(CMO) Với những mặt hàng nông sản được sản xuất từ địa phương, nếu được phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được các địa phương trong huyện Thới Bình triển khai thực hiện, tạo sức bật cho ngành nông nghiệp của huyện phát triển, tăng thu nhập cho người dân cũng như khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Huyện Thới Bình có nhiều sản phẩm nổi bật được người tiêu dùng yêu thích và công nhận chất lượng, được chọn tham gia chương trình OCOP như: rượu Tân Lộc tại xã Tân Lộc, khô trâu tại xã Tân Lộc Bắc, gạo Hoàng Yến (ST24) tại xã Trí Lực hay mắm lóc Thới Bình tại thị trấn Thới Bình…
Trong đó, mắm lóc Thới Bình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2015. Món ăn mang hương vị đậm đà này đã trở thành điểm nhấn đặc trưng thu hút nhiều du khách từ phương xa khi đến với Thới Bình. Mắm thành phẩm được bán trên thị trường giá dao động từ 150.000-220.000 đồng/kg, mỗi ký khoảng 2-3 con.
Bà Nguyễn Thị Dợt, chủ cơ sở mắm Yến Khoa (thị trấn Thới Bình), cho biết: “Mỗi bọc mắm tôi bỏ vào 2 con, khoảng 800-900 gam và hút chân không. Khách đến tận cửa hàng mua và qua giới thiệu đặt hàng thường xuyên. Từ lúc có chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, cơ sở bán rất được hàng, mỗi tháng từ 250-300 kg”.
Gạo Hoàng Yến (gạo ST24) là sản phẩm đặc trưng của xã Trí Lực (trước đây được gọi là Gạo sạch Trí Lực), được sản xuất theo quy trình “sản xuất lúa - tôm an toàn”, ít sử dụng phân đạm, đặc biệt là không sử dụng thuốc hoá học để phòng trị bệnh. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, 100% nguyên liệu được sử dụng có nguồn gốc tại địa phương. Lúa ST24 được sản xuất theo quy trình sản xuất lúa - tôm an toàn, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau ban hành theo Quyết định số 1452/QÐ-SNN ngày 7/5/2018.
Gạo Hoàng Yến được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặc biệt sản phẩm đã có mặt tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, với giá bán 30.000 đồng/kg. Chất lượng gạo thơm và dẻo, ngon, được làm sạch và đóng gói đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bao bì kiểu dáng đẹp, có đầy đủ thông tin phù hợp với yêu cầu. Sản phẩm gạo Hoàng Yến hàng năm xuất bán khoảng vài chục tấn, được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trong cuộc họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào cuối năm 2020 của UBND huyện Thới Bình. Ðây là cơ hội tốt để tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Hợp tác xã lúa - tôm xã Trí Lực Lê Văn Mưa cho biết: “Gạo ST24 có hương vị đặc biệt hơn các loại gạo khác, trước đây tên là gạo Trí Lực, nay đổi thành gạo Hoàng Yến nhưng vẫn mang thương hiệu của xã Trí Lực. Gạo năm nay có giá hơn năm trước từ 3.000-5.000 đồng/kg, có thương hiệu nên bà con yên tâm trồng loại lúa ST24 này”.
Gạo của xã Trí Lực được đóng gói, có nhãn mác để xuất ra thị trường. |
Ngoài ra còn có sản phẩm tiềm năng tại xã Tân Lộc Bắc là món khô trâu, do tự tay người dân nơi đây chế biến phục vụ khách hàng trong và ngoài huyện. Với hương vị đặc trưng và nhờ bí quyết riêng nên khô trâu của cơ sở sản xuất Năm Hoàng tại Ấp 3, xã Tân Lộc Bắc được ưa chuộng, khách thường mua để dùng hay biếu, chạy hàng nhất vào dịp lễ, Tết. Hàng năm cơ sở bán trên 2 tấn khô trâu, với giá từ 500.000-550.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Sương, cơ sở sản xuất khô trâu ở Ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, chia sẻ: “Ban đầu bán ít, từ từ khách hàng ăn thấy ngon nên đặt mua nhiều hơn. Dịp Tết thường bán được cả tấn, có người mua gởi tặng bạn bè, người thân tới tận Hà Nội. Mỗi năm cơ sở đều tăng sản lượng vì đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn”.
Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: “Thới Bình có 2 sản phẩm có thương hiệu là gạo sạch hữu cơ và mắm lóc. Một số sản phẩm khác đang trong quá trình xây dựng thương hiệu như: tôm càng xanh, cua nuôi sinh thái. Tuy chưa là thế mạnh nhưng từng bước chúng tôi sẽ xây dựng thành sản phẩm đặc thù của huyện, để người dân yên tâm sản xuất và tăng thu nhập từ chính mô hình của mình”.
Huyện đang định hướng ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nhằm thúc đẩy các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương đạt chuẩn OCOP, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ðây là cơ hội giúp sản phẩm làng nghề được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao giá trị, tạo sức bật lớn cho xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững./.
Nhựt Khôi