(CMO) Hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến chủng mới nguy hiểm, tác động mạnh đến nền kinh tế nhiều nước là đối tác lớn của Việt Nam. Theo đó, nhiều loại nông, lâm, thuỷ sản đang gặp khó khăn về đầu ra, giá cả xuống thấp, khiến người dân điêu đứng.
Khó tìm đầu ra
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn có gần 40 trang trại nuôi cá sấu với số lượng trên 23.000 cá thể. Riêng hộ nuôi nhỏ lẻ cũng tương đương số lượng trên. Con cá sấu từng là đối tượng nuôi mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cá sấu thương phẩm trên thị trường luôn ở mức thấp (khoảng 60.000-65.000 đồng/kg), trong khi giá thành chăn nuôi của người dân khoảng 80.000-90.000 đồng/kg. Dù giá rất thấp nhưng lại khó bán vì các công ty thu mua, chế biến sản phẩm từ da cá sấu đang phải thu hẹp sản xuất, giảm mua nguyên liệu do đầu ra khó khăn.
Hiện nay, giá cá sấu thương phẩm đang dao động từ 60.000- 65.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ rất chậm. Ảnh: H.VŨ |
Ông Trần Văn Gần, một người nuôi cá sấu lâu năm ở thị trấn U Minh, huyện U Minh, cho biết: “Hiện nhà tôi đang có 100 con cá sấu đang chờ ngày xuất chuồng, nhưng vì dịch Covid-19, thương lái không dám mua nhiều, giá lại giảm mạnh. Giờ đây, bình quân mỗi con cá sấu bán ra tôi phải lỗ khoảng 500.000 đồng. Tính chung, tổng thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Trong khi từ trước tới giờ thu nhập của cả nhà tôi chỉ trông chờ vào bầy cá sấu này”.
Ngoài cá sấu, cá chình, cá bống tượng cũng gặp khó khăn vì đầu ra và giá giảm. Theo ghi nhận từ các hộ dân, do xuất khẩu gặp trở ngại, thị trường nội địa tiêu thụ chậm, có lúc thương lái ngừng thu mua, hoặc mua cá chình, bống tượng với giá rất thấp. Cá bống tượng có lúc chỉ còn từ 150.000-200.000 đồng/kg; còn cá chình thương lái thường thu mua với số lượng nhỏ.
Ngoài con cá sấu, cá chình và cá bống tượng cũng đang "bế" đầu ra. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Theo dự báo, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản năm nay rất khó lường và có thể còn tiếp tục khó khăn do diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp cả trong và ngoài nước. Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức vào trung tuần tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lo ngại: Các địa phương có dịch bệnh đều có chung một đặc điểm là có đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hoá về Hà Nội, nối liền với các trung tâm kinh tế thương mại của miền Bắc. Cụ thể như: Quốc lộ 1 nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn, đường cao tốc nối Sân bay quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 10 nối Hải Phòng - Thái Bình - Nam Ðịnh - Ninh Bình… có nguy cơ kéo dài thời gian, ứ đọng hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Cũng tại hội nghị này, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước càng cần được chú trọng. Thời gian tới, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn công tác vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, đảm bảo việc lưu thông hàng hoá của các vùng trồng, đặc biệt là các vùng nông sản có diện tích lớn, thu hoạch tập trung. “Thời gian qua, UBND các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo rất sát sao trong xây dựng kế hoạch, giải pháp tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo đầu ra cho nông sản, hạn chế tình trạng ùn, ứ cục bộ như đã từng xảy ra”, ông Hoàng Anh Tuấn đánh giá.
Ðể tháo gỡ khó khăn này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo các địa phương cần áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động trong tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản trong điều kiện dịch Covid-19. Việc đẩy mạnh và tăng cường các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa có vai trò rất quan trọng. Ðồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Ðặc biệt, các nhà máy chế biến nông sản tăng cường công suất tập trung cho phân khúc hàng khô, hàng sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây đóng lon… chuẩn bị tốt nhất cho phương án hậu dịch Covid-19 cho thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng dẫn đến hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm, người lao động thiếu việc làm. Ði cùng với đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho. Ðặc biệt, hệ thống kho lạnh bảo quản nông, thuỷ sản rất hạn chế. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông, thuỷ sản với công suất 700.000 palet và hàng ngàn kho lạnh nhỏ với công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản, thuỷ sản phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, nhất là khu vực ÐBSCL.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị, khu vực sản xuất, chế biến và bảo quản nông, thuỷ sản đòi hỏi chi phí lớn, do thời gian kéo dài, nên Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù ứng phó Covid-19. Trong đó, có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, HTX, nông dân được khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất vay. Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng những giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Ðặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi hoá công tác thông quan và hạ tầng logistic./.
Trung Ðỉnh