ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 19:09:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nồng nàn vị thốt nốt

Báo Cà Mau (CMO) Chạy dọc theo vùng biên giới Tây Nam là hình ảnh những cánh đồng lúa bao la bát ngát, điểm tô thêm những hàng thốt nốt mạnh mẽ vươn mình trước nắng gió của đất trời biên giới.

Cây thốt nốt là loài thực vật họ cọ, tán lá xoè như cánh quạt, thân cây to cao giống thân dừa nhưng ít xù xì hơn. Thốt nốt cho những chùm quả lớn, mọc thành quày giống trái dừa, có màu tím sậm, khi chín lại có màu hạt dẻ, ruột vàng, hương thơm nồng nàn và cuống có màu xanh. Tuy nhiên, trái thốt nốt không có nước bên trong như dừa, khi muốn ăn phải bổ ra lấy phần thịt mềm mịn bên trong.

Trái thốt nốt tươi được tách ra lấy phần cơm, hoà chung nước thốt nốt để lạnh là một món giải khát tuyệt vời cho những ngày nắng nóng.

Thốt nốt mọc nhiều ở các tỉnh giáp biên giới như An Giang, Kiên Giang và gắn bó mật thiết với cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer. Tên gọi “thốt nốt” có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “th’not”, dân địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt lốt. Tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng, từ thân tới lá, quả. Vào mùa khô, khi những mảnh ruộng bắt đầu thời gian ngơi nghỉ thì người dân nơi đây lại sống dựa vào nguồn thu từ cây thốt nốt. Có nhà làm nghề thu lấy trái, cũng có hộ thu nước nấu đường, làm bánh... Dù nguồn lợi không quá khấm khá nhưng nhiều gia đình vẫn giữ nghề gia truyền, làm kế sinh nhai từ loài cây đa chức năng này. 

Thời vụ khai thác nước và nấu đường thốt nốt thường bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến khoảng tháng 5 (âm lịch) năm sau. Vào thời điểm này, nước thốt nốt rất ngọt, sản lượng đường thu được sau khi nấu cũng nhiều hơn. Nước thốt nốt được thu hoạch từ sáng sớm. Thời điểm thu hoạch, trên những ngọn đồi thốt nốt vang vọng tiếng người lấy trái trên đọt cây cao hàng chục mét, tiếng dao vỗ vào những lớp vỏ thốt nốt thô cứng, tạo ra thứ âm thanh mộc mạc, giản dị. 

Nước thốt nốt sau khi lấy xuống được lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông và côn trùng, sau đó cho vào chảo lớn, trung bình 8 lít nước phải nấu khoảng 6-7 tiếng mới cô đặc lại thành một mẻ đường. Đường thốt nốt cô đặc từ nước thốt nốt vẫn giữ vị ngọt dịu, được đóng thành bánh tròn nhỏ hoặc chứa trong hũ. Người sành ăn thường chọn loại đường màu ngả vàng nâu vì vẫn giữ được vị tự nhiên, còn đường thốt nốt nếu màu trắng là đã qua tinh chế.

Những đứa trẻ theo cha mẹ làm nghề thu hoạch thốt nốt chỉ tầm mười tuổi đã có thể phân biệt được trái non hay trái già, hạt nằm phía bên nào để canh chặt không bị phạm. Đến mùa mưa, thân thốt nốt trơn trượt, việc leo cây thu hoạch trái vất vả hơn rất nhiều. Nên cứ từ tháng 6 trở đi, giá thốt nốt cao hơn những tháng nắng.

Để có ly nước thốt nốt, người dân phải cất công đặt ống nứa vào những cuống hoa từ đêm tới sáng mai mới cho ra được thứ dịch thơm nồng. Dùng chung với cơm thốt nốt và đá lạnh sẽ cho ra hương vị thơm ngon lạ lùng khó quên. Nước thốt nốt hoà nhập vào cơm thốt nốt thành món đồ ăn mềm dai và ngọt không thể tả. Nước thơm như mùi hoa rừng, mát lạnh và tinh khiết, cơm giòn mềm dai như cơm dừa nước. Nước để lâu lên men sẽ bị chua người dân còn sáng tạo thành một loại rượu có hương vị vô cùng đặc biệt. Đối với trái thốt nốt chín, người ta lấy cơm (thịt, cùi) đã già giã nhuyễn chắt lấy nước trộn cùng bột gạo và đường thốt nốt làm bánh bò. Bánh bò thốt nốt khi hấp chín có màu vàng nâu và xốp nhẹ. Bánh bò thốt nốt nổi tiếng nhất là của người Chăm vùng Tân Châu, Châu Giang (An Giang).

