ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 22:57:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người mẹ Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Hai Khánh trở về vùng đất Cà Mau với mục đích duy nhất là tìm gặp cô Năm Hồng. Lúc ba mẹ tập kết, Hai Khánh mới tượng hình trong bụng mẹ mấy tháng. Nghe mẹ kể, lúc tàu rời bến, ai cũng giơ hai ngón tay lên với ý hẹn hai năm sẽ trở về. Cô Năm Hồng là ai? Cô có liên hệ gì với gia đình? Mãi lúc hấp hối, mẹ mới căn dặn Hai Khánh.

- Con phải tìm gặp cô Năm, nói mẹ xin lỗi cô nhiều. Con nói rằng, ba của con, Tư Thanh lúc nào cũng dành một góc riêng cho cô mà mẹ không bao giờ chạm tới được.

Những lời của mẹ khiến Hai Khánh phần nào hình dung được câu chuyện. Cô Năm chắc là người yêu cũ, hoặc đại khái là người yêu của ba trong thời kháng Pháp. Nhìn vào lý lịch của Hai Khánh ai cũng thắc mắc, dù ông bây giờ đã là một phó giám đốc sở của một thành phố lớn. Ba ông, Tư Thanh, quê ở Đồng Tháp Mười, mẹ ông, một khuê nữ thương gia của Chợ Lớn Sài Gòn. Ông sinh ra tại Hà Nội, rồi học tập ở Liên Xô. Sau đó làm việc, bôn ba mãi mấy mươi năm mới về Nam, thành ra cha mẹ rặt người miền Nam mà ông nói giọng Hà Nội.

Tư Thanh là Tiểu đoàn Phó, tiểu đoàn chủ lực 307 nức tiếng. “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang/Cửu Long giang sóng trào nước xoáy/Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/Tiếng tiểu đoàn 307”. Hai Khánh nghe ba kể lại, trước khi có tiểu đoàn chủ lực này, anh em bộ đội toàn đánh giặc bằng hình thức du kích, mai phục. Khi về đứng chân dưới đội hình 307, anh em mới bắt đầu đánh giáp lá cà, “chơi sòng phẳng” với giặc và giành nhiều chiến thắng vang dội. Điều Hai Khánh thắc mắc đó là mỗi bận ba kể chuyện, kết thúc đều bằng một nỗi buồn xa xôi. Ba có nói bóng gió về một trong những điều nuối tiếc nhất của đời mình, liên quan đến một người con gái Cà Mau. Sau khi ba mất, rồi nghe những lời trăn trối của mẹ, Hai Khánh kết luận, người con gái đó chính là cô Năm Hồng.

Trên mình của Tư Thanh nhì nhằng vết sẹo. Trong mình ông còn miểng bom, đầu đạn của giặc. Mỗi lần trái gió trở trời, ông lại hô hào xông trận. Mỗi lần lên cơn như vậy, sau khi tỉnh lại ông ngồi thất thần, có lúc nước mắt chảy thành dòng. Hai Khánh không kề cận ba nhiều, ông còn công việc, chỉ có mẹ và thằng em trai sớm hôm chăm sóc ba lúc tuổi già. Trong giấc mơ, Hai Khánh cứ chờn vờn cảnh tượng xa xưa nhưng nồng ấm lắm. Đó là một ngày đông Hà Nội, Hai Khánh mơ màng giấc ngủ trong chiếc chăn bông, có một vóc dáng cao lớn, một bàn tay ấm áp, một câu nói vội vã nhưng thân thương:

- Thằng Hai giống anh quá!

Khi Hai Khánh thức dậy vào sáng hôm sau, má nói ba ghé thăm con, ba có chuyến công tác ra Bắc nhưng gấp quá chỉ tạt qua thôi. Đó cũng là lần đầu tiên Hai Khánh cảm nhận được tình cảm thiêng liêng cha con.

