ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 16-9-24 10:27:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người kể chuyện quê hương

Báo Cà Mau Giới thiệu về mình, ông Nguyễn Thái Thuận (Út Trấn) hịch hạc đúng chất Nam Bộ: “Bản thân chỉ là người “xách ô, cầm dép”, lại siêng bập bẹ viết báo, làm thơ. Còn nghề chính hiện nay là trồng rau trên mảnh đất vườn nhà”. Ấn tượng đầu tiên về không gian sống của ông là sách, mà ông gọi đó là người thầy, người bạn tri kỷ.

Chất “lính” văn phòng đậm đặc trong phong cách giao tiếp của ông. Không khác được. Từ năm 1956, ông đã làm công tác Văn phòng Xã uỷ xã Tân Duyệt (nay là xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi), sau đó là cán bộ văn phòng của Huyện uỷ Tư Kháng (mật danh huyện Ðầm Dơi thời kháng chiến), rồi Văn phòng Tỉnh uỷ Cà Mau. Xen lẫn với thời gian giữ một số vị trí công tác khác, ông còn làm công tác văn phòng của Báo Cà Mau, của Thị uỷ thị xã Bạc Liêu và Huyện uỷ Cà Mau (nay là TP Cà Mau). Nồng hậu và chân tình, ông mang đến cho người đối diện cảm giác tự nhiên, cởi mở và rất nhanh chóng là tin cậy, thân thuộc. Tôi thấy thú vị, ông không chỉ nói vui mà còn là cả sự tự hào về vai trò “xách ô, cầm dép” đã hằn sâu vào phong cách sống của bản thân.

Miệt mài, trách nhiệm với lịch sử Cà Mau, ông Nguyễn Thái Thuận chọn lẽ sống của một con người tử tế, một đảng viên giữ trọn lời thề trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

“Chà, không biết có chủ quan duy ý chí hay không, chớ các bạn trẻ giờ đây ít chịu khó đọc sách. Hồi chiến tranh, sách rất thiếu thốn, lứa chúng tôi hễ có sách là đọc ngấu nghiến. Ai cũng thuộc làu làu câu nói để đời của nhân vật Pa-ven trong “Thép đã tôi thế đấy”: “Ðời người chỉ sống có một lần...”,... Và, như một tia lửa bén ngang làm bùng cháy thăng hoa những chiêm nghiệm đã chín muồi, ông tâm đắc tiếp mạch: “Câu này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hay nhắc đi, nhắc lại, nó đúng với bất kỳ ai, và càng đúng với những cán bộ, đảng viên, những người phải đi trước để làng, nước, Nhân dân theo sau”.

Tôi không chống chế, nhưng cũng góp thêm ý kiến: “Dạ! Ðiều này không sai, nhưng cũng có bạn trẻ rất ham đọc, đọc nhiều”. Ông Út Trấn sắc sảo: “Nhưng đọc cái gì chớ! Mà nói đâu xa (giọng ông chùng hẳn xuống), như câu chuyện về lịch sử tỉnh Cà Mau hiện nay thôi..., dễ khi nào người Cà Mau mình ở ngay đây thôi lại còn không biết hết, hiểu hết về chính mình...”.

Trực diện, không vòng vo, ông nói: “Lịch sử Cà Mau, mấy trăm năm khẩn hoang, mở cõi, qua mấy chục năm kháng chiến oanh liệt, hào hùng, đến giờ vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, chưa được bổ khuyết. Cà Mau là đất mới. Ðúng! Nhưng không vì thế mà không có những dấu ấn, bản sắc, truyền thống lịch sử - văn hoá rất riêng, rất độc đáo, rất giá trị”.

Khi nói về chuyện gì đó, ông luôn có dẫn chứng, lập luận phân tích để thấu đáo, tường tận thêm: “Ở Ðầm Dơi, ngày 23/10/1961, hơn 3 ngàn lực lượng của ta, chủ yếu là phụ nữ, cụ già với xuồng bơi, xuồng chèo, đổ ra từ các nhánh sông xứ Ðầm tiến thẳng tới đầu não của địch là Chi khu Ðầm Dơi để đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh ấy, 27 đồng bào, chiến sĩ của ta đã hy sinh, dòng máu anh hùng nhuộm thắm quê hương. Lịch sử có nhắc đến, nhưng chưa nói đầy đủ hết tầm vóc, giá trị của sự kiện này”.

Ông Út Trấn đau đáu: “Tôi còn hai tâm nguyện, đầu tiên là nỗ lực để góp chút sức cho công tác lịch sử của quê hương; phần còn lại là cho niềm vui chữ nghĩa. Cố gắng làm một người tử tế, một đảng viên xứng đáng với lời thề trước Ðảng, trước Tổ quốc và Nhân dân”.