Được kết tinh từ sự lao động cần cù và tâm huyết của cư dân, từ một loại hương vị dân dã nơi chái bếp ngày nào, giờ đây đặc sản từ cây thốt nốt trở nên quen thuộc với du khách gần xa, là một món quà quê thơm thảo, nhưng thấm đẫm nghĩa tình của quê hương xứ sở./.

Nghĩa Hữu

Mắm ngon từ con tôm, con ruốc

Cà Mau là vùng sông nước, được thiên nhiên ưu đãi nhiều loài thuỷ sản như: tôm, cá và các loài giáp xác, đặc biệt là con ruốc. Cũng từ những thứ này, người dân Cà Mau đã chế biến ra nhiều món ẩm thực độc đáo như mắm tôm, mắm ruốc làm nức lòng bao thực khách.

Xe tàu hũ của bà

“Hũ đây”, “Tàu hũ nóng đây”, “Ai tàu hũ không”, tiếng rao ấy của cụ bà Tô Thị Y (86 tuổi, ở Phường 1, TP Cà Mau) đã trở nên quen thuộc gần 40 năm qua.

Mắm chay ngày giỗ nội

Bà nội mất khi tôi còn nhỏ xíu, vì vậy ký ức của tôi về bà không nhiều, chỉ lờ mờ nhớ hình ảnh lúc bà nội nấu món chay trong cái nồi nhỏ có tay cầm, lúc bà lom khom hái bông bí, đọt bí sau nhà. Bà nội tôi ăn chay trường, nên sau này mỗi lần giỗ bà nội, ba mẹ tôi làm món chay để cúng, thường là món gỏi cuốn chay, nấu canh kiểm và đặc biệt luôn trộn món mắm chay.

Chả cá thu xứ biển

Cà Mau có bờ biển dài 254 km, với ngư trường rộng lớn (trên 100.000 km2), rất dồi dào nguồn lợi thuỷ hải sản, trong đó có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá cơm, cá ngừ, cá thu...

Chiếc bánh “hạnh phúc”

Bánh phu thê (hay còn gọi là bánh xu xê) là món ăn tượng trưng cho tình cảm vợ chồng thuỷ chung, son sắt, một lòng một dạ gìn giữ tình yêu bền chặt. Ðây cũng là một trong những loại bánh cổ truyền của người Việt Nam qua bao đời nay.

Ba khía vào mùa

Con ba khía rừng ngập mặn Cà Mau tập trung nhiều ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi, với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Năm 2019, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm ba khía muối Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, từ đó được cả nước chú ý và lượng tiêu thụ cũng ngày càng tăng lên.

Món ngon từ cá bống

Cà Mau có 254 km chiều dài bờ biển, với hàng ngàn sông ngòi, kênh, rạch có dòng thuỷ triều chảy ra vào tạo thành bãi bồi hàng trăm ngàn héc-ta, đây cũng là nơi sinh sản, trú ngụ của nhiều loài cá bống dưới hang, đáy nước, bọng dừa, bọng lá, hang bờ phù sa và bãi sình lầy như bống tượng, bống kèo, bống cát, bống trăng, bống sao, bống rạ (bống trắng), bống bớp, bống mú, bống đất, bống dừa, bống xệ... Trong đó, có giá trị kinh tế nhất hiện nay là cá bống tượng, bống kèo, bống cát, bống xệ.

Bánh mì - Món ăn dân dã mà gây thương nhớ

Bánh mì, cái tên bình dị, thân thương đã in sâu trong tâm trí biết bao thế hệ người dân Việt Nam bởi món bánh dân dã này dễ chế biến, có thể thưởng thức mọi lúc, mọi nơi và được bán trên khắp các con đường, ngõ phố, từ thành thị đến thôn quê.

Mắm chưng - Món ngon cho bữa cơm gia đình

Các loại mắm cá quen thuộc như: mắm lóc, mắm cá sặt, mắm cá phi, mắm cá linh, mắm cá sơn... ngoài ăn sống, nấu lẩu thì món mắm chưng cùng thịt ba rọi bằm nhuyễn, hột vịt, nêm gia vị, được xem là món ăn dân dã nhưng khá hao cơm trong các bữa cơm gia đình Việt.

Mát dịu vị tuổi thơ

Vốn là thức quà vặt gắn liền với tuổi thơ của biết bao người, ngày nay, các món kem mát lạnh dù được biến tấu với những sắc màu sáng tạo riêng để trở nên hấp dẫn hơn, nhưng đối với thực khách, món giải khát phổ biến này vẫn giữ đúng dư vị tuổi thơ mà ai cũng thích mê.