể, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Ðông, thông tin: “Vấn đề này được địa phương đặc biệt quan tâm. Ðịa phương đã xây dựng kế hoạch, lập ra 2 phương án, một là định cư tập trung, hai là xen ghép. Thế nhưng, hiện tại chưa có quỹ đất và mức hỗ trợ cho hộ nghèo DTTS rất thấp so với nhu cầu thực tế, mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 60 triệu đồng. Nếu so với thời giá hiện tại không thể mua được đất ở và đất sản xuất”.
Cụ thể, tại Ấp 6, 8, 9 và ấp Minh Hà (xã Khánh Bình Ðông) có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhưng đa số là hộ nghèo, ở nhờ trên đất của người quen, đặc biệt là thiếu tư liệu sản xuất.
Như hộ anh Thạch Ha, Ấp 8. Anh Ha lập gia đình năm 2011 và ra ở riêng vài năm sau đó, nhưng vì hoàn cảnh gia đình 2 bên không khá giả nên anh Ha và chị Lâm Ngọc Lanh cũng không được hỗ trợ gì. Thương hoàn cảnh em gái không đất, không nhà nên người anh trai cho vợ chồng chị Lanh dọn về ở đậu. Hàng ngày chồng chị đi làm thợ hồ để nuôi vợ và 2 con, lo cái ăn nhưng cuộc sống chưa ổn định.
Chị Lanh bộc bạch: “Mong mỏi lớn nhất của vợ chồng tôi bây giờ là có mảnh đất để cất nhà, rồi tận dụng đất trống sau nhà chăn nuôi thêm gà vịt, kiếm ít tiền lo cho 2 đứa nhỏ đi học. Ðược như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Chị Lâm Ngọc Lanh hiện ở nhờ nhà của người anh ruột, vẫn còn sử dụng nước dưới ao cho sinh hoạt hàng ngày, rất cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Hay hộ chị Võ Bé Hằng, ngụ cùng ấp, cũng ra riêng và ở đậu trên phần đất của người thân, diện tích chỉ vừa đủ cất ăn nhà cho 4 người ở, nên dù muốn chăn nuôi, sản xuất cũng rất khó khăn vì chủ đất không đồng ý, chỉ sống dựa vào làm thuê.
Người xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, nhưng hiện nay còn rất nhiều hộ gia đình chưa được an cư nên chuyện lạc nghiệp vẫn còn xa xăm.
Vấn đề đặt ra là nếu gọi bố trí đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ vốn di dời là phần cứng, thì phần mềm là giúp đồng bào sản xuất cái gì và như thế nào. Do vậy, cần tổ chức hỗ trợ đồng bào tái định cư về phương thức sản xuất. Khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình trên cơ sở đầu tư khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn. Cần thống nhất quan điểm, hỗ trợ sau tái định cư mới là điều kiện đủ để đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng ÐCÐC.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, an sinh xã hội đối với đồng bào vùng ÐCÐC. Tỉnh cần cân đối nguồn lực, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để bổ sung thực hiện dứt điểm các dự án ÐCÐC tập trung đang đầu tư, nhưng còn thiếu một số hạng mục thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách ÐCÐC.
Cần thường xuyên rà soát, kiểm định chất lượng các công trình thiết yếu đã xây dựng nhằm có biện pháp duy tu, bảo dưỡng hạ tầng, đảm bảo sử dụng lâu dài, phát huy hiệu quả sau đầu tư, định hướng phát triển sản xuất và giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống./.
Tuyết Mỉnh - Kim Cương
BÀI 2: KHI NGƯỜI NGHÈO KHÔNG SỢ… NGHÈO