ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-10-24 21:33:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nơi rừng ngâm chân biển

Báo Cà Mau (CMO) Trước năm 1997, tỉnh Minh Hải chưa chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau như bây giờ, cơ quan báo Minh Hải của tôi đóng ở Cà Mau nên suốt 10 năm làm phóng viên báo Minh Hải tôi đã lên rừng, xuống biển tung hoành khắp đất trời Cà Mau.

Thời Minh Hải, có một tính toán trên cơ sở khoa học rằng, nếu tính vùng lãnh hải, thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam thì Việt Nam biển lớn hơn Việt Nam lục địa đến 3 lần. Và nếu theo cách tính ấy thì Minh Hải biển lớn hơn Minh Hải lục địa đến 9 lần.

Cái đặc biệt nữa là trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh Minh Hải biển thời đó giàu có vào bậc nhất nước. Trong cẩm nang nghề cá của Bộ Thuỷ sản ghi rằng: 100% loại cá tôm của biển Việt Nam đều có mặt ở vùng biển này vào thời ấy.

Người dân mưu sinh dưới chân rừng. Ảnh: NHẬT MINH

Lên rừng

Nếu ở Tây Nguyên, Tây Bắc của Việt Nam hay nhiều nơi trên thế giới, rừng và biển là 2 thái cực rất khác nhau, với độ cao chênh lệch; sinh thái, sinh cảnh khác biệt… thì lạ lùng thay, ở Cà Mau rừng ngâm chân dưới biển, bắt nguồn từ biển. Bãi bồi dưới chân rừng do phù sa biển tạo thành, để rừng dần dần đi ra phía biển và theo đó thuỷ đặc sản của biển lũ lượt kéo vào cư ngụ trong rừng. Có thể nói, ở Cà Mau rừng là biển, biển là rừng, đi lên rừng chẳng khác đi xuống biển.

Nhớ đận sau giải phóng, thấy gia đình nghèo quá, anh Hữu (anh ruột của tôi), xin nghỉ phép về nhà rồi rủ tôi chèo xuồng xuống Ðầm Dơi mua ba khía về cho má tôi bán. Xuồng chèo tới Gành Hào là đã thấy rừng đước điệp trùng giăng giăng. Hồi đó rừng trùm kín huyện Ngọc Hiển, chạy dài xuống Mũi Cà Mau và một phần diện tích của các huyện Ðầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… Mà toàn là rừng nguyên sinh với những cây đước to cả ôm tay không giáp. Anh em tôi đi chỉ bỏ theo gạo, muối, nước mắm…, còn thức ăn thì khỏi lo, tới bữa cơm là ghé vào một cánh rừng rồi lội lên tìm thức ăn “tươi sống”. Bữa đó là nước rong tháng 8 âm lịch, tôi và anh Hữu vừa lên rừng đã thấy cua biển bò lểnh nghểnh dưới chang đước. Chúng thấy động, giương cặp càng đỏ chót lên mà nghênh chiến. Tôi và anh Hữu bắt một lúc đã quảy không nổi. Chúng tôi còn bắt được những con vọp to, rồi bao nhiêu loại khác có thể làm thức ăn được nằm đầy dưới chân rừng.

Chúng tôi chèo xuồng cặp bến nhà chị Năm, là chị cô cậu ruột của tôi ở Cây Tàng, thuộc xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, để nhờ chị mua ba khía giúp. Chị Năm vốn là vợ anh Năm Thống, Trưởng phòng Tuyên truyền của Ban Tuyên huấn tỉnh Minh Hải (bị bệnh mất năm 1989). Thấy 2 đứa em lặn lội vượt gần 100 cây số xuống mua ba khía, chị bảo: “Tưởng mua chở đầy ghe chài, chứ chiếc xuồng nhỏ như xuồng 2 cậu, chế kêu mấy cháu giúp bắt một đêm là đầy xuồng rồi. Thôi lên nhà ăn cơm đi, tối đi bắt, đêm nay là 30/8, đêm ba khía hội mà…”.

Khoảng 6 giờ chiều, thằng Bê, thằng Khởi (con chị Năm), xách dụng cụ xuống xuồng gồm: bao tay, đèn khí đá, bao đựng ba khía… để 4 cậu cháu đi bắt ba khía.

