ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 2-5-25 05:10:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những người mở đường - Bài 2: Bí thư chi bộ tiên phong

Báo Cà Mau (CMO) Từ một làng xóm heo hút, ấp Cồn Mũi giờ đây đã trở thành lựa chọn không thể bỏ qua của du khách, khi muốn trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Mũi Cà Mau. Chính Bí thư Chi bộ ấp Cồn Mũi là người "mở đường" cho loại hình du lịch mới trên vùng đất này.

>> Bài 1: Cháy bỏng tình yêu với Mũi Cà Mau

Ông Quách Văn Ngải, Bí thư Chi bộ ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đã kể về câu chuyện ấy với tất cả say mê, nhiệt huyết: “Hồi ấy (khoảng năm 2012, 2013 - PV), dự án làm du lịch dựa vào cộng đồng (do Tổ chức SIDA Thuỵ Ðiển tài trợ) được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đem về giới thiệu ở ấp Cồn Mũi. Ai cũng lắc đầu, vì nó mới quá, lạ quá. Với vai trò là đảng viên, bí thư chi bộ, tôi xung phong nhận cùng 4 hộ dân khác. Tôi nghĩ đơn giản như vầy, nếu không thành công thì cũng không mất gì, còn nếu thành công thì bà con Cồn Mũi sẽ có thêm lựa chọn mới, hướng đi mới để phát triển cuộc sống”.

 Lấy danh dự của đảng viên để làm du lịch, ông Tư Ngải là một trong những người mở đường cho sự phát triển du lịch của ấp Cồn Mũi như hiện nay.

Lấy danh dự của đảng viên để... làm du lịch

Về Cồn Mũi từ năm 1992, đảng viên Quách Văn Ngải, bà con hay gọi là Tư Ngải, trở thành nông dân xứ Mũi chánh cống. Từ Rạch Tàu về tới xóm Cồn Mũi, ông Tư Ngải cảm thán: “Nếu không có du lịch, xóm Cồn Mũi bây giờ cũng heo hút, vô danh ở trong kẹt rừng ngập mặn ven bãi bồi, ai mà biết tới”. Từ nông dân bắt tay làm du lịch, ông Tư Ngải như chưa quên được cảm giác bối rối ấy: “Có biết gì đâu, nhờ mấy anh em ở Vườn Quốc gia, chính quyền địa phương đồng hành, chỉ dẫn. Rồi mình học thêm, vừa học vừa làm, sau thì vừa làm vừa học”.

Ðiều trăn trở nhất của ông Tư Ngải không phải là sợ mình thất bại, mà là sợ mình mất uy tín với bà con, với đồng chí trong chi bộ. Danh dự người đảng viên, lại là bí thư chi bộ khiến ông Tư Ngải khởi sự làm du lịch mà lòng như lửa đốt: “Ðảng viên đi trước, mà phải làm cho kỳ được, không thì từ chức bí thư chi bộ luôn”.

Tour tham quan xuyên rừng, bãi bồi Mũi Cà Mau bằng ca nô hoặc vỏ lãi là sản phẩm du lịch chủ lực của Mũi Cà Mau hiện nay.

Dự án ban đầu có 5 hộ, năm sau còn trụ lại 3 hộ. Ngó đất, ngó trời, ngó 2 hộ dân phía sau mình, ông Tư Ngải càng thấy trọng trách đè nặng. Rồi du lịch khởi sắc, khoảng năm 2015, điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng của 3 hộ ở Cồn Mũi, gồm hộ ông Quách Văn Ngải, hộ ông Nguyễn Văn Nhuần và hộ ông Trần Văn Hướng, bắt đầu làm ăn khấm khá. Lần này, ông Bí thư Chi bộ Cồn Mũi “chơi lớn”, dồn vốn liếng đầu tư mở mang cơ ngơi làm du lịch của gia đình.

Gặp ông trong nhiều chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch ở khắp nẻo đồng bằng sông Cửu Long, thấy ông đi đâu cũng quan sát, để ý tỉ mẩn. Y như rằng, lần trở lại sau, điểm du lịch của ông lại có cái mới hoặc sự cải tiến để phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn, chu đáo hơn. Ðiểm du lịch Tư Ngải có đầy đủ sản phẩm du lịch đặc trưng của Mũi Cà Mau, như tour xuyên rừng, dỡ rập cua, xổ lú tôm, soi ba khía, bắt ốc len, giăng lưới... du khách sẽ được trải nghiệm làm người Ðất Mũi thực thụ. Những sản vật tươi sống phục vụ ẩm thực, hay các loại đặc sản làm thức quà cho du khách, của ông Tư Ngải như bứng ra từ rừng, từ biển, từ tấm lòng thơm thảo của người dân Ðất Mũi, khiến ai cũng có cảm tình tốt đẹp.

