Hiện tỉnh đang chuẩn bị cho sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Cà Mau 2024 (CamaUP’24). Phóng viên Báo Cà Mau có trao đổi với ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), xung quanh công tác này.
- Dự án “Cua Biển Việt – Tạo nên sự khác biệt” giành giải Ba cuộc thi khởi nghiệp khu vực
- Trao cơ hội khởi nghiệp
- Cùng kết nối mạng lưới khởi nghiệp
Cuộc thi khởi nghiệp đã giúp nhiều chủ thể khởi nghiệp thành công bằng việc phát triển, xây dựng thương hiệu từ các đặc sản vùng miền. (Ảnh chụp tại sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp năm 2023).
- Thưa ông, so với các năm trước, CamaUP’24 sẽ có những điểm mới gì?
Ông Triệu Thanh Tuấn: Ngày hội Khởi nghiệp Cà Mau (CamaUP) năm nay, chúng tôi tập trung vào chuẩn hoá các chương trình và bộ nhận diện thương hiệu cho sự kiện. Ngoài ra, so với các năm trước, CamaUP’24 sẽ có nhiều hoạt động mới hơn. CamaUP’24 hứa hẹn sẽ là ngày hội tôn vinh các startup tiềm năng nhất của năm từ Cuộc thi Khởi nghiệp (Cama-COMPETITION) và mở ra cơ hội kết nối nguồn lực với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với các chương trình như: Kết nối khởi nghiệp (Cama-NETWORKING), Diễn đàn khởi nghiệp (Cama-FORUM) và Ðầu tư khởi nghiệp (Cama-INVESTMENT). Bên cạnh đó, đây sẽ là nơi để các startup trưng bày và quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình đến với người tiêu dùng thông qua chương trình Triển lãm khởi nghiệp (Cama-EXXHIBITION) và Hội thi Quảng bá sản phẩm và dịch vụ (Cama-ADVERTISEMENT).
- Ðược biết, trước sự kiện CamaUP’24, iPEC sẽ tổ chức cuộc thi khởi nghiệp. Theo ông, cuộc thi này có ý nghĩa như thế nào?
Ông Triệu Thanh Tuấn: Ðối với hệ sinh thái khởi nghiệp, Cuộc thi Khởi nghiệp Cà Mau đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và hỗ trợ các startup tiềm năng, tạo động lực và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tạo cầu nối giữa các startup với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các bên liên quan khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ðối với các startup, đây là cơ hội tuyệt vời để tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư và hỗ trợ về chuyên môn, kỹ năng quản lý, kết nối mạng lưới..., từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực. Trong thời gian tham gia cuộc thi, các startup được trau dồi kiến thức, kỹ năng và hoàn thiện ý tưởng kinh doanh của mình. Qua đó, các startup có cơ hội học hỏi từ những kinh nghiệm thực tế của các startup khác và chuyên gia trong lĩnh vực, từ đó phát triển bản thân và doanh nghiệp (DN) của mình một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc tham gia và đạt thành tích cao trong cuộc thi khởi nghiệp sẽ giúp startup nâng cao nhận thức về thương hiệu, thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và đối tác kinh doanh.
Ngày hội Khởi nghiệp năm nay sẽ tập trung vào chuẩn hóa các chương trình và bộ nhận diện thương hiệu cho sự kiện. (Trong ảnh: Không gian Ngày hội Khởi nghiệp năm 2023).
- Liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, được biết, đến nay Top 10 dự án khởi nghiệp năm 2023 vẫn chưa gửi hồ sơ để xin đầu tư, hỗ trợ. Vậy nên, theo chức năng, thẩm quyền, thì năm nay iPEC sẽ có động thái gì để giúp chủ thể mạnh dạn hơn trong công tác này?
Ông Triệu Thanh Tuấn: Đây thật sự là điều đáng tiếc! UBND tỉnh hàng năm đã dành một nguồn lực nhất định để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp có tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, năm nay không có dự án nào tham gia nhận hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh. iPEC với vai trò tham mưu cho Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp thực hiện nội dung này, chúng tôi đã chủ động liên hệ từng chủ dự án để hướng dẫn viết hồ sơ và thực hiện các thủ tục tham gia chương trình. Nguyên nhân chính theo tôi nghĩ, là do chủ các dự án vẫn chưa mạnh dạn thành lập DN để nhận các gói hỗ trợ này, vì một trong những điều kiện để tham gia chương trình là các chủ dự án phải là DN.
Trong thời gian sắp tới, iPEC sẽ triển khai các biện pháp, như tăng cường thông tin, tư vấn hỗ trợ pháp lý, cũng như tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo nhằm khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể hiểu rõ hơn về lợi ích của việc thành lập DN cũng như quy trình quản lý, vận hành DN. Ngoài ra, iPEC cũng sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ từ chương trình này, không chỉ giới hạn là chủ các dự án đoạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, để hỗ trợ được cho nhiều DN hơn trong thời gian tới.
- Thực tế, nhiều hộ kinh doanh chưa hiểu rõ quy trình, cách thức và hiệu quả của việc thành lập hộ kinh doanh, DN để tham gia vào các dự án lớn về khởi nghiệp. Ông có thông điệp gì muốn gởi đến các chủ thể, thưa ông?
Ông Triệu Thanh Tuấn: Tôi xin chia sẻ thông điệp ngắn đến mọi người - những người đang mong muốn trở thành một doanh nhân trong tương lai như sau: Các bạn hãy “Nắm vững quy trình, Hiểu rõ pháp lý, Xác định mục tiêu, Hợp tác và chia sẻ ý kiến".
"Nắm vững quy trình": Trước khi bắt đầu, hãy nắm vững quy trình thành lập DN; các bước cần thiết, các tài liệu cần chuẩn bị và các yêu cầu pháp lý liên quan.
"Tìm hiểu pháp lý": Ðừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn pháp lý từ iPEC, thành viên trong CLB Khởi nghiệp, CLB Doanh nghiệp hoặc tổ chức có chuyên môn, để hiểu rõ hơn về các yêu cầu và tránh các rủi ro pháp lý.
"Xác định mục tiêu và phương pháp": Trước khi bắt đầu, hãy xác định rõ mục tiêu kinh doanh của bạn và lựa chọn loại hình DN phù hợp nhất. Có thể là hộ kinh doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hoặc các loại hình DN khác tùy thuộc vào nhu cầu và mục tiêu cụ thể.
"Hợp tác và hỏi ý kiến": Ðừng ngần ngại hỏi ý kiến từ những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các cộng đồng DN, diễn đàn trực tuyến và các buổi hội thảo có thể là nguồn thông tin quý giá. Ngoài ra, iPEC cũng là một kênh tư vấn hỗ trợ cho các DN. Nếu có bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào cần hỗ trợ, tư vấn, xin hãy liên hệ với iPEC.
- Xin cảm ơn ông!
Phú Hữu thực hiện