Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tranh thủ các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên phụ nữ được tiếp cận vay vốn ưu đãi, từ đó mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế.
Năm 2019, vô tình tìm được nguồn tiêu thụ nguyên liệu năn tượng và nhận thấy nguồn năn tượng dồi dào ở địa phương, chị Nguyễn Thanh Thuý, ấp Nhà Máy B, quyết định khởi nghiệp công việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thủ công từ năn tượng.
Ban đầu, do chưa có vốn nên chị Thuý còn chật vật trong việc mua nguyên liệu. Trước khó khăn đó, Hội LHPN xã tạo điều kiện để chị tiếp cận vay Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng.
Chị Thuý cho biết: “Có được số vốn, tôi mua năn tượng tại địa phương và các huyện lân cận với số lượng lớn, giao cho công ty. Ngoài ra, tôi còn đan thủ công túi xách, khay... bằng năn tượng, do công ty đặt hàng”.
Chị Nguyễn Thanh Thuý được vay vốn từ Ngân hàng chính sách đã khởi nghiệp hiệu quả với công việc thu mua và đan các sản phẩm thủ công từ năn tượng.
Chị Thuý vận động phụ nữ tại địa phương tham gia đào tạo nghề và gia công các sản phẩm thủ công từ năn tượng. Mỗi tháng, cơ sở của chị làm ra trên 1.000 sản phẩm thủ công từ năn tượng, xuất bán khoảng 3 tấn năn tượng nguyên liệu, mang lại lợi nhuận từ 10-15 triệu đồng.
Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị Thuý giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động nữ nhàn rỗi ở địa phương. Chị Tạ Thị Sen (ấp Nhà Máy B) cho biết: “Tôi làm cho chị Thuý từ khi cơ sở mới thành lập, đến nay cũng đã 5 năm. Công việc của tôi là đan gia công các sản phẩm từ năn tượng. Với công việc này, tôi tranh thủ thời gian nhàn rỗi, có thêm thu nhập”.
Còn với chị Ðoàn Thị Luống (ấp Nhà Máy A), tận dụng nguồn nguyên liệu cá phi dồi dào ở địa phương, chị quyết định khởi nghiệp với công việc làm chả cá phi. Tuy nhiên, trước đây chỉ làm số lượng vừa, cung cấp nhỏ lẻ tại địa phương. Năm 2020, chị Luống được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính sách với 30 triệu đồng, cộng với số vốn từ gia đình, chị Luống đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất.
Mô hình làm chả cá phi của chị Ðoàn Thị Luống (bên phải) mang lại thu nhập tương đối cho gia đình.
Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của chị Luống cung cấp ra thị trường từ 4-5 tấn chả cá phi. Chị Luống chia sẻ: “Có được nguồn cá tươi tại địa phương nên sản phẩm chả làm ra khá chất lượng. Với công thức chế biến theo cách truyền thống của gia đình, chả cá phi của tôi tạo được ấn tượng với khách hàng”.
Chả cá phi bán với giá 65 ngàn đồng/kg, mỗi tháng trừ hết chi phí, chị Luống lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của chị còn tạo việc làm cho 10 lao động nữ tại địa phương, giúp chị em có được thu nhập ổn định hằng tháng.
Chị Ðoàn Thị Thương (ấp Nhà Máy A) chia sẻ: “Công việc của tôi là làm sạch cá trước khi đem xay chả, làm việc theo năng suất và nhận lương theo sản phẩm, mỗi ngày được từ 100-200 ngàn đồng”.
Sau nhiều năm nỗ lực nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, năm 2024, sản phẩm chả cá phi của chị Luống được công nhận là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Tân Phú.
Chị Ðường Thị Út Lợi, Chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: “Ðối với phụ nữ khó khăn, vốn tín dụng là điểm tựa vững chắc để hội viên được trao cơ hội, giúp họ tự chủ, tự tin hơn để mạnh dạn khởi nghiệp. Bên cạnh triển khai hiệu quả nguồn vốn uỷ thác, Hội vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên thực hành tiết kiệm thông qua các tổ hùn vốn, tổ nuôi heo đất... Nhờ tận dụng hiệu quả nguồn vốn nội và ngoại lực, đời sống hội viên phụ nữ xã ngày càng nâng cao”./.
Phương Thảo