ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 2-5-25 13:34:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ chuyến đò xưa

Báo Cà Mau (CMO) Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, dài hơn 7.000 km, chiếm trên 3% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với đặc thù này, đời sống người dân Cà Mau gần như gắn liền với xuồng, ghe, nhất là thời điểm lộ nông thôn chưa phát triển. Trong số các phương tiện thuỷ mưu sinh, có lẽ hình ảnh những chuyến đò chở khách xuôi ngược đã trở thành một phần ký ức đẹp trong tâm trí rất nhiều người dân vùng sông nước Cà Mau.

Vừa rồi, chúng tôi có dịp ngồi trên chuyến đò từ trung tâm TP Cà Mau men theo sông Gành Hào đổ ra sông Cửa Lớn, xuôi về Ðất Mũi. Ngắm cảnh sông nước mênh mông, tôi bâng khuâng nhớ về những chuyến đò năm xưa. Ðộ khoảng 15-20 năm về trước, lộ xe chưa phát triển, để đi các tuyến từ Cà Mau về Ðầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Rạch Gốc, Ðất Mũi thì hầu như bà con đều phải đi bằng đò. Bến tàu A, Bến tàu B thời ấy trở thành địa chỉ quen thuộc đối với người dân tuyến huyện khi bắt đò lên Cà Mau và ngược lại.

Trong ký ức, tôi nhớ nhất hình ảnh con đò lớn bằng gỗ có chiều ngang hơn 4 m, dài trên 20 m. Bên trong khoang rộng và dài như một căn nhà cấp 4, hai bên be có đóng dãy ghế cho hành khách ngồi, phía trên có cửa sổ vừa tầm mắt để khách ngắm cảnh ven sông. Cánh thanh niên trẻ, khoẻ trèo hẳn lên mui tàu đò hóng gió. Có hôm khách nhiều, chủ đò phải bắc thêm ghế súp ở giữa lườn tàu cho khách ngồi. Ðò lớn di chuyển chậm, lại phải đón khách dọc đường nên chủ hay trang bị cả những chiếc võng để khách nằm nghỉ lưng. Dù đường xa nhưng khách cũng không sợ đói, khát, khi có cả người bán hàng rong trên đò, hoặc xuồng bánh bao, hàng nước chào mời mỗi khi tàu cập bến rước khách. Ngoài con đò gỗ, về sau này, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho khách muốn di chuyển nhanh, thoải mái, với giá từ trung bình đến hạng cao cấp, các chủ đò chuyển sang đầu tư nhiều phương tiện hiện đại hơn, như: tốc hành, ca nô... Tất cả làm nên dấu ấn đặc trưng vùng sông nước Cà Mau và hằn sâu vào ký ức thân thương của bao người.

Tàu gỗ neo đậu đoạn gần chân cầu Huỳnh Thúc Kháng, Phường 7, TP Cà Mau.

Những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ tỉnh Cà Mau có bước phát triển vượt bậc, theo đó, những tàu đò đưa khách trên sông, rạch cũng dần lùi vào quá khứ, còn số ít chỉ chuyên chở hàng hoá chứ hiếm có khách đi.

Tôi lần theo con tàu gỗ đang neo đậu đoạn gần chân cầu Huỳnh Thúc Kháng, Phường 7, TP Cà Mau, tìm đến gia đình ông Ngô Thanh Tú, một tài công. Gia đình ông Tú có 3 đời gắn bó với nghề chạy đò ở Cà Mau.

Ông Ngô Thanh Tú gắn bó với nghề tài công gần 30 năm.

Ông Tú nhớ lại: “Xưa tôi ở huyện Thới Bình, ra đây làm tài công, lơ tàu, rồi phải lòng con gái ông chủ. Ba vợ tôi là ông Nguyễn Bình Thu, chủ tàu đò Tân Hưng Phát ngày xưa. Theo lời ba vợ thì ông cũng tiếp nối nghề này từ đời trước, đến khoảng năm 2000, tàu gỗ không còn thịnh hành nữa thì gia đình bán bớt tàu lớn, chuyển sang tàu nhỏ hơn (tốc hành)”.

“Hiện nay, gia đình chỉ còn giữ lại 2 tàu gỗ lớn lấy tên Phước Minh, chuyên vận chuyển hàng hoá. Cứ 3-4 ngày tàu chạy một chuyến, chủ yếu chở hàng hoá chứ không còn cảnh nhộn nhịp, tranh khách như xưa. Nghĩ về một thời hoàng kim, tôi có phần ngậm ngùi, nhưng vì niềm đam mê với tàu đò xưa cũ nên tôi vẫn theo nghề cho đến tận bây giờ”, ông Tú bộc bạch.

 Ông Tú sắp xếp hàng hoá trên mui tàu, chuẩn bị cho chuyến về huyện Năm Căn, Ngọc Hiển.

Tôi tìm gặp anh Lâm Ðạt Minh, chủ chiếc tốc hành Tấn Mãi chạy tuyến Cà Mau - Thanh Tùng, khi tàu đang cập bến chợ Phường 7, TP Cà Mau. Anh Minh kể, khi mới 14 tuổi, anh đã theo tàu tốc hành đứng mũi đón khách. Thời đó tàu rất đông khách, có khi chở 40-50 lượt khách/chuyến, tuy cực nhọc, nguy hiểm nhưng đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Nhất là những chuyến đò khuya, trời tối, đò lái về những con kênh, sông nhỏ vùng nông thôn, phải lách qua nhiều chướng ngại vật, trong vai trò người đứng mũi, anh phải tập trung, quan sát từ xa, soi đèn, báo hiệu, hỗ trợ tài công bẻ lái an toàn cho mỗi chuyến đi, về.

Từ khoảng năm 2015 đến nay, lộ giao thông phát triển rộng khắp, đò vắng bóng khách, chủ đò gần như chỉ làm bạn với hàng hoá, so về lợi nhuận cũng tương đương, tuy nhiên hàng hoá phải bốc vác, vận chuyển lên, xuống nên có phần vất vả hơn.

 Anh Lâm Đạt Minh (bìa trái), chủ chiếc tốc hành Tấn Mãi chạy tuyến Cà Mau - Thanh Tùng, phụ chuyển hàng hoá xuống đò.

“Nhiều khi thấy nhớ những chuyến đò năm xưa, nhưng phải chấp nhận theo xu hướng phát triển của thời đại”, anh Minh bùi ngùi nhớ về một thời hoàng kim của những chuyến đò đưa rước khách.

Buổi sáng, cạnh những dãy nhà ven sông Phường 7, người đứng mũi tàu tháo cọng dây thừng buộc ở trụ xi măng, ra hiệu cho tài công rời bến. Tiếng còi tàu hú vang liên hồi, nhưng không còn không khí nhộn nhịp, hối hả, người người nối nhau bước xuống đò, tay xách nách mang như năm xưa. Ông Ngô Thanh Tú ngồi trong buồng lái quay vô lăng đưa tàu chở nặng hàng hoá rời bến xuôi về huyện Năm Căn, Ngọc Hiển. Tàu khuất xa dần, để lại làn sóng to, bạc trắng dạt vào hai bên bờ, cùng với nỗi nhớ miên man về những chuyến đò kỷ niệm của ngày xưa!

 

Loan Phương

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.