(CMO) Mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) mang lại nhiều lợi ích thiết thực, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi mua thực phẩm tại chợ này. Song, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 chợ được hỗ trợ xây dựng mô hình chợ ATTP, quá ít so với tổng số chợ trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc nhân rộng mô hình chợ ATTP là vấn đề cần được quan tâm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng số 71 chợ (có 3 chợ hạng 1, 7 chợ hạng 2 và 61 chợ hạng 3, chợ tạm). Nhìn chung, các chợ phát huy hiệu quả trong việc thu hút, tập trung lượng hàng hoá lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của Nhân dân.
Việc quản lý, phát triển chợ trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống mạng lưới chợ cơ bản được phân bố hợp lý, phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương. Tuy nhiên, ngoài một số chợ được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp có cơ sở vật chất cơ bản phù hợp quy mô hoạt động, còn lại phần lớn các chợ hoạt động lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích chật hẹp, chưa đảm bảo điều kiện ATTP, phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, một số chợ ở địa bàn nông thôn được xây dựng từ lâu, chưa có hệ thống xử lý chất thải, chưa phân chia khu vực chức năng theo nhóm hàng riêng biệt; trang thiết bị phục vụ kinh doanh thực phẩm còn thiếu và thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP. Vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng mô hình chợ ATTP gắn với chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài cho thương nhân, đơn vị quản lý khai thác chợ, người tiêu dùng phải có lộ trình thích hợp.
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của sở, ngành có liên quan, nhất là UBND các huyện, TP Cà Mau đã đóng góp ý kiến, đầu tư hoặc hỗ trợ kinh phí để xây dựng chợ đảm bảo theo các tiêu chí của chợ ATTP theo TCVN 11856:2017 trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 chợ theo mô hình chợ ATTP, trong đó TP Cà Mau có các chợ: Phường 5, Tắc Vân khu B, Tắc Vân khu A, Ðịnh Bình; chợ Nông sản thực phẩm thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; chợ thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi.
Việc xây dựng chợ ATTP giúp người dân yên tâm lựa chọn các mặt hàng nông sản thực phẩm tại chợ. (Ảnh chụp tại chợ Phường 5, TP Cà Mau). |
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, cho biết: “Mô hình chợ ATTP được xây dựng cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017, trước hết các quầy/sạp được xây dựng bê tông, ốp gạch đảm bảo vệ sinh; việc bố trí, sắp xếp các quầy/sạp kinh doanh các ngành hàng thực phẩm riêng biệt, tránh nhiễm chéo, khoa học; thường xuyên vệ sinh, thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường, một số thực phẩm có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, ATTP và an toàn phòng chống cháy nổ…”.
Ðược thành lập từ năm 2018, chợ ATTP Phường 5, TP Cà Mau có 85 sạp, với 50 tiểu thương kinh doanh mua bán các loại nông sản tươi sống như rau, củ, quả, gà, vịt, heo, cá… Chợ được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, các sạp/quầy được bố trí sắp xếp cao ráo, có các hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải và trang bị đầy đủ bình chữa cháy. Thời gian qua, Ban Quản lý chợ Phường 5 thường xuyên nhắc nhở tiểu thương nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðối với các mặt hàng gia súc, gia cầm nếu không có dấu kiểm dịch, nhất định không được lưu thông vào chợ.
Chị Huỳnh Xuân, tiểu thương mua bán gà vịt tươi sống tại chợ Phường 5, chia sẻ: “Ðược mua bán tại đây, tôi luôn ý thức việc đặt sức khoẻ người tiêu dùng lên hàng đầu, cho nên tôi lựa chọn sản phẩm sạch, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không vì lợi nhuận mà xem thường ATTP. Mình buôn bán phải có tâm. Mua riết rồi quen và biết đồ chất lượng nên quầy bán thịt gà, vịt của tôi luôn đông khách hàng”.
Ðược sự đồng tình, hưởng ứng của tiểu thương và người tiêu dùng trong việc xây dựng chợ ATTP đã góp phần thực hiện thành công việc xây dựng chợ ATTP theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, theo ông Dương Vũ Nam, hiện vẫn còn một số tồn tại như nguồn kinh phí địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ hạn chế. Việc vận động xã hội hoá gặp khó khăn do đầu tư phát triển chợ với kinh phí lớn, thu hồi vốn chậm, hiệu quả không cao, nhất là chợ nông thôn. Ða số các địa phương chưa có quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư xây dựng, mở rộng chợ ATTP theo quy định...
“Việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hoá thực phẩm gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng thuỷ sản thu mua trực tiếp từ người dân, cán bộ quản lý chợ kiểm tra chất lượng sản phẩm chủ yếu bằng cảm quan. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm được sản xuất, nuôi trồng theo hướng VietGAP, các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi chưa nhiều nên không có đủ nguồn để kết nối, cung cấp vào chợ”, ông Nam cho biết.
Ðể thúc đẩy phát triển mô hình chợ ATTP hiệu quả, thời gian tới, Sở Công thương phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, TP Cà Mau tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 12/11/2021, của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kinh doanh khai thác, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau tiếp tục hỗ trợ, triển khai nhân rộng chợ ATTP theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 và Quyết định số 1002/QÐ-UBND, ngày 22/6/2018, của Chủ tịch UBND tỉnh. Ðồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra việc sắp xếp mua bán trong chợ, tổ chức thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, quản lý ATTP tại chợ...
“Ðối với các bộ, ngành Trung ương, tiếp tục hỗ trợ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia cho tỉnh Cà Mau để địa phương tiếp tục xây dựng chợ đạt các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm. Ban hành các cơ chế, chính sách để huy động, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển chợ; UBND tỉnh phân bổ kinh phí để địa phương tiến hành đầu tư, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí của chợ kinh doanh thực phẩm”, ông Dương Vũ Nam kiến nghị./.
Quỳnh Anh