ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 13-2-25 01:55:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nông dân được mùa lúa đông xuân

Báo Cà Mau Nông dân trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2024-2025. Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, vụ lúa năm nay năng suất đạt khá và giá lúa cũng vẫn đang bình ổn, bà con rất phấn khởi.

Nông dân xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời vào cao điểm thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân.

Về các địa phương những ngày này, dễ thấy những cánh đồng lúa chín rộ, máy gặt đập hoạt động xuyên suốt, thương lái tập nập thu mua, tạo nên khung cảnh rộn ràng mùa bội thu.

Hộ ông Tăng Hoàng Ca, ngụ ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đang thuê máy đập gặt liên hợp thu hoạch hơn 1,2 ha lúa của gia đình.

Đứng trước ruộng lúa trĩu hạt, ông Ca phấn khởi: “Vụ đông xuân năm nay, gia đình chọn canh tác giống ST 25. Năm nào cũng vậy, đây là vụ chắc ăn nhất, đem lại nhiều lợi nhuận cho nông dân nhất. Ước tính năng suất có thể đạt từ 45 giạ/công trở lên. Với giá lúa như hiện tại từ 8.500-9.000 đồng/kg thì mỗi công sau khi trừ các chi phí có thể thu về từ 3-4 triệu đồng”.

Ông Ca cho biết, mặc dù giá lúa không cao như thời điểm trước, nhưng với giá cả và năng suất như hiện tại thì nông dân trồng lúa vụ đông xuân cũng thu được lợi nhuận khá.

Lúa được tập kết tại các tuyến đường giao thông lớn để thương lái cho xe vào tận nơi thu mua.

Theo các hộ dân xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi, hầu hết các diện tích lúa đều đạt năng suất khá. 

Bên cạnh đó, đường giao thông thuận lợi nên phần nào giảm chi phí vận chuyển, từ đó giá lúa được thương lái giữ bình ổn, người nông dân có lãi hơn.

Ghi nhận tại các địa phương, giá lúa tươi thương phẩm hiện được thương lái thu mua tương đương so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dao động từ 5.000-9.000 đồng/kg, tùy loại giống và chất lượng lúa trên ruộng.

Những đồng lúa sau thu hoạch, người dân đốt đồng xử lý rơm rạ, chuẩn bị cho việc cày ải phơi đất để tiếp tục vụ hè thu.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân 2024-2025, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh xuống giống vượt kế hoạch, với hơn 35.200 ha. Trong đó, chủ yếu tập trung tại các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau.

Bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân từ thời điểm trước Tết cho đến nay. Tính đến ngày 11/2, diện tích thu hoạch được hơn 12.800 ha, đạt hơn 36% so với diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt hơn 5,5 tấn/ha.

Hiện nay, bà con nông dân khẩn trương thu hoạch dứt điểm các diện tích lúa còn lại./.

 

Lê Chí

Ðồng lòng làm OCOP

Thời gian qua, với nỗ lực của các ngành, các cấp trong công tác hỗ trợ, cùng sự tự thân vận động của các chủ thể, đến nay, huyện Năm Căn gặt hái nhiều kết quả khả quan trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để sản phẩm ngày càng vươn xa, có chỗ đứng trên thị trường.

Doanh nghiệp kỳ vọng trong năm mới

Ðóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua cộng đồng doanh nghiệp (DN) không ngừng nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế tỉnh. Năm 2025 được dự báo với nhiều thời cơ, vận hội nhưng thách thức cũng không nhỏ, nhiều DN đang kỳ vọng vào năm mới thắng lợi.

Ra khơi “lấy lộc” đầu năm

Hoà chung không khí người dân toàn tỉnh bắt tay lao động, sản xuất đầu năm mới sau những ngày vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ mùng 6 Tết, nhiều chủ tàu tại huyện U Minh đã cho phương tiện ra khơi khai thác, đánh bắt thuỷ sản để “lấy lộc” đầu năm với hy vọng một năm bám biển bội thu.

Nền tảng vững chắc cho "tam nông"

Hoàn thiện, nâng cao các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP... hướng tới xuất khẩu, đó là những mục tiêu để các sản phẩm OCOP thật sự mang lại giá trị kinh tế cho người dân và phát triển bền vững.

Thị trường sau Tết ổn định

Sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, công tác ổn định thị trường tại tỉnh được ngành chức năng triển khai một cách chủ động và chặt chẽ, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Phấn khởi ra đồng đầu năm mới

Sau những ngày vui Xuân, đón Tết sum vầy bên gia đình, nhiều nông dân đã bắt tay vào lao động, sản xuất ngay từ đầu năm mới. Trên các cánh đồng, không khí lao động vui tươi với rộn rã tiếng nói cười xen lẫn tiếng máy cày, máy gặt, mang theo niềm tin một năm mưa thuận gió hoà, vụ mùa tươi tốt.

Năm 2025 phấn đấu tăng trưởng ở mức 8%

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), năm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tỉnh Cà Mau đề ra nhiều nhiệm vụ tập trung, đột phá.

Tái cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững

“Huyện Thới Bình có nhiều triển vọng trong phát triển nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, có lợi thế cạnh tranh để mở rộng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế, đảm bảo tính ổn định lâu dài cho người dân sản xuất. Ðồng thời, gắn với bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn, bền vững hơn. Huyện xác định đây là hướng đi đúng và lâu dài”, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện uỷ Thới Bình, khẳng định.

Phố biển vào xuân

Về thị trấn Cái Ðôi Vàm những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của Ðảng bộ, chính quyền và người dân thị trấn biển khi được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Ông Lê Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: “Ðây là thành quả sự chung sức chung lòng qua 8 năm phấn đấu. Với thế mạnh về kinh tế gắn biển, hướng biển, địa phương đang dồn sức khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá phát triển trong tương lai”.

Sức sống vùng ngọt

Ðược ví như một Cà Mau thu nhỏ, huyện Trần Văn Thời gần như hội tụ đầy đủ nét đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau với 3 hệ sinh thái: ngọt - mặn - lợ. Không có nguồn nước ngọt bổ sung, cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu, nhưng đến nay huyện Trần Văn Thời vẫn giữ được vùng ngọt với đa dạng cây, con, hoa màu đầy sức sống.