ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 10:50:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những chiếc tàu không ra khơi

Báo Cà Mau (CMO) Anh Phạm Trường Giang, Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, lục lọi lại mớ can dầu rỗng không dưới ghe, sau cái thở dài, anh nói: “Ghe nằm bến cả tháng trời rồi, chắc phải đi Bình Dương làm công nhân thôi, đâu có cách nào khác”.

Theo tầm tay anh chỉ, cả tuyến kênh Phòng Hộ ven biển Tây, ăn thông ra cửa biển Cái Đôi Vàm, ghe tàu đậu la liệt. Anh quả quyết: “Bây giờ bảy, tám chục phần trăm tàu đậu ở nhà hết. Nói thiệt, dân làm nghề đánh bắt ở đây hết cầm cự nổi rồi. Mấy anh tính coi, cái can dầu 30 lít này trước có gần 500.000 đồng, giờ cả triệu bạc. Chạy ghe ra biển là cầm chắc lỗ vốn, vậy thì đi làm gì”...

Lần mò những can dầu trống không, ghe biển nằm nhà, anh Phạm Trường Giang dự định bỏ nghề biển, đi làm công nhân.

Cái Đôi Vàm... buồn lạ!

Cửa Cái Đôi Vàm, chúng tôi đi đã mòn chân, nhưng lần này, xứ biển có gì khang khác. Hình như cái mùi biển, mùi cá tôm đặc trưng nơi đây cũng nhạt nhoà hơn. Cũng tầm này, những mùa biển trước, ngư dân đang mải miết đón luồng cá cơm, ruốc, cá khoai... Dãy nhà xóm biển Phòng Hộ chỉ đông người lúc xế chiều, chạng vạng, nhưng mỗi chuyến ghe về là nụ cười giòn tan. Còn bây giờ, người người ở nhà, ghe thuyền dưới bến, nhưng không khí trầm lặng, ủ rũ phủ trùm.

Ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, thông tin: “Thị trấn có gần 300 phương tiện đánh bắt các loại, thống kê sơ bộ có khoảng 60-70% tàu ghe không hoạt động vì giá xăng dầu quá cao, trong khi đó giá các mặt hàng thuỷ hải sản được thu mua không tăng, thậm chí còn giảm. Tình hình này, thời gian tới, dự báo số lượng ghe tàu nằm bờ sẽ còn nhiều thêm”.

Trong câu chuyện, ông Yên còn chia sẻ thêm, nghề biển giờ cũng “hên xui”, nghĩa là sản lượng đánh bắt trồi sụt, tài nguyên cá tôm không còn dồi dào như trước nữa.

Dẫn chúng tôi đi thăm xóm biển Phòng Hộ, ông Lê Minh Kiệt, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khóm 4, nhẩm đếm: “Xóm này có khoảng 70 ghe, vài tháng nay phần nhiều nằm đậu chờ thời, không dám ra biển vì giá xăng dầu tăng dữ quá”.

Cũng là dân đi biển, ông Kiệt cho biết: “Ghe nhỏ hay ghe lớn gì thì xăng dầu cũng chiếm cỡ 70% chi phí đánh bắt. Ghe càng lớn, chi phí càng nhiều”. Đó là chưa kể, chỉ trong thời gian ngắn gần đây, xóm Phòng Hộ đã có khoảng 100 người bỏ nghề biển, đi làm công nhân. Những ghe biển công suất lớn vươn khơi không đủ bạn ghe, cũng nằm nhà chịu trận theo.

Còn cán bộ thuỷ sản của thị trấn Cái Đôi Vàm - anh Mai Trọng Nghĩa thì băn khoăn: “Nghe có dự án nạo vét cửa Cái Đôi Vàm mà chưa thấy triển khai. Giờ cửa cạn dữ lắm, tàu lớn tàu nhỏ gì ra vào cũng vướng. Nhiều lúc bà con thấy đi đứng khó khăn, cộng thêm giá xăng dầu tăng cao, người ta nản, thà nằm ở nhà chớ không cho tàu đi đánh bắt”.

Cũng theo anh Nghĩa, cửa biển cạn, những tàu lớn ngoài tỉnh trước giờ ghé nằm bến Cái Đôi Vàm cũng dần dần rời đi. Bà con làm nghề dịch vụ hậu cần tại cửa biển Cái Đôi Vàm làm ăn ngày càng hiu hắt. Anh Nghĩa hỏi chúng tôi một câu, mà không biết trả lời sao cho đặng: “Giờ có cách nào giúp bà con ngư dân không hả mấy anh?”.

Xóm biển Phòng Hộ có khoảng 80% tàu ghe đánh bắt nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao.

