ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 22:26:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhận diện đúng để đấu tranh, phản bác hiệu quả

Báo Cà Mau (CMO) Thời gian qua, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của Internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin sai trái, xấu, độc nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra đối với cả hệ thống chính trị và mỗi “công dân mạng” trong giai đoạn hiện nay là phải nâng cao cảnh giác, tạo “sức đề kháng”, khả năng “miễn nhiễm” để tỉnh táo nhận diện, đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Nhận diện thông tin xấu, độc

Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện: Thông tin xấu, độc tán phát trên Internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu thù địch.

Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng Internet rất lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2022, số người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 72 triệu người, chiếm trên 73% dân số cả nước. Ở nước ta có hơn 65 triệu tài khoản mạng xã hội, chiếm khoảng 2/3 dân số, người dùng Việt Nam dành trung bình 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến Internet, mạng xã hội.

Tranh: LÝ KIỀU LOAN

Ðiều đó cho thấy, hiện nay Internet, mạng xã hội đã thâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống xã hội. Với nhiều nguồn thông tin khác nhau, bên cạnh những thông tin tích cực, đúng đắn vẫn có nhiều thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, thù địch, phản động... được các thế lực thù địch dàn dựng, tán phát dưới nhiều hình thức nhằm chống phá chế độ ta, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin, gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Ðảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Những thủ đoạn mà chúng thực hiện thông qua các hình thức chủ yếu sau:

Thứ nhất, lợi dụng quyền “tự do ngôn luận” và chiêu bài “dân chủ”, các thế lực thù địch sử dụng Internet, mạng xã hội để đăng tải, tán phát những thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Ðảng và của cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường loan tin vu cáo, bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng và Nhà nước; xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử dân tộc; xuyên tạc đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Ðảng; tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để lôi kéo, kích động xu hướng ly khai, tự trị.

Thứ hai, chúng thành lập các diễn đàn, hội, nhóm thông qua việc thành lập các trang web, Blog, Facebook… liên kết với nhau để tổng hợp, thu thập tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và phi chính thống. Khi đã thu hút được một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu, độc theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ, qua đó những luận điệu sai trái, xuyên tạc cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng nếu không tỉnh táo thì rất dễ dàng “mắc mưu”, dẫn đến bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu, độc trên các trang mạng và các diễn đàn mà chúng lập ra.

Thứ ba, chúng xây dựng các video clip có kịch bản công phu, bài bản, lời lẽ sắc bén đăng tải trên TikTok, YouTube, Facebook… nhằm tạo “trend” để thu hút nhiều lượt tương tác, chia sẻ, từ đó cài cắm những thông tin xấu, độc vào đó. Nếu tiếp cận nhiều lần, thường xuyên, ở nhiều bối cảnh khác nhau mà không “gặp được” những thông tin phản bác đầy đủ, thuyết phục, người tiếp cận sẽ rất dễ “bị nhiễm” và dần tin theo hoặc vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch.

Thứ tư, thông qua Internet, mạng xã hội, chúng đăng tải, tán phát những bộ phim, chương trình ca nhạc, vui chơi giải trí… nhằm thực hiện hành động “xâm lăng văn hoá” để áp đặt các giá trị văn hoá và lối sống “lai căng”, phá hoại bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam. Ðồng thời, chúng truyền bá lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, truỵ lạc, bạo lực, bất chấp pháp luật; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Kiên quyết đấu tranh, phản bác

Công tác đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ trên, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin, quản lý và xử lý thông tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân - với tư cách “công dân mạng” có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu, độc, hiểu rõ đúng - sai. Một khi đã có “sức đề kháng” và “vắc xin” miễn nhiễm trước những thông tin xấu, độc thì mỗi công dân mạng sẽ có nhãn quan chính trị, ý thức tự giác phòng chống và chủ động đấu tranh, bác bỏ các thông tin xấu, độc đó.

