(CMO) Cà Mau đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương, cũng như đờn ca tài tử Nam Bộ, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Lợi thế là có Ðoàn Cải lương Hương Tràm (Ðoàn Hương Tràm), quy tụ nhiều nhân tài và có bề dày phát triển, nhưng hoạt động vẫn khó khăn vì bài toán nhân lực, nhất là sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác. Từ đó, đòi hỏi các cấp, các ngành cần vào cuộc hỗ trợ và chính bản thân những người làm nghệ thuật cải lương tại tỉnh nhà tự vận động, tìm hướng đi riêng.
Bài 1: Cải lương có "yếu" tại tỉnh nhà?
Cải lương tại tỉnh nhà từng gây tiếng vang với nhiều tuồng tích được quay dựng công phu, khiến khán giả mãn nhãn, nhưng nhiều năm qua ít thấy vở diễn mới được ra mắt, nhất là ít được phát sóng trên đài truyền hình. Từ đó, tạo sự hụt hẫng với công chúng và lỗ hổng không nhỏ cho văn hoá, nghệ thuật tỉnh nhà.
Cố NSƯT Minh Sang, Nghệ sĩ Thanh Thảo và NSƯT Minh Hoàng lần lượt hoá thân vào vai diễn Bảy Thép, bà Minh và Ðại uý Hoàng Anh trong trích đoạn cải lương “Giọt máu oan cừu” (Ðạo diễn NSƯT Huỳnh Hảnh) vang bóng một thời. (Ảnh chụp năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau). Ảnh: HOÀNG PHÚC
Thời hoàng kim và trăn trở
Thời những năm 80-90, khán giả tỉnh nhà đâu chỉ biết những nghệ sĩ ở tận TP Hồ Chí Minh, họ còn say đắm lời ca, tiếng hát của nhiều tên tuổi tại quê mình, như Minh Ðương, Minh Hoàng, Hồng Chi, Minh Sang, Thanh Thảo... Mỗi năm, đoàn đều dàn dựng tuồng mới và rất chịu khó đầu tư cho cảnh trí, trang phục.
Ðoàn Hương Tràm có nhiều tuồng được khán giả yêu thích như "Nụ cười Tây Hậu", "Nhớ mùa trăng xưa", "Hoàng hậu Ba Tư", "Phi vụ cuối cùng", "Giọt máu oan cừu", "Bên dòng Nhị Nguyệt"... Bên cạnh việc quay video để phát trên đài truyền hình, đoàn còn tổ chức nhiều đêm diễn phục vụ người dân và khán giả mộ điệu. Có nhiều vở, đoàn diễn đi diễn lại rất nhiều suất nhưng vẫn thu hút đông đảo khán giả đến xem.
Thời điểm hiện tại, một điều nhức nhối là không còn thấy những vở tuồng mới được quay dựng trọn vẹn và có sự đầu tư được phát sóng. Khán giả cũng thấy rằng, Ðoàn Hương Tràm ít xuất hiện các chương trình, vở diễn trên báo, đài của tỉnh. Nguyên nhân là hiện tại Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau không có kinh phí để phối hợp thực hiện quay, phát sóng các chương trình, vở diễn của đoàn. Sau 2 năm dịch Covid-19, sự tương tác giữa báo, đài và Ðoàn Hương Tràm không có sự gắn kết chặt chẽ như trước đây.
Hiện tại, để thực hiện một vở cải lương hay các trích đoạn, dù cổ trang hay xã hội, đều có 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là quay ngoại cảnh để lấy cảnh thật cho sinh động; thứ hai là sân khấu, nghĩa là ước lệ, phải dựng trên sân khấu hẳn hoi. Hình thức nào cũng đòi hỏi phải có nguồn kinh phí nhất định.
Nếu như dựng một vở để đài truyền hình quay trong phim trường khoảng 200 triệu đồng, với điều kiện là đoàn có sẵn trang phục, cảnh trí, đài truyền hình chỉ hỗ trợ bồi dưỡng diễn viên, tiền tác giả, vì đài phải trả bản quyền, chi phí ăn ở... Ðể khán giả không quên mình, Ðoàn Hương Tràm chỉ có thể phối hợp xây dựng kế hoạch hát cho chương trình của Ban An toàn giao thông tỉnh, tham gia một số chương trình có tính tuyên truyền, như ca cổ liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống cháy nổ; câu chuyện bác Ba Phi, hoạt động hội phụ nữ...
Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết, mỗi năm, Ðoàn Hương Tràm phục vụ chính trị 25 suất, khán giả nông thôn 45 suất. Chỉ tiêu mỗi năm đoàn dựng 1 vở cải lương và 1 chương trình tổng hợp. Trong chương trình tổng hợp bao gồm trích đoạn, ca cảnh, ca nhạc... Riêng VTV Cần thơ, các đài truyền hình Bình Phước, Bình Dương, Cần Thơ, HTV... có lời mời quay dựng vở mới, Ðoàn Hương Tràm đều nhận lời.
