(CMO) Trên tuyến lộ Cà Mau - U Minh có nhiều vựa cừ tràm (tập trung đoạn đường qua xã Nguyễn Phích, với khoảng 20 điểm). Mọi việc ở đây từ khâu khai thác cho đến vận chuyển tràm đều cần nhân công. Vì vậy, các chủ vựa tràm cần có lực lượng nhân công mạnh khoẻ và nhiệt huyết với nghề, đó là những lao động "vác cừ tràm mướn" chuyên nghiệp.
Hoạt động mua bán tại các vựa tràm diễn ra nhộn nhịp quanh năm. Mỗi ngày có hàng trăm phương tiện của thương lái từ nhiều tỉnh, thành đến thu mua cừ tràm.
Khu vực tuyến lộ Cà Mau đi U Minh thuộc địa phận xã Nguyễn Phích như chợ “đầu mối” trong việc thu mua và cung cấp ra thị trường hàng năm với số lượng cừ tràm khá lớn.
Các điểm tập kết cừ tràm với số lượng lớn, đủ cỡ cung cấp ra thị trường. |
Để việc vận chuyển, mua bán, giao thương dễ dàng, mỗi vựa cừ tràm thường thuê từ 10-15 nhân công khai thác, vận chuyển tràm từ rừng đến tập kết tại các vựa.
Dù công việc khá nặng nhọc, nhưng vẫn có nhiều người chọn nghề vác cừ tràm mướn với mong muốn có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Gắn bó nghề vác cừ tràm mướn lâu năm, ông Trần Văn Thuận, 63 tuổi, Ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi trước đây rất khó khăn, từ xã Hoà Tân (TP Cà Mau) tôi về đây hơn 25 năm. Lúc mới nhận đất, nhận rừng, cuộc sống gia đình gặp khó khăn do tràm không có giá, tôi chuyển sang trồng lúa, cũng không đạt hiệu quả bởi đất nhiễm phèn. Tôi phải làm thuê từ phát quang rừng cho tới đi trồng rừng, khai thác tràm mướn, rồi bén duyên với nghề vác cừ tràm. Tôi làm nghề vác cừ tràm được gần 12 năm. Hiện đã lớn tuổi nên chỉ phụ chuyển tràm đưa lên xe tải thôi, vác không nổi. Trung bình mỗi ngày tôi và mấy cháu làm ở đây kiếm được 200.000-250.000 đồng, có cháu kiếm được hơn 300.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Anh Nguyễn Văn Xương, Ấp 13, xã Nguyễn Phích mỗi ngày kiếm được trên dưới 300.000 đồng từ nghề vác tràm. |
Lau vội mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm đen vì nắng và bụi của vỏ tràm, anh Nguyễn Văn Xương, Ấp 13, xã Nguyễn Phích, tâm sự: “Làm nghề này không khó, nhưng đòi hỏi phải có sức khoẻ, nếu không quen sẽ không trụ được lâu. Công việc vác cừ tràm từ dưới ghe lên bờ không nhẹ, mỗi cây tràm tươi loại lớn nặng từ 10-15 kg, một người vác từ 3-4 cây”.
Buổi trưa, dưới bóng mát các bụi cây ven đường, mọi người dọn cơm ra ăn. Cơm được chuẩn bị sẵn đem theo, có người đem cá phi kho, cá phi chiên, cá rô tôm tích kho khô, người thì đem thịt kho hột vịt và đủ các loại canh. Buổi cơm trưa quây quần, ấm cúng như một gia đình.
Lo xong cái bụng, ông Thuận vội lấy điếu thuốc bật lửa đốt và hít một hơi thật dài rồi quay sang trò chuyện với mọi người… Có người ngồi dựa gốc cây, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi vì buồn ngủ, có người nằm dưới bụi cây tranh thủ ngủ vài phút để tiếp tục công việc trong ngày.
Vận chuyển cây tràm ra điểm tập kết để bán. |
Họ là những người lao động đến từ nhiều nơi, trong tỉnh, ngoài tỉnh. Như anh Thạch Đươl (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đã có hơn 8 năm làm nghề vác cừ tràm mướn cho các vựa cừ tràm ở xã Nguyễn Phích này.
Cha mẹ mất sớm, anh lập gia đình, vì mưu sinh, gia đình anh về Nguyễn Phích lập nghiệp và bén duyên nơi đây. Mỗi ngày anh có thể vác đến hàng trăm cây tràm đủ cỡ, thu nhập trên 300.000 đồng.
Anh Thạch Đươl cho biết: “Gia đình hiện có 2 ha đất rừng trồng tràm được 3 năm tuổi, nhờ nghề vác mướn mới nuôi được 4 người, trong đó 2 con đang tuổi ăn học. Nhà tôi cách nơi làm khoảng 6 cây số. Hàng ngày vợ nấu cơm cho tôi đem theo ăn buổi trưa, công việc làm xong mới về. Có ngày tràm nhiều, anh em phải tranh thủ vác cho xong mới nghỉ, về đến nhà đã tối”.
Cây tràm U Minh được cung cấp cho công trình kè đê biển Tây những năm qua với số lượng lớn. |
Cho dù công việc có nặng nhọc, nhưng chỉ cần nhận được điện thoại là các anh đến làm ngay. Tất cả đều mong có việc làm thường xuyên để có tiền lo cho con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Phích Phan Văn Đằng cho biết: "Toàn xã hiện có hơn 2.177,41 ha rừng tràm và keo lai, có khoảng hơn 300 lao động vác cừ tràm mướn. Chợ tràm này là nơi mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn".
Bữa cơm đạm bạc của người lao động tại chợ tràm. |
Giữa trời trưa nắng, một số anh lấy chiếc nón tai bèo úp vào mặt và tranh thủ chợp mắt đôi ba phút để lấy sức, tiếp tục phần việc còn lại buổi chiều. Nhìn các anh, tôi thầm mong đôi chân và bờ vai các anh luôn cứng cỏi, mạnh khoẻ để làm nghề và có thu nhập chăm lo cho cuộc sống gia đình./.
Hoàng Vũ