Suốt 3 năm qua, ông Út Trấn ngược xuôi hơn chục chuyến đi cùng với Bảo tàng tỉnh Cà Mau để làm công việc thu thập chứng cứ, khảo sát thực địa, tìm lại các địa điểm đứng chân của cơ quan Tỉnh uỷ Cà Mau qua các giai đoạn, ở khắp các huyện Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Trần Văn Thời, Ðầm Dơi. Những chuyến đi mà ông Út Trấn gọi là “tìm về dấu cũ”. Với cây gậy đồng hành, ông già U90 tìm lại mình trong khoảnh khắc đối diện với “món nợ lịch sử” và soi bản thân trong “món nợ ân tình”.

Ông kể, mình còn nợ hạt cơm, con cá của người dân vùng Xẻo Ðước, Phú Tân. Nợ đường chỉ may vá của người con gái xứ Ðầm. Nợ món cơm rượu mà bà con vùng đầm Thị Tường dành cho ông bồi bổ trong cơn sốt rét hành hạ. Nợ cả những người dân quê biết rành mạch về ông từ lời kể của ông bà, cha mẹ đã quá cố, đối đãi ông như người ruột thịt trở về dù chưa từng gặp mặt...

Rạch ròi mình là người “ngoại đạo” trong công tác lịch sử, nhưng từ những điều thâu lượm được, ông nghiệm ra rằng, làm sử là phải đúng cách, không phải là “công tác hành chính”; bổ khuyết những “mảng trống”, những vấn đề chưa thống nhất, trong đó có tiếng nói của những “nhân chứng sống” của lịch sử là hết sức quan trọng. Ðể rồi, trong sự thúc bách khắc nghiệt của thời gian, ông quả quyết: “Chậm rồi, muộn rồi, nhưng trân trọng những nhân chứng còn lại của lịch sử là điều không thể chần chừ”... Tôi cơ hồ, ông muốn nói thêm điều gì đó nhưng dừng lại. “Chắc ông Út muốn nói tới điều được nhiều người làm sử rất tâm đắc: Có lỗi với lịch sử là có lỗi với quá khứ, hiện tại và cả mai sau”, tôi bày tỏ suy nghĩ; còn ông, ánh nhìn sâu thăm thẳm.

Tôi biết, trong công việc hoàn thiện hồ sơ địa điểm đứng chân của cơ quan Tỉnh uỷ trong 30 năm kháng chiến, ông Út Trấn đã kết nối được với nhiều đồng chí, đồng đội, bạn bè thuở trước, trong đó có ông Nguyễn Phước Thẩm (Tư Thẩm), ông Nguyễn Văn Ðẩu (ông Nguyễn Kiên Ðịnh, Sáu Kiên). Giai đoạn kháng Pháp, ông Tư Thẩm từng là Tổng đại lý Báo Nhân Dân, nên có nhiều thông tin, tư liệu và hiểu biết về nơi đứng chân của cơ quan Tỉnh uỷ. Khi ông và tôi ngồi với nhau, ông Tư Thẩm đã thành người thiên cổ, còn ông Sáu Kiên được ví là “pho sử sống” của vùng đất Cà Mau - Bạc Liêu cũng đã theo nẻo ngàn năm mây trắng.

Ông bỗng đọc vanh vách một đoạn trích dẫn nằm lòng: “Một phế tích dù có to lớn đến mấy, một khi có tiền, có kỹ thuật và có thời gian thì đều phục dựng lại được. Nhưng mỗi con người một khi đã nằm xuống thì mãi mãi mọi cái ở trong đầu con người ấy sẽ tan biến và không bao giờ có thể lấy lại được nữa... Cái này một nhà sử học đã nói, và tôi thấy đúng quá, hay quá. Soi vào các anh, tôi học cách sống đúng, sống có ích cho mình”.

Với những người cùng tâm huyết, ông Út Trấn đã góp sức đắc lực hoàn thành cuốn sách “Ðầm Dơi - Ðất và Người” với nhiều tư liệu lịch sử quý giá. Giờ đây, ông Út Trấn đang tích cực hoàn thiện đầu sách tương tự của huyện Trần Văn Thời, một vùng đất anh hùng khác ở Cà Mau. Chưa hết, ông còn nung nấu ý định thực hiện cuốn sách về di sản văn hoá - lịch sử khắp mảnh đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, mong mỏi góp thêm một điểm nhấn để giới thiệu, lan toả hình ảnh đất và người Cà Mau đến với bạn bè muôn phương, mà theo tiết lộ của ông: “Rất hữu ích để phục vụ cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đúng với ưu tiên, thế mạnh của tỉnh Cà Mau hiện nay”.

Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, chia sẻ rằng: “Ông Út đã hiến cho Bảo tàng tỉnh một xe ba gác đầy những hiện vật như gàu vai, phảng, cù nèo, nọc cấy, cối đá... Ðặc biệt là vận động các gia đình từng cưu mang, che chở cách mạng hiến tặng những hiện vật phục vụ công tác sưu tầm, trưng bày lịch sử. Ông làm mọi việc một cách tâm huyết, trách nhiệm, sôi nổi vui tươi, chưa hề kén chọn và đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng mình. Ở ông, chúng tôi cảm phục, học tập cách sống của một con người tử tế, một công dân gương mẫu và một đảng viên mực thước luôn vì cái chung”.

Thứ nữa mà tôi trân trọng chính là thái độ sống của ông, lạc quan pha chút lãng mạn nhưng rất kế hoạch. Bên ông, thế hệ trẻ chúng tôi được thắp lên, tiếp thêm nguồn năng lượng sống tươi mới, tích cực.

Mới đây, ông trở thành thành viên lớn tuổi nhất của Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử Cà Mau thuộc Bảo tàng tỉnh Cà Mau. Tư duy của ông khác biệt và thú vị: “Tại sao phải là đẩy mạnh, là nhấn mạnh, là tuyên truyền, là giáo dục... Tôi nghĩ lịch sử vĩ đại của dân tộc, của quê hương, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh cần hơn ở việc cụ thể hoá thành những điều giản dị, gần gũi và dễ tiếp nhận. Các bạn trẻ của câu lạc bộ này hãy nỗ lực chia sẻ, khơi gợi, lan toả tình yêu quê hương, đất nước bằng những câu chuyện rất thật, rất đẹp, rất anh hùng của xứ sở này”.

Ông Nguyễn Thái Thuận cùng đoàn cán bộ Bảo tàng tỉnh Cà Mau trong những chuyến đi để xác định các địa điểm đứng chân của cơ quan Tỉnh uỷ Cà Mau qua 30 kháng chiến.

Ở khía cạnh riêng tư, tôi biết ông Út Trấn là thân sinh của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Khi được ông chia sẻ về niềm đam mê đọc sách, làm thơ từ những năm 1960 của thế kỷ XX, tôi mạnh dạn hỏi: “Chữ nghĩa cũng di truyền phải không ông Út!”, ông cười tươi: “Sách bây giờ cũng nhờ nhà văn cung cấp hết đó”. Nói về cô gái út của mình, ông chỉ gãy gọn: “Ngọc Tư ham đọc sách lắm. Căn nhà này ở vùng ven đô Cà Mau thôi (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) mà hồi đó chưa đường, không điện. Lúc có điện, Ngọc Tư viết một bài văn tả lại. Từ đó, nó theo nghiệp viết luôn”...

Là tác giả của 2 tập thơ “Sông Trắng” và “Lá cuối mùa” cùng tập tản văn “Những vì sao của đất”, ông Nguyễn Thái Thuận là cây bút khá quen thuộc trong giới văn chương của Cà Mau và cả ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông quả quyết mình chỉ viết về đề tài chiến tranh cách mạng, mà nếu rời bỏ chủ đề này thì: “Buông nó ra/Tôi không phải là mình”.

Ông không chỉ ham đọc, mà còn mê viết. Viết báo, làm thơ, chữ nghĩa ăm ắp trong đầu, trên đống bản thảo liên tục được bồi thêm như phù sa mới, đó cũng là cách riêng để ông kể chuyện về quê hương. Ông khiêm tốn rằng: “Tôi làm thơ chỉ đọc được, và chủ yếu cho mình đọc. Làm thơ thấy khó quá, nên tôi tập thêm viết báo, viết văn xuôi. Rồi vỡ lẽ ra, văn chương chữ nghĩa đàng hoàng tử tế thì cái nào cũng khó”... và ông chậm rãi đúc kết: “Còn làm người, làm đảng viên cho trọn vẹn càng khó khăn gấp bội”.

Tháng 11/2022, ông vinh dự được trao Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng, ông vui nhưng nước mắt rưng rưng: “Tôi biết ơn Ðảng, vui mừng, vinh dự lắm! Biết bao người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng đâu thể nhận được vinh dự lớn lao này”.

86 tuổi đời, 62 năm tuổi Ðảng, ông Út Trấn - Nguyễn Thái Thuận chọn làm chiếc lá cuối mùa mải miết xanh; kiên trì, nhẫn nại đi tới tận cùng lẽ sống: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)./.

 

Bút ký của Phạm Quốc Rin

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.