(CMO) Những ngày đầu xuân mới, bà con nông dân ra đồng từ rất sớm, kỳ vọng năm Tân Sửu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.
Kỳ vọng năm mới
Sau 3 ngày Tết cổ truyền, mỗi người dân đã chọn cho mình một ngày tốt để xuất hành. Mọi người chung ước vọng năm mới thời tiết sẽ thuận lợi, sản xuất được mùa, nông sản được giá và cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc hơn.
Ngay từ mùng 4 Tết, gia đình chị Phan Thị Kim Oanh (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) thuê máy vào thu hoạch gần 1,5 ha lúa. Chị Oanh cho biết, rút kinh nghiệm trong đợt khô hạn, thiếu nước của vụ mùa trước, vụ đông xuân năm nay chị xuống giống sớm, đúng lịch thời vụ, nên nguồn nước ngọt vẫn dồi dào, một vụ lúa thành công cả về năng suất lẫn giá bán. Nhờ xuống giống sớm, thu hoạch trước nên giá lúa đang ở mức cao so với cùng kỳ khoảng 1.500 đồng/kg.
Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: ANH QUỐC |
Cùng với cây lúa, trong những ngày đầu năm, nhiều bà con nông dân vùng chuyển dịch tất bật chuẩn bị ao, đầm thả nuôi vụ tôm mới với hy vọng trúng mùa, được giá.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều cho biết, những ngày đầu năm, bà con nông dân thu hoạch được 2.014/35.941 ha lúa đông xuân, năng suất bình quân ước đạt 5,39 tấn/ha, giá lúa tươi mới suốt tại ruộng dao động từ 6.400-6.500 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ 1.300-1.500 đồng, cao nhất từ trước đến nay, nông dân có lãi lớn.
Giá lúa tăng cao nhất từ trước đến nay, nông dân phấn khởi vì có lãi lớn. Ảnh: ANH QUỐC |
Nhiều giải pháp mang tính đột phá
Ðể giải quyết những rào cản lớn cho sản xuất nông nghiệp, ông Lê Thanh Triều cho biết, những mục tiêu quan trọng mà ngành nông nghiệp đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường xuất khẩu; tổ chức liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,5%/năm.
Theo ông Triều, khai thác và nuôi thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, hàng năm mang về trên 1 tỷ USD. Thời gian tới, tỉnh định hướng phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và bền vững; phát huy lợi thế tôm sinh thái, hữu cơ có chứng nhận, tăng giá trị gia tăng; phát triển tôm siêu thâm canh là giải pháp đột phá về sản lượng, giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, phát triển các loại hình nuôi như siêu thâm canh và thâm canh, quảng canh cải tiến, luân canh tôm - lúa, tôm - rừng. Cơ cấu lại tàu thuyền khai thác thuỷ sản theo hướng giảm mạnh khai thác ở vùng biển ven bờ, giảm tàu dưới 20CV, tăng loại tàu trên 90CV. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, có khả năng xuất khẩu như tôm, mực, cá ngừ, cá thu, nhóm cá nổi lớn…
Ðặc biệt, trong sản xuất lúa, xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở những nơi có điều kiện. Phát triển công nghệ sau thu hoạch, sơ chế sản phẩm và phụ phẩm ngư, nông, lâm nghiệp nhằm tận dụng khai thác tốt nguyên liệu nông nghiệp tại địa phương.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị một cách bền vững thông qua việc nâng cao năng lực hoạt động của kinh tế tập thể, đặc biệt là xây dựng cho được hợp tác xã điểm. Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá nông sản thông qua phát triển nhãn hiệu, thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Ðồng thời, đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng. Khép kín tiểu vùng chủ động điều tiết nước để có thể áp dụng các phương thức canh tác sản xuất, nuôi trồng tiên tiến; cơ cấu lại đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp; đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển Tây, các tuyến đê sông để bảo vệ sản xuất vùng nội địa; tiếp tục củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông.
Tập trung huy động và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; vận động, thu hút đầu tư từ ngân sách, từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với khí thế ra quân và quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu năm, tin rằng ngành nông nghiệp Cà Mau sẽ đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao đời sống nông dân, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.
Trung Ðỉnh