(CMO) Những năm gần đây, một số hộ ở xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời trồng hoa vạn thọ bán trong dịp tết Nguyên đán mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, mở ra hướng đi mới cho người dân.
Anh Huỳnh Minh Ðương, ở Ấp 4, xã Khánh Bình Ðông, bắt đầu trồng hoa vạn thọ bán Tết cách đây khoảng 10 năm. Thấy nghề trồng hoa cho thu nhập ổn định nên anh đã duy trì và ngày càng mở rộng mô hình này.
Anh Ðương chia sẻ: "Bản thân tôi rất thích nghề trồng hoa, cộng với được cha vợ ở Vĩnh Long hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên mấy năm nay, dịp Tết nào tôi cũng trồng hoa vạn thọ để bán cho người dân trưng Tết. Mặc dù thời tiết mỗi năm mỗi khác, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cũng khác nhau, nhưng nhờ tôi trồng liên tục nhiều năm liền nên tích luỹ được kinh nghiệm. Mấy năm trước, thời tiết nắng nhiều, cộng với gieo hạt sớm nên hoa trổ sớm. Năm nay, tôi rút kinh nghiệm, xuống giống trễ hơn và mùa mưa năm nay cũng kéo dài, trời ít nắng nên hoa trổ đúng vào dịp Tết".
Vụ hoa Tết năm nay anh Ðương trồng hơn 2 ngàn chậu, gồm hoa vạn thọ Mỹ và vạn thọ Thái Lan. Anh xuất bán với giá từ 17-32 ngàn đồng/chậu, tuỳ theo chậu lớn hoặc nhỏ. Theo anh Ðương, với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí phân, thuốc và tiền hạt giống, anh còn lợi nhuận từ 22-25 triệu đồng.
Anh Huỳnh Minh Ðương chăm sóc hoa.
"So với làm lúa hoặc trồng các loại hoa màu khác thì mô hình trồng hoa vạn thọ bán vào dịp Tết cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần. Chẳng hạn như năm nay, tôi tận dụng mặt sân và đất trống quanh nhà với diện diện tích hơn 1.000 m2 để trồng, sau hơn hai tháng chăm sóc, tôi có thể thu nhập hơn 20 triệu đồng. Nhìn chung, chi phí cho việc trồng hoa cũng không cao lắm, lâu lâu mới phun thuốc trừ sâu một lần, còn phân bón thì cứ bón vào gốc và tưới trên lá theo chu kỳ nên cũng ít tốn kém hơn sản xuất lúa", anh Ðương nói về hiệu quả mô hình trồng hoa Tết.
Những năm trước đây trên địa bàn xã Khánh Bình Ðông có khoảng 4-5 hộ trồng hoa bán vào dịp Tết, nhưng do thời gian qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với chưa biết kỹ thuật trồng và chăm sóc nên hiệu quả không cao, một số hộ đã chuyển sang các mô hình sản xuất khác, riêng anh Ðương vẫn duy trì nghề trồng hoa đến nay.
Về đầu ra, anh Ðương cho biết, mấy năm nay hoa của anh đều bán được hết, một số anh bán cho người dân tại địa phương, số còn lại chở xuống chợ huyện Trần Văn Thời thuê chỗ bày bán, năm nào bán trễ lắm cũng đến 28 Tết là hết.
Anh Ðương dự định: "Tới đây, tôi sẽ trồng thêm một số loại hoa khác như mào gà, dừa cạn... nhằm đa dạng, phong phú mặt hàng hoa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay việc vận chuyển hoa đi bán còn gặp khó, do lộ chưa đảm bảo cho xe lớn vào mua nên tôi chỉ trồng với số lượng hạn chế".
Hiện tại, chính quyền địa phương cũng đang xem xét, kết hợp với các ngành liên quan tìm biện pháp giúp bà con nông dân mở rộng quy mô sản xuất, từng bước đa dạng hoá các loại cây trồng, tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất cho người dân.
Nếu được sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, mô hình trồng hoa phục vụ Tết ở xã Khánh Bình Ðông sẽ được duy trì và mở rộng ra thêm một số hộ khác. Theo đó, giúp nhiều người có việc làm tại chỗ, tăng thêm thu nhập, từng bước tăng tỷ lệ hộ khá, giàu ở địa phương./.
Anh Quốc