"Chúng ta đang đối mặt những thách thức khách quan lẫn chủ quan. Ðây là vùng đất sản xuất phụ thuộc nước trời; trong 10 năm trở lại đây, có sự biến động bất thường của thời tiết, 3 lần hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến nhiều hệ luỵ sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng nhiều công trình, sản xuất, đi lại trong vùng ngọt hoá. Mặc dù hệ thống thuỷ lợi với đê bao khép kín nhưng đã được đầu tư cách đây hơn 20 năm, nên việc điều tiết nước trước biến đổi khí hậu đã thay đổi. Do đó, chúng ta cần phải có tính toán, rà soát lại quy hoạch, khắc phục những tồn tại cũng như đáp ứng những nhu cầu cấp thiết mới, để đảm bảo sản xuất vùng ngọt hoá", đó là nhận định, đề xuất của PGS.TS Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, đối với vùng ngọt hoá tỉnh Cà Mau.
Ðồng bộ nhiều giải pháp
PGS.TS Tô Văn Thanh phân tích, một trong những vấn đề sụt lún vùng ngọt hoá hiện nay một phần là do khai thác nước ngầm. Cà Mau là 1 trong 3 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có tốc độ sụt lún mặt đất gần 2 cm/năm, cùng với nước biển dâng. Như vậy, theo tính toán, chúng ta đang “chìm” với tốc độ 2,2 cm/năm. Còn vấn đề tiêu thoát nước trong mùa mưa, vùng đất này trước đây rừng tràm nên cao độ thấp, có nơi âm 1 m. Trong khi ngoài sông Ông Ðốc, triều cường cộng với gió mùa Tây Nam đẩy mực nước trên sông luôn cao hơn mực nước trong nội đồng. Vì vậy, bắt buộc phải lắp đặt trạm bơm. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân khi dự báo thời tiết khô hạn thì rất lo lắng nên vội vàng bơm nước vào, dẫn đến nguồn nước ngọt khan hiếm, từ đó ảnh hưởng đến khâu tổ chức sản xuất. Ðó là những vấn đề khó khăn mà chúng ta đang phải đối diện.
Tại hội nghị phát triển sản xuất vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, PGS.TS Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam đã đề xuất rà soát lại quy hoạch toàn bộ vùng ngọt hoá Cà Mau.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: "Nhu cầu vốn để đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất của vùng ngọt hoá là rất lớn. Do vậy, trước mắt, để chủ động điều tiết nước trong nội vùng, hạn chế bơm bỏ ra Sông Ðốc và biển Tây, trên cơ sở điều kiện sản xuất, tính tương đồng về địa hình, đặc điểm canh tác của nông dân và hạng mục công trình hiện có, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành củng cố lại 3 ô thuỷ lợi vùng trũng đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh".
Trong đó, thực hiện thí điểm mô hình ô thuỷ lợi nhỏ đối với ô thuỷ lợi Ấp 4, 5, xã Trần Hợi, diện tích khoảng 500 ha, kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 14,8 tỷ đồng. Theo đó, phối hợp thực hiện thí điểm đề án trữ nước theo phương án vận động người dân trong khu vực đào ao, hồ, vừa tăng gia sản xuất nuôi thuỷ sản, vừa trữ nước ngọt cho từng khuôn hộ; tận dụng hệ thống kênh nội vùng để tích trữ nước phục vụ sản xuất.
Ðồng thời, củng cố lại 2 ô thuỷ lợi Khánh Hưng (4.000 ha), dự kiến đầu tư 6 trạm bơm và ô thuỷ lợi vùng trấp, xã Khánh Bình Ðông, Trần Hợi, thị trấn Trần Văn Thời, phục vụ sản xuất cho khu vực với diện tích khoảng 4.500 ha, trong đó dự kiến đầu tư 11 trạm bơm. Tổng kinh phí củng cố 2 ô này trên 100 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhắc nhở, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng thì việc quản lý, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai đóng vai trò hết sức quan trọng. Cần tuyên truyền người dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ sản xuất theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, luân chuyển bơm tát nước, tránh bơm ra sông bỏ lượng nước ngọt quá lớn làm thiếu nước cuối vụ và sạt lở, sụt lún bờ kênh, lộ giao thông như đã xảy ra trong thời gian qua, gây thiệt hại cho địa phương. Chúng ta cần phải tính toán tới việc thực hiện mô hình nào và cơ cấu cây trồng phù hợp với thực trạng địa hình đất đai, văn hoá ở từng khu vực”.
Ðồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, xây dựng phương án chi tiết đầu tư các ô thuỷ lợi trong vùng ngọt hoá, đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (kể cả nguồn lực ngoài ngân sách), từng bước triển khai thực hiện bảo đảm căn cơ, đồng bộ. Trong đó, điều chỉnh lại 6 ô thuỷ lợi trước đây cho phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất (về diện tích, trạm bơm), xem xét chia ô nhỏ theo địa hình, các ô được lập mới có diện tích từ 300-500 ha, bố trí trạm bơm với công suất phù hợp.
Nhu cầu vốn để đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi đáp ứng sản xuất ở vùng ngọt hoá hiện nay rất lớn.
Ðảm bảo tính tổng thể, bền vững
PGS.TS Tô Văn Thanh cho biết thêm, để giải quyết bài toán thiếu nước ngọt cho vùng ngọt hoá Cà Mau, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã dành rất nhiều thời gian cũng như kinh phí, xây dựng rất nhiều phương án. Theo tính toán của chúng tôi về nhu cầu nước ngọt từ tháng 12 đến tháng 4, chúng ta còn thiếu khoảng 11 triệu mét khối nước cho vụ đông xuân. Trong khi lịch thời vụ, cao độ, đầu tư hệ thống công trình hiện nay chưa hoàn thiện.
Do đó, trước tiên, chậm nhất là phải dự báo thuỷ văn trước khi vào mùa khô. Về công trình liên quan tới các trục kênh thoát nước, tiêu nước, trữ nước, cần phải đồng bộ khi nạo vét. Các hệ thống cống phải khép kín, theo đó tôn tạo các bờ bao đủ cao, để khi bơm nước ra ngoài được đảm bảo.
"Về lâu về dài, cần đánh giá tổng thể vùng ngọt hoá này, thậm chí cho cả vùng Bắc Cà Mau. Từ hiện trạng, bố trí sản xuất đến đầu tư hệ thống công trình thuỷ lợi cho phù hợp. Hệ thống này đã đầu tư cách đây hơn 20 năm, nên việc điều tiết nước trước biến đổi khí hậu đã khác. Do vậy, chúng ta phải rà soát lại những tồn tại cũng như những nhu cầu trong tình hình mới, để có đề xuất cho phù hợp", PGS.TS Tô Văn Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các giải pháp phát triển sản xuất cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, căn cơ, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tránh gây xung đột lợi ích, lãng phí nguồn lực đầu tư. Do đó, đòi hỏi sự cần thiết trong việc nghiên cứu cơ bản và điều tra xã hội học liên quan đến phát triển sản xuất trong vùng ngọt hoá rất quan trọng. Trên cơ sở số hoá dữ liệu nền, sử dụng phần mềm để vận hành hệ thống thuỷ lợi, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tối ưu hoá trong quản lý, chỉ đạo sản xuất, góp phần phát huy tối đa tiềm năng vùng ngọt, giữ nét đặc trưng vùng bán đảo Cà Mau./.
Hồng Nhung