Nhìn lại chặng đường làm du lịch của mình, ông Tư Ngải cười giòn: “Cũng nhờ du lịch mà gia đình tôi có cơ ngơi, cuộc sống ổn định như bây giờ. Bà con xóm Cồn Mũi cũng nhờ du lịch mà phát triển lên trông thấy. Nhưng chỉ nếu như thế thôi thì tôi chưa thể yên tâm”.

Nhiều ấp ủ cho du lịch quê hương

Du lịch với ông Tư Ngải giờ là máu thịt, là nỗi niềm canh cánh. Ông nói: “Du lịch Mũi Cà Mau thì khỏi phải nói rồi, nhưng phải tiếp tục được định hình, xây dựng, khai thác bài bản, bền vững hơn nữa, đột phá hơn nữa. Như bây giờ mà vỗ ngực tự hào thì dễ bị rớt lại phía sau lắm”. Ðiều ông Tư Ngải trăn trở là đường sá về Mũi Cà Mau còn khó khăn, các tour tuyến có rồi nhưng sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa hoàn thiện. Ðó là chưa kể việc vướng cơ chế đất rừng, nhiều bà con muốn làm du lịch nhưng chưa được.

Học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở khắp nơi, ông về ngẫm lại du lịch xứ mình mà lo: “Giờ các điểm du lịch có sản phẩm na ná nhau, mà không có sản phẩm riêng, sản phẩm chủ lực để hút khách thì khó bền lắm. Thêm nữa, bà con vẫn còn tư duy nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, chưa liên kết, hỗ trợ nhau. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm ăn chụp giựt, xô bồ, mà như thế thì coi như du lịch của mình nguy cấp lắm”.

Ngoài phát triển du lịch, ông Tư Ngải còn đồng hành, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sinh kế gắn với việc tái tạo, khôi phục nguồn lợi sản vật đặc trưng của địa phương.

Nói về cái chất riêng của du lịch Mũi Cà Mau, ông Tư Ngải trầm tư: “Du lịch Mũi Cà Mau có nhiều thứ độc nhất, duy nhất. Ðây là chóp đất thiêng liêng của Tổ quốc ở địa đầu cực Nam, là nơi biển rừng giàu có, quan trọng nhất là du lịch có cái tâm, cái cốt cách của con người Ðất Mũi trong đó. Giữ được rừng biển, giữ được tính cách của con người xứ Mũi là coi như giữ được du lịch lâu bền”.

Không dừng lại với cái đang có, ông Tư Ngải đang hiện thực hoá không ít sản phẩm du lịch như đục hàu vuông, nhà hàng nổi trên vuông, nuôi cá thòi lòi, sò huyết, ốc len... Với sự nhạy cảm của người gắn bó với xứ Mũi, ông Tư Ngải nghiệm ra rằng: “Nếu cứ tận thu sản vật, thì "của nả" thiên nhiên nào chịu nổi. Bây giờ vừa làm, vừa phải gìn giữ, tái tạo thiên nhiên thôi. Mà đâu phải ai cũng làm du lịch hết, xứ này còn nhiều bà con dựa vào biển, vào rừng để sinh sống. Mình xây dựng được mô hình kinh tế như thế cũng là cách giải quyết công ăn, việc làm để bà con nông dân cùng phát triển lên chớ”.

Từ giã ông Tư Ngải, chúng tôi xuống bến sông theo ca nô đi về phía Mũi. Những đoàn khách từ khắp nơi hào hứng lướt qua nhau trong dập dềnh sóng nước và màu xanh bất tận của rừng. Ngẫm lại chuyện ông đảng viên, bí thư chi bộ xứ rừng biển này làm du lịch mà thấy vừa nể, vừa thương. Bỗng nghĩ, nếu hồi đó, ông Tư Ngải không quyết tâm, xung phong làm du lịch, thì bây giờ biết xóm Cồn Mũi có được như vầy không?.

 

Phạm Hải Nguyên

Bài cuối: Xóm “nhà không cửa” đỏ lửa làng nghề

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.