(CMO) Khi mua một sản phẩm có giá trị nhỏ mà bị lỗi, do ngại chi phí và thời gian đi lại nên đa số người tiêu dùng ít quan tâm đến việc khiếu kiện. Từ thói quen này của NTD, nhiều doanh nghiệp và cửa hàng ít quan tâm tới chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Vô hình trung người tiêu dùng đã tự "bỏ qua" quyền lợi mà mình được hưởng.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 382 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 291 vụ, thu nộp ngân sách trên 2,423 triệu đồng. Đội Kiểm tra liên ngành 389/CM kiểm tra 3 vụ, xử lý vi phạm 2 vụ, thu nộp ngân sách 119 triệu đồng; phối hợp kiểm tra liên ngành kiểm tra 1.126 vụ, nhắc nhở 171 vụ, xử lý vi phạm 72 vụ về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Đẩy mạnh tuyên truyền
Hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng xảy ra trên địa bàn tỉnh ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp như: thị trường nông sản tồn tại tình trạng rau bẩn, thịt bẩn, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất cấm; tràn lan hàng lậu, hàng kém chất lượng mà người sản xuất, kinh doanh nhiều khi cố tình gian lận, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trong mua sắm để bảo vệ quyền lợi của mình. |
ong song đó, phần lớn người tiêu dùng chưa quan tâm đến những điều tối thiểu khi mua hàng như: không lấy hoá đơn, chứng từ, không kiểm tra, xem xét hàng hoá trước khi nhận hàng nên khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết. Thiếu hiểu biết về luật, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì nên chỉ im lặng chấp nhận.
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Cà Mau Nguyễn Phước Hồng cho biết: "Công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phổ biến thông tin, kiến thức cho người tiêu dùng về tình trạng hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại luôn được tỉnh hội phối hợp với Sở Công thương và các cấp hội quan tâm. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã lồng ghép với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở huyện, thành phố tuyên truyền hơn 1.300 cuộc với hơn 69.170 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Ngoài ra, tỉnh hội còn phối hợp với báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".
Bên cạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền thì việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cũng như hạn chế chi phí đi lại khi người tiêu dùng cần hỗ trợ. Đến nay toàn tỉnh có 60 xã, phường, thị trấn đã thành lập hội. Trong đó, huyện Phú Tân và Trần Văn Thời có 100% xã, thị trấn có tổ chức Hội.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Cà Mau Lê Chí Công cho biết: "Trên địa bàn thành phố có 8 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xã, phường. Từ khi thành lập đến nay, các hội đã phát huy tốt vai trò của mình. Khi người tiêu dùng có phản ánh về chất lượng hàng hoá thì các hội đứng ra hoà giải, bảo vệ quyền lợi cho họ. Khi hoà giải không thành mới chuyển lên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố giải quyết".
Nâng cáo ý thức người tiêu dùng
Theo ông Lê Chí Công, để Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợingười tiêu dùng có thể phát huy vai trò của mình, người tiêu dùng cũng phải tự nâng cao ý thức trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình. Bởi lẽ từ trước tới nay, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen lưu lại những chứng từ, hoá đơn… chứng minh nguồn gốc sản phẩm để làm căn cứ yêu cầu xử lý trong từng vụ việc. Đây chính là một thói quen bất lợi cho người tiêu dùng mỗi khi xảy ra tranh chấp về chất lượng sản phẩm và cần được sự can thiệp của hội.
Mặc dù đã được đẩy mạnh tuyên truyền nhưng qua thực tiễn giải quyết khiếu nại, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, hiện rất nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được 8 quyền cơ bản và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; trong đó có trách nhiệm phải thông tin cho cơ quan chức năng, tổ chức xã hội biết về sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng khác. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có 4 phương thức để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là: thương lượng, hoà giải, nhờ trọng tài phân xử và kiện ra toà án.
Như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng khá rõ ràng và mỗi người cần biết rằng, việc khiếu nại không chỉ là hành động bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần bảo vệ những người tiêu dùng khác.
Song song đó, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả hơn nữa, lực lượng quản lý thị trường cần tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phải kết hợp với việc tuyên truyền đến các nhà sản xuất, kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuyên truyền đến người tiêu dùng các quyền lợi mà mình được bảo vệ, trình báo với cơ quan chức năng khi quyền lợi bị xâm hại và sẵn sàng phối hợp giải quyết vụ việc./.
Hồng Phượng