Nhà cô Năm Hồng không khó tìm. Người lái xe vừa chạy vừa nói với Hai Khánh:

- Vậy là nhà chú cần tìm thuộc huyện Ngọc Hiển. Mới năm trước là chưa đi xe được đâu, nhưng giờ có cầu Năm Căn, có đường Hồ Chí Minh rồi, đi chút xíu nữa là tới thôi.

Là người có chuyên môn du lịch, Hai Khánh gật gù cho qua, mong sao tới nơi mình cần tới. Một ngôi nhà cột đước, màu tôn đã cũ, nằm nghiêng ra mép sông nước đục ngầu, đất lở lởm chởm. Cây sào phơi quần áo vắt bộ quần áo còn rỏ nước ròng ròng. Hai Khánh bước xuống mà ngần ngại, nếu phải là chỗ này thì cô Năm sống cơ cực quá.

- Cho con hỏi có phải nhà cô Năm Hồng?

Một bà già lưng còng, tóc trắng, miệng bõm bẽm nhai trầu nheo mắt hỏi lại:

- Tui, Năm Hồng, cậu ở đâu tới, tui đâu có quen ai nói giọng Huế (Bắc) đâu?

- Dạ, con là Hai Khánh, con trai của Tư Thanh, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 307.

Bà già lại nheo đôi mắt, nhìn trân trân Hai Khánh. Chẳng biết bà vui hay buồn, người già rất giỏi giấu cảm xúc, hoặc là thời gian khiến người già vui buồn cũng chỉ có một biểu cảm như nhau.

- Mời cậu vô nhà. Ờ, anh Tư Thanh là lãnh đạo cũ của tui.

Nghe cách nói xa xăm này, trong lòng Hai Khánh càng rối bời. Thật sự cô Năm có ân tình sâu nặng với gia đình, hay chuyện là những lỗi lầm của thế hệ đi trước. Thôi kệ, dù sao cô Năm cũng là bạn chiến đấu của ba, Hai Khánh có dịp để nghe thêm chuyện về đấng sinh thành.

Bữa cơm dọn ra, mấy con ba khía luộc, con cá thòi lòi kho quẹt, mớ đọt nhãn lồng luộc mà Hai Khánh ăn thấy ngon lạ. Hai Khánh bắt đầu hỏi thăm gia cảnh của cô Năm:

- Chồng, con của cô đâu?

- Tui có chồng con gì đâu!

- Cô chiến đấu chung với ba con lâu không?

- Cũng lâu, mà lâu quá rồi, đâu ai nhớ gì đâu.

***

Sau một trận đánh dữ dội, Tiểu đoàn 307 đã đánh lui trận càn của một đơn vị chủ lực phía giặc. Anh em nháo nhào hỏi tin Tư Thanh. Có người nói Tư Thanh lúc gần tan trận còn vác B40 chạy nhanh như điện xẹt theo đuôi một chiếc xe tăng. Rồi có người nói, lúc giặc tháo chạy, Tư Thanh bám theo quyết liệt, chắc đang ở đâu đó trong mấy bờ dừa phía trước. Rốt cuộc thì Tiểu đoàn phó ở phía trước thật, nhưng giữa đùi máu chảy lênh láng. Ông phải nhờ hai đồng đội kè về phía sau. Anh em lo lắng hỏi:

- Sao, anh Tư, bị thương sao?

- Tao lo quá, tình hình này… "mất giống" chớ chẳng chơi.

Tưởng đâu người chỉ huy nói chơi, ai dè y tá khám thì ông Tư bị thương vùng kín thật. Một bên “bộ chỉ huy” dập nát. Tình hình càng thêm phức tạp khi khoảng một tuần sau, “chỗ đó” của ông Tư lúc nào cũng “thẳng tưng” vì dư chấn vết thương. Anh em quân y họp bàn và đưa ra kết luận: "Nếu không “xả bớt” thì tình hình sức khoẻ của anh Tư sẽ chuyển biến xấu. Cái khó là anh Tư đã có vợ, người đẹp Sài Thành hẳn hoi, kẹt nữa là chị Tư ở tuốt Sài Gòn". Bác Sĩ Thạch vào nói chuyện với anh Tư:

- Bây giờ, tui nói chuyện này anh Tư tính sao thì tính nghen!

