Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.
- Cà Mau PCI tăng hạng nhưng vẫn cần cải thiện
- Toàn tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp
- Người dân, doanh nghiệp cần chung lòng với chính quyền cải thiện chỉ số PCI, PGI
Chi phí không chính thức được hiểu là chỉ số đo lường các chi phí mà doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra để chi trả các khoản không liên quan đến sản xuất, đầu tư. Theo đó, năm 2023 chỉ số này của tỉnh đạt 6,76 điểm (tăng 0,69 điểm), xếp thứ hạng 52/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 hạng so với năm 2022.
Ông Nguyễn Minh Phụng, Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết: “Xác định tầm quan trọng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã chung sức với các sở, ngành và địa phương, nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính năng động, đổi mới, sáng tạo, chất lượng quản lý điều hành trong cải thiện Chỉ số PCI. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều cố gắng triển khai thực hiện, điểm số, xếp hạng có tăng, nhưng còn nhiều chỉ tiêu Chi phí không chính thức tăng chậm so với điểm số trung bình cả nước”.
Trong chỉ số này có tới 16 nội dung được đánh giá, trong đó có đến 9 nội dung chuyển biến tiêu cực: Các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được (76%); DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (4%); Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức (39%); Tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra (17%); Tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai (54%); Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đăng ký DN/sửa đổi đăng ký DN (13%); Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ quản lý thị trường (22%); Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế (27%); Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ tra, kiểm tra xây dựng (16%).
Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong thực hiện chỉ số này, ông Nguyễn Minh Phụng lý giải: “Chi phí không chính thức được hiểu là khoản chi không có trong quy định của pháp luật. Sự hiện hữu của chỉ số này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, cũng là trở ngại trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo sự mất công bằng trong hoạt động kinh doanh. Ðã qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định”.
Trong đó, một phần người dân và DN còn e ngại, không kiến nghị, phản ánh; tư tưởng cùng có lợi, muốn được giải quyết công việc của mình nên chấp nhận tiêu cực, sẵn sàng “bôi trơn”.
Sẽ xử lý nghiêm hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc cho người dân và DN. (Ảnh minh hoạ)
Mặc dù các kênh tiếp thu ý kiến phản ánh đã được UBND tỉnh, các sở, ngành đưa ra và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, nhưng thường nhận rất ít ý kiến phản ánh hoặc có nhưng không đầy đủ chứng cứ, không để lại đầu mối để liên lạc do tâm lý sợ bị sách nhiễu, phiền hà.
Bên cạnh đó, công tác xác minh, xử lý ở một số nơi đôi khi chưa kịp thời, không đầy đủ so với yêu cầu đặt ra. Nhiều vụ việc liên quan đến quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính phức tạp, đòi hỏi phải xác minh cụ thể nên kéo dài thời gian thụ lý giải quyết...
“Ðể cải thiện Chỉ số thành phần Chi phí không chính thức nói riêng, Chỉ số PCI nói chung, với nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, Thanh tra tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn hình thức, trình tự, thủ tục phản ánh, kiến nghị của DN và trình tự, thủ tục giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền đối với phản ánh, kiến nghị của DN theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhằm kiểm soát về thực thi công vụ", ông Nguyễn Minh Phụng thông tin.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành nhằm cải thiện rút ngắn thời gian (số giờ) thanh tra DN khi tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra. Bảo đảm không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần trong năm đối với mỗi DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp đột xuất khi DN có dấu hiệu vi phạm.
Rà soát, đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành nhằm cải thiện rút ngắn thời gian (số giờ) thanh tra DN (Ảnh minh hoạ).
Thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc cho người dân và DN. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức Nhà nước với người dân và DN trong giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
“Thanh tra tỉnh tha thiết kêu gọi DN thường xuyên nghiên cứu các quy định, văn bản hướng dẫn của Nhà nước và kiên quyết không “lót tay” cho cán bộ, công chức, không chấp nhận chi những khoản “bôi trơn” để được hưởng những lợi ích, những ưu tiên ngoài quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại DN trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, nội dung, đối tượng thì DN báo cáo, đề nghị cơ quan, đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra báo cáo thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền để xử lý chồng chéo theo quy định, hoặc báo cáo về Thanh tra tỉnh để kịp thời xử lý”, ông Nguyễn Minh Phụng kiên quyết./.
Hồng Nhung