Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết, toàn tỉnh có 864 doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với số tiền 162,692 tỷ đồng (lãi 46,467 tỷ đồng), gây tác động đến 16.302 người lao động (NLÐ).
- Cân nhắc “được - mất” khi rút bảo hiểm xã hội một lần
- Tăng cường giải pháp giảm nợ BHXH
- Nỗ lực vì quyền lợi người lao động
- Mức độ ảnh hưởng của thực trạng này như thế nào đến đời sống NLÐ, thưa ông?
Ông Trịnh Trung Kiên: Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tác động trực tiếp đến đời sống NLÐ khi họ không được hưởng các chế độ BHXH, BHTN kịp thời để có thu nhập bù đắp khó khăn khi ngừng việc, hay hoàn cảnh quá khó khăn rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống, hoặc hết tuổi lao động không được hưởng chế độ hưu trí.
Ðể đảm bảo quyền lợi cho NLÐ, tới đây ngành BHXH sẽ có chế tài xử lý đối với những trường hợp DN cố tình không đóng bảo hiểm cho NLÐ. (Ảnh minh hoạ).
- Tình trạng DN cố tình không đóng, nợ bảo hiểm của NLÐ kéo dài mà chưa có động thái khắc phục, chế tài xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Trịnh Trung Kiên: Trường hợp này là NLÐ bị DN chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN để sử dụng vào mục đích cá nhân, bổ sung vốn kinh doanh của DN trong thời gian dài; khi kinh doanh có lãi thì nộp BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ; không có lãi thì đành để nợ đọng mà không bị xử lý.
Ðể xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, nhất là việc chậm đóng, trốn đóng, theo Nghị quyết số 100/2023/QH15 và Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 8/6/2023; việc xử lý tội trốn đóng, gian dối không đóng, không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ theo Ðiều 216, Bộ luật Hình sự 2015, BHXH tỉnh tập trung thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các trường hợp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị cố tình có hành vi vi phạm. Ðối với trường hợp DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của NLÐ kéo dài, BHXH tỉnh rà soát lại việc chấp hành kết luận, quyết định thanh tra của cơ quan có thẩm quyền; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để thành lập Tổ công tác liên ngành tiếp tục xác minh, rà soát làm việc; yêu cầu DN cam kết bằng văn bản thực hiện khắc phục nộp dứt điểm số tiền chậm đóng. Ðối với đơn vị chưa có động thái nộp, BHXH tỉnh đang tập trung đầy đủ hồ sơ chuyển cơ quan Công an tỉnh để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
- Ông có kiến nghị gì đến tỉnh, bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để hạn chế tối đa tình trạng DN nợ đóng bảo hiểm?
Ông Trịnh Trung Kiên: Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm chỉ đạo và đưa nội dung nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN vào chất vấn đại biểu Quốc hội trong phiên họp thường kỳ, để có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chậm đóng của DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLÐ; chỉ đạo UBND tỉnh/thành phố xử lý nghiêm đối với các DN vi phạm; cần có chế tài mạnh mẽ hơn như rút giấy phép kinh doanh đối với trường hợp nợ từ 6 tháng trở lên. Cơ quan công an cần vào cuộc xác minh và đề nghị truy tố DN nợ; khi phát mãi tài sản, cơ quan tư pháp phải ưu tiên nộp tiền nợ đọng BHXH, BHTN cho NLÐ, vì đây được coi là tài sản của NLÐ.
Công nhân Công ty TNHH Tiến Tài (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) trong giờ làm việc.
- Ðối với các cấp chính quyền trong tỉnh và cả DN, ông có gửi gắm gì về vấn đề đảm bảo quyền lợi cho NLÐ?
Ông Trịnh Trung Kiên: Tình trạng trốn, chậm, nợ đóng BHXH của các DN đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ khi thực hiện chế độ có liên quan đến BHXH. Nếu NLÐ phản ứng về việc nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT dẫn đến mất việc làm, bị mất thu nhập càng khó khăn hơn.
NLÐ vốn đã khó khăn đi làm việc cho DN để được trả thu nhập trang trải cuộc sống, tích luỹ tiền để tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nếu không may bị đau ốm, bệnh tật, tai nạn lao động sẽ được hưởng các chế độ BHXH hoặc đến hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nếu DN để nợ BHXH, BHTN thì không được giải quyết quyền lợi một cách kịp thời. Do đó, tôi mong rằng các ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt tình trạng trốn đóng, chậm đóng của DN.
Về phía DN, không nên để tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ, điều này dẫn đến vi phạm pháp luật theo Ðiều 216 của Bộ luật Hình sự năm 2015; số tiền lương của NLÐ bị trừ vào thu nhập 10,5% hằng tháng mà không nộp cho cơ quan BHXH là vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của NLÐ, chiếm dụng tiền đóng của NLÐ.
- Xin cảm ơn ông!
Phú Hữu thực hiện