- Có gì em nói đại đi!

- Vết thương của anh… phải lấy vợ mới được.

- Mày nói giỡn hoài, tao có vợ rồi. Mà tao bị thương vầy, vợ chồng gì nữa.

- Cái này, em có báo với mấy anh lãnh đạo tiểu đoàn hết rồi. Anh từng học bên Pháp, em cũng vậy, bệnh này phải tính vậy, anh hiểu mà. Với lại chị nhà xa xôi quá.

- Kiểu này là chết thiệt rồi Thạch ơi…

- Anh em quyết định rồi, chị Năm Hồng.

Năm Hồng thuộc bộ phận địch vận, không biết đơn vị thuyết phục như thế nào mà gật đầu cái rụp. Nghe phong thanh, Năm Hồng cũng thầm thương trộm nhớ anh Tiểu đoàn phó oai phong, đẹp trai và từng đi học bên Tây, nên chẳng nề hà chuyện anh đã có vợ hay chưa.

Một buổi trưa bứt rứt, Tư Thanh nằm trên võng mà cứ lăn lộn hoài không chợp mắt được. Cái của nợ thì ngứa ngáy và cứ phừng phừng làm mặt mày của Tư Thanh đỏ gay gắt. Không biết thế nào mà Năm Hồng xuất hiện. Giọng nói con gái Cà Mau thiệt nhẹ nhàng. Tư Thanh mặt ngó dáo dát quanh căn chòi chớ không dám nhìn thẳng mặt cô Năm.

- Anh Tư khoẻ chưa?

- Ờ, ờ cũng đỡ đỡ rồi…

- Đơn vị tính vậy, ý anh sao?

- Tui cũng chưa biết sao nữa, nhưng nếu không chữa lành vết thương, biết chừng nào mới đánh giặc được nữa.

- Dạ, em hiểu. Anh đừng nói gì nữa, em chấp nhận hết.

Bất giác, Tư Thanh thấy lòng mình rung động. Người con gái đẹp nết, đẹp người, vậy mà vì anh có thể nhẹ nhàng chấp nhận một chuyện động trời như vậy. Anh có vợ rồi, nếu cưới Năm Hồng thì sau này tính làm sao. Năm Hồng biết mà vẫn đồng ý, đơn vị đã họp bàn, mà vết thương cứ bứt rứt. Tư Thanh như ngồi trên đống lửa. Ông chồm dậy tính lấy ca nước uống cho đỡ khát. Ai dè hụt mé võng, chúi nhủi trúng ngay chỗ Năm Hồng ngồi. Khi Tư Thanh ngẩng lên thì mặt đã chạm mặt. Cái nóng bứt rứt xổ tung trong căn chòi. Đôi mắt của Năm Hồng ngời lên hạnh phúc phản chiếu qua dòng nước mắt tinh khôi.

Đám cưới bưng biền vùng giải phóng cũng tất bật, rôm rả như thường. Bác sĩ Thạch là người hăng hái nhất. Đi đâu ông cũng nói, bệnh của Tiểu đoàn phó dễ điều trị quá trời. Ông nhìn chị Năm Hồng rồi nói mà như la làng:

- Đẹp vậy bệnh gì không hết.

Người chặt cà bắp dừa nước, người hái đủng đỉnh, dựng rạp kê bàn. Mấy chị em ngồi cắt bông hoa treo lủng lẳng khắp rạp. Bánh trái, gà vịt bà con mỗi người một chút, thành ra không khí tưng bừng chưa từng thấy. Tư Thanh ngày càng ít nói, lầm lì. Vết thương đã đỡ, thành ra trong lòng ông thấy có điều gì đó tội lỗi. Tư Thanh có lỗi với hai người phụ nữ, mà chuyện đã ra như thế này, thôi thì “tới luôn”.