Xuồng chúng tôi chèo lòn lách trong những kênh, những xẻo ngoằn ngoèo và đầy chang đước. Muỗi cũng túa ra như vãi trấu. Hơn 1 giờ sau chúng tôi đã lọt giữa cánh rừng đước lớn, có lẽ là rừng nguyên sinh. Cây đước đan xen rậm rịt và cao trật ót. Lúc này là chính con nước rong, nước tràn lên ngập hết trảng rừng. Chúng tôi cặm xuồng và mở đèn lên thì cơ man nào là ba khía từ dưới nước, từ rừng, từ khắp các kênh rạch kéo đến bu kín chang đước. Có những gốc đước soi đèn chỉ thấy ba khía. Người săn ba khía càng về khuya càng nhiều. Ánh đèn soi sáng rực khu rừng, vậy mà không tài nào bắt hết ba khía. Chúng tôi mang bao tay vào, mở miệng bao đặt dưới gốc cây, cứ thế mà lấy tay cào cho ba khía rớt vào miệng bao. Chỉ 2-3 gốc đước chúng tôi đã cào đầy bao, nặng khoảng 20 kg. Bốn cậu cháu bắt 3 giờ đồng hồ, chiếc xuồng của tôi đã chở khẳm đừ.

Hồi đó tôi xem chuyện ấy là bình thường, nhưng khi cuộc đời thêm nhiều tuổi, khi mà thiên nhiên không còn gì để ghi dấu ấn nữa thì tôi mới có nhiều suy nghĩ. Ba khía hội là một tập tính sinh học của loài này để chúng duy trì nòi giống. Nó xảy ra thường niên. Những người ở rừng lớn tuổi một chút, đều tận mắt chứng kiến hiện tượng đặc biệt này. Nó minh hoạ một cách sinh động nhất rừng chẳng những là vàng mà còn có những điều kỳ thú có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với con người. Tôi mơ ước, giá mà bây giờ hiện tượng kỳ thú ấy còn tồn tại, nó sẽ giúp người ta yêu quý rừng không biết chừng nào.

Xuống biển

Năm 1982, như duyên số bày đặt, tôi đi xuống cửa biển Sông Ðốc để viết bài về nghề cá thì được tận mắt chứng kiến một kỳ thú của biển. Hơn 40 năm rồi, tôi không nhớ tên chủ ghe, chỉ nhớ đó là một chiếc ghe làm nghề đánh lưới biển. Sáng hôm đó chiếc ghe ấy từ cửa Sông Ðốc, thuộc huyện Trần Văn Thời, đi đánh lưới như mọi ngày, ghe ra được 3 hải lý, tính từ cửa biển và thả lưới. Mẻ lưới ấy trúng luồng cá rún, cá rún nhiều tới mức lưới thâu lại còn 2.000 m2 thì không thể rút nữa, vì cá rún đã đặc cứng. Chúng nổi đầu dày đặc và quẫy trắng mặt biển, mỗi con từ 5-10 kg. Chủ ghe phải liên lạc vào bờ xin “cấp cứu”. Và 16 chiếc ghe to của cửa Sông Ðốc chạy ra ứng cứu. Họ đã thu hoạch mẻ lưới ấy 127 tấn cá rún. Cá bán không hết, phải huy động hàng ngàn người dân Sông Ðốc đến xẻ khô. Một tháng sau, người ta đi ngang chợ Sông Ðốc còn nghe tanh mùi cá rún.

Còn tôi chỉ biết ngồi nhìn biển mà rằng: Biển quê ta thật là giàu có!

Hứng chí quá, không kiềm được khi anh Tài, Ðội trưởng Ðội Kiểm ngư của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, rủ tôi ra biển chơi. Thế là tôi xách gói xuống tàu theo anh đi một vòng vịnh Thái Lan và biển Ðông cả tuần, mà không phân vân suy nghĩ gì.

Khi tàu ra đến tuyến khơi (theo cách gọi của nghề biển), đó là nơi tiếp giáp với hải phận quốc tế, cũng là tuyến cuối cùng của Việt Nam biển, thì 1 thuyền viên, trước cũng là ngư phủ, nói với tôi: "Ðây là nơi tập trung cá kình. Lúc trước vì gia cảnh khó khăn tôi đã liều mình giong thuyền ra tận đây để câu cá. Tôi đã câu được những con cá lạt to cỡ bắp vế, những con cá thu cỡ 30-40 kg, những con cá ngừ đại dương nặng 70-80 kg. Cá mà cắn câu rồi nếu không kéo lên nhanh thì cá mập táp mất. Cá mập lội thành bầy, chẳng ai dám lặn xuống biển".

