(CMO) Sau hơn 6 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thông qua các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, các mặt hàng trong nước sản xuất đến được vùng sâu, vùng xa. Từ đó, các doanh nghiệp kết nối tiểu thương thành lập kênh phân phối đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng nhiều hơn.
Theo ông Lưu Văn Quốc, Phó giám đốc Sở Công thương, không chỉ tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm hàng Việt nhiều hơn, Sở Công thương còn tạo niềm tin trong lòng người tiêu dùng bằng cách chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng được bày bán tại các chợ xã, phường. Qua đó nâng cao trách nhiệm của người bán, doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ...
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn hàng Việt. |
Ngành cũng khuyến cáo người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết, các hành vi buôn lậu, đầu cơ găm hàng gây rối loạn thị trường và hành vi gian lận thương mại. 6 tháng đầu năm 2017, ngành công thương đã kiểm tra 382 vụ, xử lý vi phạm hành chính 291 vụ, thu nộp ngân sách trên 2.423 triệu đồng.
Song song đó, Sở Công thương đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa phương giới thiệu sản phẩm đặc trưng vào các hệ thống phân phối.
Những năm trước đây, người dân chỉ quan tâm đến giá cả đắc hay rẻ, mẫu mã xấu đẹp ra sao mà không quan tâm nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng chú ý đến chất lượng nhiều hơn. Chị Nguyễn Tuyết Hạnh, chợ Phường 7, TP. Cà Mau, chia sẻ, trước đây có bán một số mặt hàng Trung Quốc, Thái Lan… nhưng khi được lực lượng quản lý thị trường nhắc nhở vì những mặt hàng này không có hoá đơn chứng từ, vì thế chị mua hàng Việt về bán nhiều hơn.
Mặc dù bước đầu thay đổi được nhận thức của người dân trong việc sử dụng hàng Việt, nhưng hiện nhiều mặt hàng Việt Nam có giá cao hơn so với hàng hoá cùng loại của các nước trong khu vực, chất lượng không đồng đều, dẫn đến sự so sánh của người dân. Một số mặt hàng cao cấp sản xuất trong nước chất lượng chưa cao, chưa đa dạng về mẫu mã, thiết kế, không có nhiều chủng loại để người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa chú trọng việc giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, từ đó người dân thiếu thông tin, không có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận hàng hoá chất lượng cao sản xuất trong nước.
Ông Lưu Văn Quốc cho biết, hiện hệ thống phân phối hàng Việt trong tỉnh vẫn chưa bao phủ. Những chuyến hàng Việt chỉ được thực hiện trong ngắn hạn nên việc tiếp cận của người dân còn bị gián đoạn. Người tiêu dùng khó phân biệt hàng Việt chất lượng với các loại hàng hoá trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là hàng nhập lậu gắn mác hàng hoá Việt.
Công tác chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao. Tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả còn khá phổ biến, người dân còn dễ tiếp cận, tiêu thụ hàng ngoại nhập bất hợp pháp gây khó khăn cho cuộc vận động.
Phượng Hồng