(CMO) Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình giải trí, chính nghệ thuật cải lương và những nghệ sĩ cũng phải thay đổi cách làm, cách thể hiện, cách quảng bá... để bắt kịp nhịp sống số.
>> Bài 1: Cải lương có "yếu" tại tỉnh nhà?
>> Bài 2: Câu chuyện “khát” và "giữ chân" nghệ sĩ
Các chiến lược truyền thông điện tử
Trong thời đại công nghệ phát triển, các loại hình giải trí nở rộ, nghệ thuật cải lương giảm hẳn sức hút. Ðây là vấn đề bức thiết cần nhìn nhận và trăn trở của người làm sân khấu. Ðiều bắt buộc dù muốn dù không là cải lương và người nghệ sĩ phải chấp nhận cơ chế thị trường, dòng chảy xã hội để dần tìm cách khôi phục, gắn với đời sống hiện đại và giữ lại thị phần khán giả của riêng mình.
Khán giả bây giờ gắn liền bản thân với điện thoại thông minh và chuyển nhu cầu giải trí sang các nền tảng trực tuyến như YouTube, TikTok... Cải lương vì thế cũng nên thay đổi, có nhiều loại hình hơn như làm kênh YouTube những bài ca tài tử, tác phẩm nội dung ngắn, cắt ngắn các cảnh hay nhất trong các vở tuồng để tải lên các nền tảng TikTok, YouTube...
Ảnh: PBT
Những vở diễn dài 3 tiếng đồng hồ cần rút lại 2 tiếng, hoặc 90-100 phút. Xu hướng bây giờ là ngắn, súc tích và đặc sắc. Ngay cả truyền hình quyết định phát một vở cải lương cũng chỉ trong khung khoảng 90-100 phút. Trên YouTube không làm vở diễn nhưng có thể làm những bài ca, tác phẩm có nội dung như: đờn ca tài tử, vọng cổ, ca lẻ... Tuồng tích dựng lại cũng phải theo kiểu phim cổ trang để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn. Không phải khán giả quay lưng với cải lương mà bản thân cải lương phải thay đổi để phù hợp với thị hiếu hiện đại.
Nghệ sĩ Quốc Tín, người tâm huyết phát triển cải lương trên các nền tảng số, cho biết: “Cải lương là loại hình nghệ thuật mà người dân Nam Bộ luôn thích, cả người dân miền Bắc cũng thương. Tôi đi phục vụ ngoài Bắc, khi vào liên hoan giao lưu văn nghệ thì nhận thấy nghệ sĩ miền Bắc hát vọng cổ hay, nhịp nhàng, rành rọt, đó là sức lan toả của cải lương. Chúng ta phải nghiên cứu thay đổi hình thức thưởng thức nghệ thuật của người dân để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Cứ cố chấp giữ cái cũ là không được, vì cải lương là sự tiến hoá từ tài tử đến ca bộ. Cải lương phải phát triển để giữ được hồn cốt, phát triển để thích ứng xu thế”.
Ðoàn Cải lương Hương Tràm hiện tại cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực khi bắt nhịp với nhu cầu giải trí Online. Ðoàn đã trang bị máy quay, máy dựng hình, phòng thu... Sau mỗi vở diễn hay mỗi đêm thi của các nghệ sĩ, đoàn sẽ có ê kíp thu và phát lại tất cả các chương trình trên trang fanpage, YouTube nhằm phục vụ khán giả xem Online.
Ngoài ra, trước các chương trình, các đêm diễn được tổ chức, đoàn cũng sẽ phân công ê kíp dựng trailer quảng cáo, hình ảnh, thông tin, chương trình, diễn viên tham gia và địa điểm biểu diễn... đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Ðây chính là cách quảng bá nhanh và hiệu quả nhất. Song song đó, đoàn cũng liên hệ địa phương hỗ trợ đăng tải những thông tin cụ thể cho Phòng Văn hoá - Thông tin huyện để đưa về xã, ấp thông tin đến người dân bằng hình thức phát thanh, đó là cách đoàn biểu diễn thành công thời gian gần đây.
NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, bày tỏ: “Bây giờ thời buổi công nghệ 4.0, không thể nào đi xe, chạy xuồng thông báo ai nghe thì nghe, không thì thôi, mình phải tiếp cận trực tiếp bằng hình ảnh, thông tin. Các trang mạng xã hội rất mạnh, mình tận dụng điểm mạnh này để đưa hoạt động của đơn vị, không chỉ hoạt động của đêm diễn, mà tất cả các hoạt động của đoàn đến với khán giả".
Chính nhờ biết tận dụng mạng xã hội và các hình thức giải trí Online mà trong thời gian dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, Ðoàn Cải lương Hương Tràm vẫn tập trung xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 thông qua trang fanpage, livestream trực tiếp trên kênh YouTube, fanpage của đoàn. Sắp tới, đoàn còn phát triển thêm kênh TikTok với những clip chỉ 3-4 phút được biên tập sao cho thu hút nhất với những lời ca, câu hát đặc biệt xuất sắc từ các nghệ sĩ của đoàn, tạo thêm sự chú ý của khán giả.
Kênh YouTube của Ðoàn Cải lương Hương Tràm, nơi được đăng tải các vở diễn hay các trích đoạn. (Ảnh chụp màn hình).
Nghệ sĩ làm lan toả nghệ thuật cải lương
Với người nghệ sĩ, việc được ca diễn trọn vẹn một tuồng tích hay một trích đoạn là điều hạnh phúc và cũng là sự tự trọng với nghề. Bởi thế, họ chưa quen và chưa thể thích nghi được với các nền tảng số, các hình thức giải trí mới mẻ. Nghệ sĩ Thanh Thảo tâm sự: "Tôi biết thị hiếu của khán giả là thích coi trên mạng. Nhiều anh chị em nghệ sĩ cũng chạy show quay các trích đoạn ngắn để phát trên YouTube, TikTok..., nhưng cá nhân tôi lại không thích. Nó hơi gấp gáp và xô bồ. Khi đi diễn gặp khán giả hay khán giả ngồi nghe mình mới có tính tương tác cao và nghệ sĩ cũng nắm được điều khán giả thích hay chưa hài lòng về mình".
Muốn sống và làm nghề trọn vẹn là không sai, nhưng mục tiêu quan trọng hơn hết là giúp nghệ thuật cải lương có được chỗ đứng giữa vô số loại hình nghệ thuật khác đã và đang phát triển từng ngày. Các nghệ sĩ lớn tuổi khó tiếp cận với mạng xã hội cũng đã từng bước khắc phục điểm yếu này. Họ tạo được trang Facebook, Zalo... của riêng mình để kịp thời thông tin những sản phẩm, tuồng tích, trích đoạn mới... quảng bá đến công chúng. Mỗi fan của họ chung tay chia sẻ cũng là cách giúp PR thêm cho cải lương.
Ðối với các nghệ sĩ trẻ, ngoài việc chia sẻ, lan toả thông tin trên mạng xã hội, họ còn có những buổi livestream, giao lưu trực tuyến với người hâm mộ cải lương để thu hút thêm số lượng khán giả. Những buổi ghi hình trong phòng thu kết hợp với trò chuyện cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người mộ điệu.
Nghệ sĩ Hồng Giang hồ hởi: "Nhiều bạn bè và khán giả yêu mến em cũng vào xem và tương tác nhiệt tình. Em nghĩ điều này rất tốt cho sự quảng bá các sản phẩm nghệ thuật, cũng như thương hiệu của Ðoàn Cải lương Hương Tràm. Nhiều khán giả ở nước ngoài, họ vẫn xem và biết đến chúng em, biết đến đoàn khiến chúng em có thêm động lực".
Cải lương đã có bề dày phát triển bền vững và công việc hiện tại của các nghệ sĩ là bảo tồn, phát triển, để loại hình này không mai một theo thời gian. Mỗi nghệ sĩ sẽ là một "chiến sĩ" tích cực trên mặt trận văn hoá - nghệ thuật, để góp phần chung tay đưa cải lương hội nhập xu thế phát triển và tìm được chỗ đứng của riêng mình./.
Lam Khánh