Ðể khắc phục tình trạng sạt lở kinh, rạch, ngoài việc nạo vét gia cố kinh mương, xã Khánh Tiến, huyện U Minh đã vận động người dân trồng mắm ven sông để chống sạt lở, bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả khả quan.
Khánh Tiến, huyện U Minh là một trong những địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Những năm qua, ngoài đê biển Tây, các tuyến kinh rạch trên địa bàn xã cũng bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến các công trình lộ nông thôn, gây bồi lắng kinh rạch và nhiều hệ luỵ khác.
Ðể khắc phục tình trạng trên, ngoài việc nạo vét gia cố kinh mương, xã đã vận động người dân trồng mắm ven sông để chống sạt lở, bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả khả quan.
Ông Phan Văn Ðậm ở Ấp 3, xã Khánh Tiến, được xem là người đầu tiên thực hiện mô hình này. Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến là bến sông của gia đình ông lại bị lở mất đi hàng thước đất. Nhưng nhờ thực hiện việc trồng mắm chống sạt lở, đến nay tình hình được cải thiện.
Với hàng mắm ăn rễ nhanh sau 2 tháng trồng, giờ ông Ngô Minh Phó không sợ lở đất. |
Ông Ðậm phấn khởi cho biết: “Ở đây nước chảy mạnh, tàu thuyền khai thác biển ra vào nhiều nên trước đây nó lở dữ lắm, dù tôi đã mua tràm về xịa cừ cũng không sao giữ được bến. Rồi một hôm, tình cờ đi chơi nhà ông bạn ở Ðất Mũi, thấy nhà ông bạn trồng cây mắm sóng vỗ vô ầm ầm vậy mà nó vẫn đứng tỉnh bơ. Vậy là về tôi quyết tâm tìm cây mắm con trồng xuống bến nhà mình. Ban đầu trồng cũng khó lắm, phải chăm sóc bảo vệ kỹ nó mới sống được. Giờ mắm lớn rồi, rễ đan ngày một nhiều hơn nên khả năng giữ bến rất tốt”.
Cũng là một trong những hộ tham gia trồng mắm ven sông chống sạt lở, chị Phan Thị Thắm ở Ấp 3, xã Khánh Tiến, cho biết: “Hồi đó, mỗi khi mùa mưa đến là thấy lo vì thời điểm này bến nó lở dữ lắm. Gia đình tôi dùng cây làm cừ bồi đất lên mỗi năm nhưng đâu cũng vào đấy, có những lúc định đổ luôn bê-tông nhưng thấy bên sông người ta làm được một thời gian rồi cũng bị lở nên thôi. Rồi thấy mấy anh em trong xóm trồng mắm hiệu quả nên mình trồng theo. Nhờ trồng mắm mà hơn 70 m đất dọc bờ sông của gia đình được giữ an toàn”.
Chính từ hiệu quả trên mà những năm qua các ban, ngành, đoàn thể xã Khánh Tiến đã nhân rộng mô hình. Mỗi năm khi thực hiện tháng thanh niên hay chiến dịch học sinh, sinh viên tình nguyện hè, Xã đoàn đều vận động các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia trồng mắm ven sông ở những nơi xung yếu để bảo vệ bờ sông cho người dân. Chỉ tính riêng trong đợt thực hiện Tháng Thanh niên và Chiến dịch học sinh, sinh viên tình nguyện hè năm 2015, lực lượng đoàn viên thanh niên đã trồng được hơn 4.000 m mắm chống sạt lở.
Bên cạnh đó, xã cũng đã thành lập được một đội thông tin tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng mắm ven sông. Từ đó ý thức của người dân trong việc trồng mắm chống sạt lở được nâng lên. Ông Ngô Minh Phó, Ấp 3, xã Khánh Tiến, người vừa mới nhân rộng thành công việc trồng mắm, chia sẻ: “Hồi trước ở đây lở dữ lắm, tôi có trồng hàng gừa để chống sạt lở nhưng không hiệu quả. Sau khi được Nhà nước nạo vét kinh bồi trúc chống sạt lở, tôi quyết định kiếm cây mắm giống về trồng. Ban đầu tôi trồng thấp ở dưới nước để cho mắm dễ sống. Vả lại, trồng mắm càng thấp càng tốt, vì trồng thấp nó ăn rễ từ từ lên là chắc chắn vô cùng. Hàng mắm của tôi trồng được hơn 2 tháng, giờ ăn rễ ngon lành, mình không còn sợ lở bến nữa”.
Không chỉ có ông Ðậm, bà Thắm hay ông Phó, mà hiện nay rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Tiến thực hiện việc trồng mắm chống sạt lở. Ông Phạm Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, cho biết: “Có thể nói, những năm trước đây tình trạng sạt lở ven sông trên địa bàn xã Khánh Tiến diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ người dân thực hiện mô hình trồng mắm chống sạt lở nên tình hình đã giảm đi rất nhiều. Phát huy những kết quả đạt được, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền nhân rộng mô hình trồng mắm ven sông trong Nhân dân, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình hình sạt lở”./.
Bài và ảnh: Trần Thể