(CMO) Là nông dân, ngoài tính cần mẫn, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, ông Võ Văn Út (Ấp 8, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình) còn sáng tạo trong công việc, tìm tòi học hỏi những nghề mới để nâng cao thu nhập.
Với 1 ha đất trồng lúa và nuôi tôm thu nhập không cao, ông Út quyết định tìm thêm công việc “tay trái” để trang trải cuộc sống. Nhờ sự khéo léo, cộng với sẵn có tay nghề điêu khắc gỗ, ông Út quyết tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị để mở cơ sở điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ.
Ông Út cho biết: “Tôi theo học nghề mộc từ hồi còn thanh niên. Sau thời gian học nghề có điêu khắc tủ, bàn ghế, giường... cho gia đình. Mãi đến năm 2016, nhận thấy đồ gỗ ngày càng được mọi người ưa chuộng nên tôi quyết định mở cơ sở điêu khắc đồ mỹ nghệ và dùng số vốn dành dụm trên 200 triệu đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cơ sở”.
Theo ông Út, công việc điêu khắc không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Quá trình làm trải qua nhiều công đoạn như: cắt, bào, đục, giũa rồi lên ý tưởng để tạo hình đồ vật. Lên ý tưởng tạo hình là công đoạn khó nhất vì đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và đôi tay khéo léo để chế tác ra tác phẩm đẹp mắt nhất. Càng làm, ông Út càng có nhiều kinh nghiệm, đôi tay càng điêu luyện hơn.
Mỗi tháng cơ sở sản xuất của ông nhận trên 10 đơn đặt hàng của khách. Ông Út chia sẻ: “Có những khách hàng chỉ mướn mình điêu khắc, còn nguyên liệu gỗ tự mang đến, là những loại gỗ hiếm, đắc tiền. Có sẵn kinh nghiệm cộng với máy móc hiện đại nên việc điêu khắc gỗ rất nhanh, thường từ 3-5 ngày là tôi làm hoàn thành 1 sản phẩm, tuỳ theo kích thước lớn nhỏ”. Ðược biết, trừ hết chi phí, mỗi tháng cơ sở điêu khắc của ông Út có thu nhập từ 10-15 triệu đồng.
Với bản tính năng động, chịu khó, ông Út còn làm chậu kiểng bán kiếm thêm thu nhập. |
Ngoài ra, ông Út còn làm thêm chậu kiểng bằng xi-măng để kiếm thêm thu nhập. Ông Út cho biết: “Tôi làm chậu kiểng được gần 1 năm. Lúc đầu tôi làm chỉ để trồng cây cảnh quanh nhà, vài người ở địa phương thấy và đến hỏi mua nên tôi làm bán và duy trì đến bây giờ”.
Ðể làm ra chậu kiểng cần nguyên liệu là sắt, cát, xi-măng. Có khuôn định hình sẵn, chỉ thêm hoạ tiết, hoa văn vào. Ông Út cho hay: “Chậu tôi làm đơn giản với dáng tròn phù hợp để trồng nhiều loại cây kiểng. Mỗi cặp chậu chỉ có giá từ 300.000-500.000 đồng nên luôn bán được hàng, làm ra bao nhiêu cũng có người mua. Thu nhập từ nghề làm chậu kiểng giúp tôi kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng”.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lộc Bắc Nguyễn Thanh Ðiền cho biết: “Ông Út là một nông dân sản xuất giỏi, đa tài, biết làm nhiều nghề để tăng thu nhập cho gia đình. Ông còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 8. Trong công việc là người tận tâm, có trách nhiệm, nhiệt tình giúp đỡ nhiều hội viên thoát nghèo”./.
Phương Thảo