(CMO) Vào độ từ tháng 8-12 âm lịch, khi tiết trời se lạnh là bếp lò của những hộ sản xuất bánh phồng tôm trên địa huyện Ngọc Hiển bắt đầu đỏ lửa để làm ra những cái bánh thơm ngon phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Mặc dù các công đoạn làm bánh đều được thực hiện thủ công, nhưng chính đôi tay khéo léo của những người thợ đã làm nên cái bánh đậm đà, bổ dưỡng, đưa thương hiệu bánh phồng tôm Mũi Cà Mau đi khắp mọi miền đất nước.
Là một trong những món ăn trong ngày Tết cùng mứt kẹo, bánh phồng tôm đã trở thành món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê hương bên tách trà hàn huyên tâm sự. Từ một, hai hộ làm nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu chòm xóm rồi dần trở thành nghề truyền thống với thương hiệu bánh phồng Mũi Cà Mau. Ít ai ở Ngọc Hiển mà chưa từng nghe đến hay thử qua món ăn đặc sản này. Với nguồn tôm nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương, người làm bánh chỉ cần thêm bột và gia vị trộn đều với tỷ lệ thích hợp là đã có bánh phồng tôm với hương vị rất riêng của vùng đất cuối trời Tổ quốc.
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Do nguồn tôm nguyên liệu có sẵn nên nghề làm bánh phồng tôm ở Ngọc Hiển phát triển rất thuận lợi. Hiện nay, huyện có khoảng 15 hộ sản xuất bánh phồng tôm theo phương pháp truyền thống, tập trung chủ yếu ở xã Tân Ân Tây và Tam Giang Tây. Hằng năm, bà con sản xuất khoảng 15-20 tấn bánh phồng tôm cung cấp cho thị trường khắp các tỉnh, thành, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động tại địa phương”.
Bánh phồng tôm là đặc sản có từ lâu của người dân Ngọc Hiển, được nhiều người gần xa biết đến. Để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, hương vị thơm ngon, đậm đà, đòi hỏi thợ làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn như: xay tôm tươi, đánh bột, hấp bánh, phơi bánh, cắt bánh rồi đem phơi thêm lần nữa cho khô mới đóng gói. Các loại gia vị như: tiêu, đường, muối, hành… được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn. Đặc biệt, hầu hết các công đoạn làm bánh được thực hiện thủ công, chỉ có khâu đánh bột được cải tiến bằng cách gắn thêm hệ thống mô-tơ để xay tự động, giảm bớt công sức, thời gian.
Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, muốn có bánh phồng tôm thơm ngon, phải chọn tôm đất còn tươi sống, tôm càng nhiều thì hương vị bánh càng thơm ngon, đậm đà. Bên cạnh đó, bánh phồng tôm phải được phơi đủ nắng mới bảo quản được lâu.
Tranh thủ trời nắng, gia đình ông Lê Ngọc Thạnh phơi bánh để kịp giao cho khách hàng. |
Gia đình ông Lê Ngọc Thạnh, cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền, ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, có hơn 7 năm gắn bó với nghề. Lúc đầu làm bánh chỉ để ăn trong gia đình hoặc phục vụ đám tiệc, lễ Tết trong dòng tộc. Nhưng dần dần, mùi vị đặc trưng của bánh được nhiều người yêu thích, liên hệ đặt mua. Tiếng lành đồn xa, món ngon dần được nhiều người biết đến, số lượng bánh đặt ngày càng tăng. Người mua về ăn, người làm quà, nhiều nhất là những Việt kiều về thăm quê, muốn mang những cái bánh thơm ngon sang xứ người để thưởng thức cùng người thân, bạn bè. Nhận thấy có thể kiếm thêm thu nhập từ nghề làm bánh phồng tôm, ông Thạnh cùng vợ, con trong nhà tập trung làm bánh quanh năm.
Ông Thạnh chia sẻ: “Nhà 6 người đều có sức lao động nên không thuê thêm nhân công, chủ yếu lấy công làm lời. Mỗi ngày nhà tôi làm ra hơn 30 kg bánh thành phẩm giao cho thị trường, với giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Nhờ làm bánh, thu nhập gia đình ngày càng ổn định".
“Cao điểm nhất từ tháng 10-12 âm lịch để phục vụ Tết, thời điểm này gia đình làm không xuể do lượng hàng khách đặt rất lớn, giao trực tiếp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ”, ông Thạnh phấn khởi thông tin thêm.
Hơn 5 năm qua, bánh phồng tôm ở Ngọc Hiển đã được đăng ký bảo hộ và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau”. “Nhờ cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình sản xuất nên bánh phồng tôm Mũi Cà Mau từng bước khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài huyện”, ông Lê Ngọc Lâm cho hay.
Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, là dịp bánh phồng tôm được tiêu thụ mạnh. Không chỉ riêng gia đình ông Thạnh, mà tất cả các cơ sở sản xuất bánh phồng tôm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển lại tất bật với những mẻ bánh mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trải qua bao năm tháng tâm huyết với nghề, kết hợp cùng sự khéo léo từ những bàn tay của người thợ làm bánh, ngày nay, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau mang hương vị đậm đà của quê hương đi đến mọi miền đất nước. Những cái bánh đỏ hồng màu tôm được phơi dưới cái nắng của đất trời xứ biển làm nên hương vị ngọt thơm của một mùa xuân mới./.
Trúc Linh