(CMO) Năm 2023, nông dân huyện Cái Nước sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng sinh thái, đa dạng đối tượng cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp - thuỷ sản trên cùng diện tích canh tác, nâng cao thu nhập.
Huyện Cái Nước có tổng diện tích nuôi thuỷ sản hơn 30 ngàn héc-ta. Bà con nông dân huyện sản xuất linh hoạt, tuỳ theo vùng sinh thái bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và tạo ra sản phẩm nông nghiệp - thuỷ sản mang nét đặc trưng riêng. Xã Trần Thới, Ðông Thới và Ðông Hưng là các địa phương nằm ven theo tuyến sông Bảy Háp, có biên độ thuỷ triều dao động lớn, nguồn nước chứa nhiều phù sa thích hợp cho con sò huyết sinh trưởng và phát triển, có hơn 1.000 hộ dân áp dụng mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, với diện tích tương đương 3.000 ha, năng suất đạt bình quân 1 tấn/ha/vụ. Sò huyết phát triển dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên thông qua phù sa mỗi khi lấy nước vào vuông tôm, nông dân không phải tốn kém chi phí thức ăn hay chế phẩm sinh học xử lý môi trường như các đối tượng thuỷ sản khác, tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất và công chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, từ đó nhiều hộ vươn lên khá, giàu từ nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm.
Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân khai thác hiệu quả mô hình nuôi tôm - cua kết hợp. |
Ông Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðông Thới, cho biết, cùng với mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, nông dân huyện Cái Nước còn duy trì mô hình nuôi cua kết hợp với tôm nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến hai giai đoạn và tôm quảng canh truyền thống, áp dụng theo hình thức luân canh gối vụ cho thu hoạch thường xuyên. Trung bình hàng năm, bà con thả nuôi hơn 25 ngàn héc-ta cua nuôi xen canh trong vuông tôm, chiếm gần 85% so với tổng diện tích nuôi thuỷ sản, năng suất đạt bình quân 120 kg cua thương phẩm/vụ/ha. Ðiểm nổi bật của mô hình là không đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư thấp, chủ yếu đầu tư con giống là chính, còn thức ăn cho cua được tận dụng nguồn cá tạp trong vuông tôm, nhưng giá cua thương phẩm trên thị trường luôn ổn định ở mức cao, mô hình nuôi cua xen canh trong vuông tôm luôn hiệu quả. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân duy trì, nhân rộng mô hình nuôi cua xen canh trong vuông tôm nhằm đa dạng đối tượng nuôi, tăng thu nhập trên cùng diện tích.
Không dừng lại đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện còn áp dụng nuôi cua xen canh trong vuông tôm theo hình thức bán thâm canh, bổ sung thức ăn thường xuyên giúp cua phát triển nhanh, nâng cao chất lượng cua thương phẩm và bán được với giá cao. Ông Trần Văn Ghi, ấp Tân Thuận, xã Tân Hưng, chia sẻ: “Ðể mô hình nuôi cua kết hợp trong vuông tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh lựa chọn con giống chất lượng thả nuôi, cần bổ sung thức ăn cho cua ở giai đoạn cuối, đảm bảo nguồn thức ăn dinh dưỡng cho cua chắc thịt và đầy đủ gạch, bán được giá cao. Với cách làm này, hàng năm, vào dịp Tết, gia đình thu nhập hơn 10 triệu đồng từ thu hoạch cua thương phẩm, chưa kể nguồn thu từ hơn 1 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến hai giai đoạn”.
Năm 2022, tiểu vùng Nam Cà Mau trên địa bàn huyện Cái Nước được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống thuỷ lợi, phát huy hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, ngăn triều cường, hình thành vùng sinh thái mặn - ngọt đan xen, không chỉ giúp nông dân sản xuất thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, kết hợp với mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, mà còn giúp bà con nông dân khai thác hiệu quả mô hình trồng rau trên bờ vuông tôm.
Ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, cho biết: “Nhờ hệ thống cống thuỷ lợi tiểu vùng Nam Cà Mau chống tràn, ngăn mặn kịp thời, vụ lúa tôm và tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa kết hợp với mô hình tận dụng bờ vuông trồng dưa hấu cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện gia đình đang tiếp tục cải tạo bờ vuông trồng màu trái vụ, dưới vuông thả nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn kết hợp với nuôi cua nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế hệ sinh thái mặn - ngọt đan xen, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế gia đình trong năm 2023 này”.
Thông qua nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả thuộc về thế mạnh địa phương giúp nông dân bố trí cây trồng, vật nuôi hợp phù hợp trên từng vùng sinh thái, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, qua đó góp phần cùng với cấp uỷ, chính quyền thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết phát triển kinh tế năm 2023./.
Việt Tiến