(CMO) Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở hội ngày càng vững mạnh.
Ðoàn kết, đồng hành
Hiện toàn tỉnh có gần 1.000 chi hội nông dân nghề nghiệp và hơn 4.600 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, chế biến, nghề thủ công…
Việc thành lập các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp dựa trên các thế mạnh của địa phương và hoạt động theo nguyên tắc “5 tự”, “5 cùng” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi). Từ sự đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo gắn với nhu cầu thực tế cuộc sống và quá trình sản xuất, kinh doanh của thành viên.
Chi hội nông dân nghề nghiệp lúa - tôm kết hợp ở Ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình có 30 thành viên. 2 năm qua, các thành viên đồng loạt xuống giống lúa ST24, đồng loạt thu hoạch và được một công ty ở tỉnh Ðồng Tháp bao tiêu, ổn định đầu ra. Các thành viên còn thử nghiệm thả cá lóc, cá rô trong ruộng lúa, năm vừa qua nhiều hộ bán cá được hơn 30 triệu đồng. Nhìn cánh đồng oằn bông, nông dân Trần Văn Tèo phấn khởi: “Mỗi công ăn chắc trên 1 tấn lúa, còn bán được tôm, cá. Năm nay, bà con xứ này ăn Tết lớn”.
Mùa lúa - tôm năm nay, thành viên Chi hội nông dân nghề nghiệp lúa - tôm kết hợp ở Ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tiếp tục trúng đậm và được hợp đồng bao tiêu sản phẩm. |
Có được kết quả tốt đẹp ấy là nhờ nông dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao thu nhập. Trước đây người dân Ấp 1 chủ yếu làm lúa 2 vụ, tuy nhiên không hiệu quả do đất nhiễm phèn mặn. Từ khi chuyển đổi sang lúa - tôm và tham gia sinh hoạt chi hội nông dân nghề nghiệp, kinh tế ngày càng phát triển. Thành viên của chi hội có điều kiện đầu tư mua máy xới, máy gặt đập, đảm bảo thu hoạch lúa kịp thời ở chi hội và bà con trong vùng. Ông Huỳnh Văn Xiêm, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp lúa - tôm, cho biết: “Chi hội xây dựng quy chế hoạt động với sự thống nhất của các thành viên, đồng thời tổ chức sinh hoạt định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm rửa mặn, bón phân, chăm lúa, thời gian thả tôm, cua. Ai có khó khăn gì cũng trình bày tại cuộc họp, để mọi người cùng trao đổi, tháo gỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển”.
Cùng với Chi hội nông dân nghề nghiệp lúa - tôm kết hợp ở Ấp 1, xã Tân Lộc còn thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng rau màu ở Ấp 7. Ông Nguyễn Thành Ðược, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Việc thành lập các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp nhằm tập hợp nông dân cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề, hướng đến sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản và liên kết tiêu thụ, ổn định thu nhập, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương”.
Bệ đỡ giảm nghèo
Theo hướng dẫn, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp có thể hình thành từ những hội viên nông dân có nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hướng tới mục tiêu thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc trên cơ sở các hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình, dự án do hội nông dân xây dựng. Ở xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, Chi hội nông dân nghề nghiệp đan rập cua được thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác đan rập cua Kim Thành, với 26 thành viên ở 4 ấp: Nhà Dài, Xóm Rẫy, Kinh Giữa và Nhà Cũ.
Nghề đan rập cua được hình thành và duy trì ở Quách Phẩm Bắc hơn 20 năm qua, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình anh Võ Công Bằng từng là hộ nghèo, nhà chỉ 3 công đất sản xuất, anh Bằng phải đi làm mướn để trang trải cuộc sống và lo 2 con nhỏ. Từ khi được học nghề, nhận làm rập cua, tổng thu nhập của vợ chồng anh Bằng mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng, có điều kiện tiếp tục lo cho con học hành (đứa lớp 9, đứa lớp 7). Gia đình anh Bằng làm đơn thoát nghèo năm 2019.
Ông Mai Nhật Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Trên cơ sở thuận lợi đó, chúng tôi mở rộng thành viên, thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp, do Hội Nông dân xã trực tiếp theo dõi, quản lý. Khi chi hội có nhu cầu về vốn thì chúng tôi tranh thủ từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ. Bên cạnh đó, cùng bà con mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết, thống nhất để chi hội hoạt động ngày càng hiệu quả”.
Hiện nay, hàng tháng chi hội bán từ 20.000-25.000 rập cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh lân cận. Mỗi gia đình thành viên thu nhập dao động từ 6-12 triệu đồng/tháng. Các thành viên còn sẵn sàng chia sẻ nguyên liệu, kỹ thuật đan đẹp, bền, để khẳng định thương hiệu sản phẩm, cùng nhau phát triển.
“Trên địa bàn xã Quách Phẩm Bắc còn có Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi, trồng rau màu, làm cơ sở để hướng đến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời gắn kết việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Mai Nhật Nam cho biết thêm.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thông tin, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04, số chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập mới tăng lên rõ rệt, phân bố đều ở 9 đơn vị hội nông dân huyện, thành phố, với đa dạng ngành nghề. Từ hoạt động của mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cho thấy hiệu quả thiết thực, không chỉ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của hội viên, nông dân, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo động lực bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương./.
Mộng Thường