"Ðoàn vừa phối hợp với VTV Cần Thơ quay vở "Hương Tràm", là vở hội diễn sân khấu toàn quốc năm 2022, tại Long An. Ngay sau vở diễn và diễn viên có giải, VTV Cần Thơ đã hợp tác ngay và phát sóng. Ðoàn thường xuyên liên kết, không chỉ Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, mà tất cả các đài truyền hình. Ðoàn đảm bảo được cuộc sống của anh em nhưng vẫn luôn có vở diễn mới. Chẳng hạn, khi tham gia một hội diễn hay một liên hoan sân khấu nào, đoàn sẽ bố trí quay dựng tại chỗ để có tác phẩm sau này phát sóng trên truyền hình khi cần thiết”, ông Trần Hiếu Hùng cho biết thêm.
Khán giả tỉnh nhà đòi hỏi gì?
Khán giả mộ điệu tỉnh nhà rất cần đời sống tinh thần, món ăn giải trí mang đậm bản sắc của Cà Mau. Họ vẫn nhớ thời hoàng kim của cải lương, thoả lòng với những tuồng tích được dàn dựng công phu, lối ca diễn mùi mẫn của các nghệ sĩ... Nay các rạp diễn, các sân khấu tại Cà Mau đã đóng cửa, trên sóng truyền hình lại vắng những vở cải lương, những trích đoạn, thì thể loại nghệ thuật này càng vơi đi số lượng khán giả trung thành.
Bà Ðỗ Thị Kim Thanh, 76 tuổi, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Hồi xưa tôi mê mấy vở của Ðoàn Hương Tràm, như "Giọt máu oan cừu", "Phi vụ cuối cùng"... Giờ thấy hát tân cổ tôi không thích lắm! Lớp trẻ thích coi phim bộ thì thế hệ chúng tôi thích coi cải lương, mà phải nguyên tuồng, có lớp, có lang mới hay. Giờ hiếm đài chiếu quá. Nếu không có vở mới thì lâu lâu chiếu lại mấy vở hồi xưa, coi lại cũng đỡ ghiền. Thế hệ chúng tôi vẫn thích cải lương nhưng giờ kiếm tuồng mới coi khó quá”.
Nhiều người vẫn nghĩ, cải lương chỉ thịnh ở Sài Gòn, với những tên tuổi lớn như Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Ngọc Huyền... và thế hệ trẻ sẽ không mấy quan tâm đến loại hình nghệ thuật này, khi nhiều hình thức giải trí đa dạng, hiện đại hơn ra đời. Tuy nhiên, sự thật lại khác, bên cạnh khán giả lớn tuổi, một bộ phận các bạn trẻ cũng rất yêu thích cải lương, nhất là nghệ sĩ tỉnh nhà biểu diễn lại càng thích.
Bạn Huỳnh Ngọc Như, 25 tuổi, Khóm 3, Phường 9, TP Cà Mau, cho biết: “Ðúng là giới trẻ giờ yêu nhạc trẻ, thích xem phim nhưng cũng có ngoại lệ. Như nhà tôi, các em, các cháu vẫn thích coi cải lương, có đứa còn thuộc cả tuồng dù không biết hát. Mình sống ở cái nôi của cải lương nên có tình cảm thôi. Bây giờ, đám tiệc cũng có nhiều anh chị ca diễn các trích đoạn cải lương mà họ yêu thích. Tôi còn thấy ở Cà Mau có nhiều quán cà phê tổ chức diễn cải lương vào thứ Bảy và Chủ nhật. Tôi thấy cải lương có tính giải trí cao và đặc sắc, bạn trẻ như tôi có thể dễ dàng tìm hiểu nhiều hơn về nghệ thuật dân tộc, nếu muốn".
Ðoàn Hương Tràm còn có lợi thế là đơn vị có bề dày lịch sử khi được thành lập và phát triển trên 60 năm nay, tiền thân là Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau. Trên cả nước chỉ có 2 đoàn nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, trong đó có Ðoàn Hương Tràm. Tình cảm của khán giả không phải riêng tỉnh Cà Mau, mà trong cả nước đều dành trọn. Hiện đoàn đang trên đà phát triển theo chiều hướng tích cực, tạo động lực rất lớn cho anh chị em nghệ sĩ.
NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Hương Tràm, cho biết: “Ðoàn vẫn theo kịp nhu cầu, khi liên tục xây dựng chương trình phù hợp với niềm đam mê, sở thích của khán giả. Theo tôi, phải đi đúng tâm lý họ mới yêu thích. Có nhiều chương trình hơn 1 giờ 30 phút mà khán giả lại thắc mắc tại sao ngắn vậy, nghĩa là khán giả thích và xem không mệt. Tôi nghĩ, cải lương bây giờ như vậy là thành công rồi”./.
Lam Khánh
Bài 2: Câu chuyện “khát” và "giữ chân" nghệ sĩ