Chiều nhóm họ, mọi người bắt đầu xôm tụ thì có tin một phụ nữ xinh đẹp, ăn bận kiểu thị thành làm gián điệp bị bắt. Đơn vị nhốn nháo, thằng giặc đúng là nham hiểm, chọn quá đúng thời điểm để thám báo. Tuy nhiên, Tư Thanh đã nhận được lệnh, về phòng họp chỉ huy gấp, không phải thám báo mà là vợ ở Sài Gòn xuống thăm. Nghe tin mà Tư Thanh cảm thấy như trời đất sụp xuống. Tư Thanh ngó thấy Năm Hồng đang cười, mái tóc, gương mặt trang điểm gọn gàng, sáng bừng. Bộ bà ba mới như càng làm căng mọng thêm niềm hạnh phúc của người con gái trong ngày trọng đại. Rồi tin cũng đến với Năm Hồng, cô cùng Tư Thanh lên phòng gặp chị Tư. Ai đời cái cảnh tréo ngoe này lại đổ trúng đầu Tư Thanh. Vợ thì khóc nấc hơi lên, hỏi xéo:

- Bữa nay đám cưới của anh mà sao không mời em?

- Tôi lúc nào cũng nhớ thương, tin tưởng…

- Thôi, mấy người ra ngoài chúc tụng, vui vẻ, làm lễ đi, tôi về lại Sài Gòn với ba má…

Mỗi một câu, Tư Thanh như thấy lòng mình bị lủng một chỗ. Tư Thanh và Năm Hồng, không, còn mấy anh lãnh đạo đơn vị nữa, đứng như trời trồng. Vợ Tư Thanh không hề trách ai, chỉ nói hờn tủi cho bản thân. Điều này càng khiến những người trong cuộc khó xử. Hồi lâu, mấy anh lãnh đạo đành ra quyết định: Giải tán đám cưới, giải tán đám đông, ba người trong cuộc tự bàn bạc đưa ra quyết định cuối cùng. Chưa bàn bạc được gì, sớm hôm sau Năm Hồng mất tích. Cô đi đâu không rõ, chỉ biết là đến cuối đời, Tư Thanh cũng không bao giờ tìm thấy.

***

- Ờ, anh Tư khoẻ hông con?

- Dạ, ba con mất hơn 4 năm rồi.

- Tội nghiệp, ảnh bị thương nhiều lắm…

- Sao con nói giọng Huế (Bắc)?

- Dạ, tại con sinh ở ngoài Bắc, làm việc ở ngoài đó, mới về Nam từ khi ba mất.

- Má con còn khoẻ hông?

- Dạ, cũng mất rồi cô…

Trời chiều phía biển đổ nhanh. Tiếng con cá thòi lòi ngược nước nghe như những điệu đàn buồn lạc lõng. Bà già ngồi đó nhai trầu. Mái tóc trắng lâu lâu loà xoà, bà lại đưa tay chậm rãi quấn lên. Đôi mắt mờ đục, dáng ngồi oằn nặng thời gian, bà nói như kể chuyện xa xưa. “Cô Năm cũng có một thằng con, nó tên Khánh. Con cô không biết mặt cha. Cha nó chiến đấu và hy sinh oanh liệt lắm. Rồi nó lớn lên, nó cũng đi kháng chiến như cha. Nó nằm xuống trên mảnh đất Cà Mau này”. Bà dẫn Hai Khánh đến trước bàn thờ nhỏ, đốt nén nhang. Thật lạ kỳ, bức hình nhỏ trên bàn thờ sáng lung linh, phảng phất đâu đó là nụ cười của ba, của chính Hai Khánh. Và khi nhìn lại bà già Đất Mũi, Hai Khánh biết, đó cũng chính là mẹ của mình.