Tàu đến gần vùng biển Hòn Khoai, tôi được chỉ cho xem một vùng biển tạo ra huyền thoại của nghề cá, đó là bãi giao vĩ cá đường. Từ rất xưa vùng biển này có một chu kỳ sinh hoạt của cá đường, vào tháng 2-3 âm lịch. Ðó là mùa biển êm mà người đi biển bảo “trải tấm giấy xuống còn không ướt”, hàng triệu con cá đường từ tít tận mù khơi của biển kéo về thực hiện công việc duy trì nòi giống. Chúng quẫy nước làm xôn xao một vùng biển rộng. Người của nghề cá gọi đó là ngày hội cá đường. Nó cũng giống như ba khía hội, rẹm hội… đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau. Có một cái lệ, bất di bất dịch và nhuốm màu mê tín rằng, khi phát hiện hội cá đường là ngư dân tung hô gọi nhau đến để cùng hưởng lộc biển. Lúc ấy hàng trăm chiếc tàu vây lấy luồng cá mà đánh bắt, tiếng reo hò vang dậy cả vùng biển.

Cá đường là một loại cá quý, thịt ăn rất thơm ngon. Ðặc biệt là cái bong bóng rất to, có con bong bóng đem phơi rồi vẫn cân nặng nửa ký. Bong bóng cá đường bồi dưỡng cơ thể không gì bằng và có tính dược liệu quý. Vì thế thời nào, giá bong bóng cá đường cũng đắt đỏ, thuộc vào hạng sơn hào hải vị. Ngày xưa, hội cá đường diễn ra đúng chu kỳ sinh sản của chúng là mỗi năm một lần, năm nào cũng có. Người làm nghề biển mà gặp hội cá đường thì giống như gặp kho báu dưới lòng biển. Cũng năm 1983 đó, ông Sáu Tuôi, ông Hai Phóc ở Rạch Gốc, Tân Ân gần Mũi Cà Mau, bắt gặp hội cá đường, mỗi ông đánh bắt được 2.000-3.000 con. Nghe nói lần ấy, 2 ông bán bong bóng cá mua vàng xách đến mỏi tay. Hai ông xây 2 ngôi nhà lầu đồ sộ đầu tiên ở rừng đước Cà Mau.

Hồi đó, vì cá đường nhiều quá nên ít ai ăn xác cá đường và nó cũng không bán được. Vì thế, khi bắt được cá đường, người ta mổ lấy bong bóng, còn xác thì thả xuống sông. Xác cá đường mỗi con nặng 15-20 kg. Ðầu cá đem nấu canh chua ăn rất béo, không thua bất kỳ loại cá biển nào. Ðặc biệt, trứng cá đường làm mắm ăn rất ngon, đó phải gọi là mắm vua, được chế biến bởi ngư dân làm nghề biển Minh Hải. Ai đã được ăn một lần thì không thể quên được.

Ðã nhiều chục năm qua, bãi biển Khai Long vắng xác cá đường. Chuyện một thời, nhắc lại còn xuýt xoa tiếc nuối./.

 

Phan Trung Nghĩa

 

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào?

Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) để thoát nghèo, cải thiện toàn diện cuộc sống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là chủ trương, chính sách ưu việt, nhân văn của Ðảng, Nhà nước, được triển khai thực hiện bằng nhiều nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài cuối: Ðúng quy định, sát thực tiễn

Công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Ðảng ta, nhưng cũng là khâu khó, cần phải được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc; trong tổ chức thực hiện đảm bảo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, khẳng định: “Ðối tượng, chức danh bố trí trong điều động, luân chuyển tại Cà Mau đảm bảo đúng Quy định số 65-QÐ/TW”.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài 2: Khoá đào tạo đặc biệt

Quy định của Ðảng về thời gian luân chuyển, điều động cán bộ từ 3 năm trở lên. Ðây được coi là khoá đào tạo cán bộ đặc biệt, là môi trường “luyện vàng, giũa ngọc”, để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, ngang tầm với nhiệm vụ được giao phó. Bởi khi tiếp cận thực tiễn, sâu sát với đời sống Nhân dân, mỗi cán bộ sẽ tích luỹ, bồi tụ cho bản thân rất nhiều điều bổ ích; những bài học kinh nghiệm thiết thân, quý giá. Từ đó mang lại những giá trị cống hiến thực chất, thực sự cho Ðảng, cho Nhân dân.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc”

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu, thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó, xây dựng Ðảng về tổ chức, đặc biệt là công tác cán bộ, được Ðảng ta xác định là vấn đề “then chốt của then chốt”.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.