Xoay trở mưu sinh

Ông Huỳnh Văn Thắng, gần 40 năm đi biển, chưa từng thấy lúc nào bà con ngư dân xóm biển Phòng Hộ lại rơi vào tình cảnh éo le này. Biển thì êm đó, cá tôm cũng còn đó, nhưng bó chân, bó tay, ghe tàu nằm chết dí. Nhà có chiếc tàu công suất 70 CV, nằm nhà lâu quá, hết cách, ông bấm bụng bỏ tiền dành dụm ra để cho đứa con và mấy người bạn ghe đi biển. Chuyến đi này cầm chắc là lỗ, nhưng ông cũng tự an ủi mình: “Nói vậy chớ cho tàu chạy, nó nằm hoài thì hư. Cái nữa là giúp anh em bạn ghe có đồng ra, đồng vô. Ở đây, bà con chỉ có nghề này, dứt biển là hết tiền, nằm nhà là chết đói”.

Chị Trần Thị Thiệt phơi mớ cá khô vụn ngay trên chiếc tàu nằm nhà mấy tháng nay, còn chồng thì đang đi bạn ké ghe biển của người khác, bởi không còn đủ chi phí để tự đi đánh bắt. Chiếc tàu cũ, nằm bờ lâu ngày, hư hỏng ngày càng nhiều, nhưng chị Thiệt cũng đã "nát nước": “Thôi thì ráng cầm cự, nếu xăng dầu sớm giảm lại thì mình tiếp tục với nghề. Không thì đi làm công nhân thôi, ở không thì lấy tiền đâu sinh sống. Mà chắc chịu hết thấu rồi mấy anh ơi!”.

Hoàn cảnh anh Kim Văn Bình còn thắt ngặt hơn. Là hộ dân tộc, diện cận nghèo, có chiếc vỏ lãi làm te, anh Bình cũng kéo lên bờ phơi nắng vì không kham nổi giá xăng dầu. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh Bình chuyển sang làm nghề giăng câu cá ngát trên sông. Với anh Bình, nước biển ráo chân thì nhà cạn gạo, không đi biển, là cụt luôn đường sống. Cái mong mỏi của anh cũng đơn giản như bao nhiêu ngư dân ở xóm biển này, đó là chờ cho giá xăng dầu giảm bớt.

Biển ngay sát ngoài kia, vậy mà có những chiếc tàu không ra biển. Phía sau là bao trăn trở, âu lo của những phận người suốt đời sống với biển. Họ cũng đang băn khoăn với tương lai của chính mình: “Nếu bỏ biển, bỏ nghề, họ sẽ sống bằng gì”...

Nhưng cũng có những người nghĩ khác, kệ giá xăng dầu, kệ chuyện lỗ lời, họ phải đi biển, phải liều mạng để kiếm đồng ra, đồng vô và trông chờ may mắn. Hoặc có người đi biển vì cả cuộc đời gắn bó với biển rồi, nói vui theo kiểu bây giờ là “làm vì đam mê”. Dù cho có ăn mòn số tiền dành dụm được của mình, họ cũng chấp nhận. Những chuyến biển của họ không còn đặt nặng việc cá tôm bao nhiêu, mà trông ngóng vào thời điểm 3 giờ chiều của một ngày nào đó... giá xăng dầu giảm xuống. Cuộc đời của họ không còn ngó trân trối vào những can dầu...

Nuôi hy vọng một ngày nào đó, những chiếc ghe lại được ra khơi. Mỗi người ở xóm biển Phòng Hộ tự tìm cách để cứu mình, trước khi xăng dầu hạ giá!./.

 

Hải Nguyên

 

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...

Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi đã đồng hành cùng hội viên phụ nữ cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã hình thành và không ngừng mở rộng, phát triển thời gian qua, góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo cơ hội để chị em mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.

Chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp

Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%. Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.

Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm nông, thuỷ sản Cà Mau được nhiều đối tác lớn quan tâm

Ngày 18/11, bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 (tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua), có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 DN bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Sài Gòn Coop, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra.

Phương kế giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.

Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 15/11, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định: Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trong khu vực và trên thế giới, là dịp để các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường nhập khẩu, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh”.

Phụ nữ Khánh Hải giảm nghèo

Tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, các phong trào thi đua được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai sâu rộng đến từng chi, tổ hội và từng đối tượng phụ nữ với nhiều nội dung, hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.

Hiệu quả tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường

Nước sạch và vệ sinh môi trường là những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống, song không phải hộ dân nào cũng đủ điều kiện để đầu tư và cải thiện điều kiện thiết yếu này. Ðáp ứng nhu cầu cấp thiết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2024/QÐ-TTg (Quyết định 10) về tín dụng cho chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), có hiệu lực từ ngày 2/9/2024. Quyết định này được đông đảo người dân đón nhận với sự phấn khởi, bởi nó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để cải thiện chất lượng sống.