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

Về nơi phù sa

Mẫn nói với tôi, trong người thấy âm u quá, muốn đi đâu đó xa xa "chữa lành". Người đầu tiên nó nghĩ đến là tôi, bởi trong đầu đã ghim sâu cái ấn tượng “nghe nói Cà Mau xa lắm”. Tôi và Mẫn học cùng khoá ngành du lịch, sau khi tốt nghiệp thì cùng vào làm một công ty lữ hành. Cho đến thời điểm dịch bùng phát, mọi thứ đảo lộn. Tôi nghiệm ra chân lý, không đâu bằng quê mình, thế là về Cà Mau phụ tía má làm điểm homestay nho nhỏ. Còn Mẫn vẫn mải miết với những chuyến đi.

Nhớ thời diễn hài ở Miền Tây

Hài là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả nói chung và người dân miền Tây nói riêng vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Thế nên, cứ đến tết Nguyên đán, bà con lại mong ngóng các đoàn về quê biểu diễn, với những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng, để ngày Tết được cười “thả ga”.

Khơi nguồn cảm hứng

Trong thế giới đầy biến động của nghệ thuật, có những nghệ sĩ không chỉ chinh phục trái tim công chúng bằng những tác phẩm tuyệt vời mà còn góp phần truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những người xung quanh. Một trong số đó là Hoạ sĩ Lý Cao Tấn.

Khai mạc Hội thi lân - sư - rồng và biểu diễn võ thuật mừng xuân Ất Tỵ

Sáng 26/1, tại sân quần vợt Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch khai mạc Hội thi lân - sư - rồng và biểu diễn võ thuật mừng xuân Ất Tỵ năm 2025. Đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, TP Cà Mau, các doanh nghiệp, các đội lân sư rồng, các câu lạc bộ võ thuật trong tỉnh và hơn 800 người dân đến xem và cổ vũ.

Bé vui Tết xưa

Những ngày giáp tết Nguyên đán, tại các trường mầm non, không gian ngập tràn sắc xuân với hình ảnh đặc trưng của phiên chợ quê như: thúng, nia, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, cành mai, cành đào, câu đối đỏ...

Xuân Quê hương 2025-Gắn kết kiều bào với nhân dân trong nước

Tối 19/1, Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt Xuân Quê hương 2025 với chủ đề “Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới" - chương trình thường niên thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trên toàn thế giới đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Danh hài Hồng Tơ - Nhớ thời hoàng kim tấu hài Tết

Danh hài Hồng Tơ không giấu sự tiếc nuối khi thời hoàng kim của tấu hài qua đi, khiến cái Tết cũng đôi phần vơi bớt không khí rộn ràng.

KHI THÁNG CHẠP VỀ

Ai thả chút nắng mềm lên tháng Chạp Mà ngày như chìm giữa khoảng trời đông Sương sớm vẫn ngủ vùi trong ngọn bấc Cho người còn khoe áo lạnh cuối năm

Giao thoa tín ngưỡng dân gian

Văn hoá dân gian, trong đó có tín ngưỡng dân gian từ bao đời nay như những mạch nguồn dồi dào trong dòng chảy không ngừng của văn hoá. Nó có sức sống và đầy hấp dẫn. Do tồn tại trong những điều kiện lịch sử cụ thể, từng thời điểm, từng địa phương cũng có những khác biệt khó lẫn lộn, cũng như từ sự phong phú đó đã dựng nên những màu sắc đặc thù gắn liền với vùng đất được khai phá và xây dựng.

Năm con rắn nhắc chuyện nuôi.. trăn

Cà Mau từng có thời “nhà nhà nuôi trăn, người người nuôi trăn”, con trăn đem lại chén cơm manh áo cho nhiều gia đình. Nhưng rồi đầu ra không ổn định, nghề nuôi trăn đi vào bế tắc. Khơi lại chuyện con trăn để tiếc nhớ một thời và cũng hy vọng nghề này có điều kiện khôi phục.