Hai là, tiếp tục triển khai, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị; làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ba là, cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, vận động, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện truyền thông, Internet, mạng xã hội vào đời sống; truy cập, theo dõi, tương tác với trang Fanpage của Ban Chỉ đạo 35 các cấp và các trang mạng chính thống để cập nhật, tương tác, chia sẻ, lan toả những thông tin, khẳng định tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những thành tựu của công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng; những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt với phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực.

Bốn là, các ngành, các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, chủ động phát hiện, ngăn chặn, “pha loãng” những thông tin xấu, độc; kịp thời dẫn dắt, định hướng thông tin và đưa ra những biện pháp giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo đội ngũ nòng cốt; nâng cấp, đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ công tác chuyên môn của ngành chức năng; kiên quyết đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội.

Với sự phát triển và thâm nhập ngày càng sâu rộng của Internet, mạng xã hội như hiện nay thì việc mỗi “công dân mạng” nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động nhận diện và đấu tranh, phản bác trước những thông tin xấu, độc là việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách. Từ đó, phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, góp phần ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng./.

 

Phan Bảo Dương

 

Cuộc thi chính luận sẽ thành công rực rỡ hơn nữa

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Năm nay, cuộc thi nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Thường trực Tỉnh uỷ, khi tổ chức Hội nghị phát động cuộc thi bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 101 điểm cầu trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Ðức Hiển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi.

Ðấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử, thành quả cách mạng

Trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, những thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Ðấu tranh với các luận điệu sai trái không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.

Tập huấn viết chính luận không vì để thi

Ban Chỉ đạo 35 huyện Năm Căn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn. Trong đó, điển hình là cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng được phát động rộng rãi, được sự hưởng ứng tích cực và thu hút nhiều thành phần tham gia. Năm 2024 có 30/205 tác phẩm được tuyển chọn tham gia vòng tỉnh. Kết quả, có 1 tác phẩm đạt giải C, 3 tác phẩm đạt giải Khuyến khích và 1 giải Thí sinh nhỏ tuổi.

Lực lượng công an với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn, vừa công khai, vừa ngấm ngầm các hoạt động chống phá Ðảng và Nhà nước ta. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã và đang đối diện với những khó khăn, thách thức mới.

Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ

Ðất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề vô cùng quan trọng. Văn hoá dân tộc là cội rễ bền vững của tâm hồn mỗi con người. Bản sắc văn hoá là linh hồn, là cốt cách riêng của mỗi dân tộc, là sức mạnh nội sinh để xây dựng đất nước phát triển.

Vai trò nòng cốt của ngành tuyên giáo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, vai trò của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh uỷ Cà Mau) là nòng cốt trong việc tham mưu, điều phối các hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, xấu, độc.

Hệ trọng công tác dân tộc, tôn giáo

Công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề hệ trọng, được Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chăm lo từ thể chế đến chủ trương, chính sách. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao; hoạt động tôn giáo ngày càng bình đẳng, ổn định, tự do trong khuôn khổ pháp luật. Những giá trị tốt đẹp của tôn giáo đã hoà quyện vào nền văn hoá truyền thống của dân tộc.

Giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc

Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, từ khi thành lập vào năm 2021 đến nay, hằng năm, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận và xử lý hàng ngàn tin giả, tin sai sự thật, dán nhãn tin giả và công bố công khai trên website www.tingia.gov.vn, bước đầu tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Bảo vệ chủ trương tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị

Công tác tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn với tinh giản biên chế đã, đang và tiếp tục được Ðảng, Chính phủ, bộ, ngành và hệ thống chính trị của cả nước thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Ðây là chủ trương lớn, là bước ngoặt, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Kiên quyết vững bước trên con đường đã chọn

Ðảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là tất yếu khách quan, là sự lựa chọn của lịch sử. Những thành tựu dưới sự lãnh đạo của Ðảng trong hơn 94 năm qua đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế nhưng, gần đây trên không gian mạng, các thế lực thù địch không ngừng nêu những quan điểm để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng ta, đòi đa nguyên, đa đảng... Ðó là quan điểm sai trái, thù địch muốn phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cần đấu tranh phản bác để đảm bảo sự lãnh đạo duy nhất của Ðảng ta trên con đường đã lựa chọn.