(CMO) Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An… bắt đầu khôi phục sản xuất, trở lại với trạng thái bình thường mới trong điều kiện thiếu hụt nguồn lao động. Trước tình hình đó, Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau tập trung tuyên truyền, vận động người lao động tỉnh nhà quay lại làm việc, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH Cà Mau, chia sẻ: “Hiện tại, theo khảo sát, có gần 200 doanh nghiệp ngoài tỉnh ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An… đang có nhu cầu tuyển dụng trên 31.132 lao động. Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để người lao động Cà Mau tìm kiếm công việc, khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển kèm theo mức lương ưu đãi, chính sách an xã hội, hỗ trợ chăm lo sức khoẻ”.
Sát cánh cùng người lao động
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thời gian qua làm hàng ngàn lao động từ nhiều khu công nghiệp bỏ việc về quê, trong đó có Cà Mau. Trước tình hình trên, các địa phương kịp thời triển khai nhiều gói hỗ trợ, động viên tinh thần cũng như giúp người lao động vượt qua khó khăn về vật chất.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, thông tin: “Ðợt dịch thứ 4 xảy ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 doanh nghiệp phải đóng cửa tạm dừng hoạt động do thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Bình Dương là một trong những tỉnh thu hút rất nhiều lao động ngoài tỉnh về làm việc, sau khi giãn cách nới lỏng, một lượng lớn người lao động bị ảnh hưởng tâm lý nên rời doanh nghiệp về quê hương tránh dịch. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Ðặc biệt, chi hỗ trợ người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động...”.
Tỉnh Bình Dương là một trong nhiều tỉnh, thành có đông lao động ngoài tỉnh vào làm việc, học tập, trong đó có lao động tỉnh Cà Mau. Sau khi tình hình dịch bệnh tại địa phương này được kiểm soát, đồng thời vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 2 cũng phủ khắp, các doanh nghiệp tại Bình Dương bắt đầu khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, do có quá nhiều lao động rời Bình Dương về quê nên các doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn lao động.
Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam, tỉnh Bình Dương hiện đã trở lại hoạt động bình thường mới. Tuy nhiên, hiện tại nhà máy này đang rất cần số lao động lớn để đáp ứng đủ các đơn hàng trong và ngoài nước. Ðại diện Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam, thông tin, với quy mô sản xuất hiện tại gần 9.000 lao động, thời điểm này công ty đang cần tuyển thêm trên 3.500 lao động để đáp ứng các dây chuyền sản xuất, phục vụ đủ công suất nhà máy. Với những chính sách đãi ngộ nhân viên, từ phụ cấp ăn uống, hỗ trợ lao động có con nhỏ, tàu xe…, lao động có thu nhập từ 7-11 triệu đồng/tháng.
Chị Trần Thị Kiều Tiên, huyện Thới Bình bám trụ làm việc tại Công ty TNHH Bowker Việt Nam khi dịch bệnh bùng phát. |
Chị Lam Thị Xương, quê ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, hiện là Quản đốc Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam, với thâm niên trên 5 năm. Chị Xương bày tỏ: “Ðợt dịch vừa qua gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội, trong đó tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, người lao động ngoài tỉnh như chúng tôi. Lúc bùng dịch ai cũng lo sợ, hoang mang nhưng rồi bình tĩnh lại khi được sự quan tâm của doanh nghiệp. Ðời sống, sức khoẻ người lao động được bảo đảm nên chúng tôi quyết tâm bám trụ lại công ty để làm việc. Khi thực hiện làm việc “3 tại chỗ”, lao động nhận rất nhiều khoản ưu đãi từ công ty. Hiện tại, các khâu do tôi quản lý còn thiếu nhiều lao động, đây là cơ hội cho lao động Cà Mau tìm kiếm việc làm tại đây”.
Cơ hội việc làm mới cho lao động
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Texgamex-VN, chuyên đào tạo lao động xuất khẩu nhanh chóng thích ứng, chuyển hình thức đào tạo sang trực tuyến và ngay cả nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng thế. Các chương trình phối hợp đưa lao động đi làm việc nước ngoài, đặc biệt là người lao động làm việc tại Nhật Bản được công ty phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau (thuộc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) làm cầu nối, giúp người lao động Cà Mau có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập cao.
Bà Trương Nguyễn Quế Chi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Texgamex-VN, lý giải: “Thời gian qua, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng công tác phối hợp đưa người lao động Cà Mau đi lao động Nhật Bản vẫn liên tục kết nối. Một tín hiệu vui là sắp tới đây các doanh nghiệp, nghiệp đoàn Nhật Bản tuyển dụng lao động bắt đầu mở cửa sản xuất, do đó họ rất cần nguồn lao động. Ðây là cơ hội vàng cho lao động khi thị trường lao động Nhật Bản thông thoáng hơn trong thời điểm này. Nhiều đơn hàng đi lao động vừa rồi có khi trên đạt 80%, nhiều thực tập sinh, lao động trong nước được thuận tiện nhập cảnh lao động tại Nhật Bản”.
“Chương trình tuyển dụng lao động đi làm việc nước ngoài được trung tâm kết nối với các công ty xuất khẩu lao động tư vấn, đào tạo đều chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, đây là điều kiện thuận lợi cho người lao động trong thời điểm dịch bệnh. Dù dịch bệnh tác động gây ảnh hưởng nhiều nhưng các chương trình xuất khẩu lao động vẫn thực hiện liên tục nhằm đào tạo, tư vấn kịp thời. Một khi thị trường lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc mở cửa thì đơn vị mình đã có sẵn nhân lực, vật lực, đủ điều kiện cung ứng nguồn lao động chất lượng cho đối tác”, bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, thông tin.
Không chỉ là cơ hội vàng từ chương trình đưa lao động làm việc nước ngoài, ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng tạo mọi điều kiện tuyển dụng, thu hút lao động trở lại làm việc tại công ty, nhà máy.
“Thực tế, dây chuyền sản xuất của ECCO hiện đang cần khoảng 200 lao động làm việc đến Tết. Lao động ở miền Tây lên thì công ty sẽ phỏng vấn ngay, nếu đạt sẽ được công ty đón tận nơi. Người lao động sẽ được tiêm vắc-xin, theo dõi, xét nghiệm đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19 và mức lương từ 9-12 triệu đồng/tháng, tuỳ khâu sản xuất. Năm sau, công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng hơn 600 lao động nữa để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đơn hàng xuất khẩu”, bà Nguyễn Ðỗ Hiệp Hoà, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH ECCO Việt Nam tại tỉnh Bình Dương, cho hay.
Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động đến hơn 28,2 triệu người trong độ tuổi lao động. Lao động có việc làm giảm, sự dịch chuyển lao động giữa các địa phương làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, gây chia cắt cục bộ, nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều công ty, doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất.
Ðể đưa người lao động trở lại làm việc, tăng nguồn lao động, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin, Chính phủ tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp chính: Ðảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc; kết nối, điều tiết cung - cầu lao động.
Hằng My