ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 12:56:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nông nghiệp Cà Mau - Phát huy lợi thế, tạo sự khác biệt

Báo Cà Mau Hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ đan xen đã tạo nên bức tranh nông nghiệp Cà Mau đa dạng sắc màu và vô cùng độc đáo. Trong đó, tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn; tôm sạch, lúa hữu cơ... là những điểm chấm phá tiêu biểu.

Ðiều kiện tự nhiên đã hình thành cho tỉnh vùng nuôi thuỷ sản to lớn, với diện tích khoảng 303.387 ha và đa dạng các loại hình, vật nuôi. Vùng rừng ngập mặn thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Ðầm Dơi và Phú Tân chuyên nuôi thuỷ sản; vùng ngọt Trần Văn Thời, U Minh, một phần Thới Bình canh tác chủ yếu là lúa, tràm, keo kết hợp với nuôi cá đồng tự nhiên; vùng lợ của huyện Thới Bình, U Minh, nuôi tôm kết hợp trồng lúa theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài con tôm, nhiều loại thuỷ sản khác dưới tán rừng mang về giá trị kinh tế không nhỏ cho người dân vùng rừng ngập mặn huyện Ðầm Dơi, đang được khai thác và định hướng phát triển theo hướng sinh thái.

Chính những điều kiện tự nhiên này đã tạo cho nông nghiệp Cà Mau lợi thế cạnh tranh, với nhiều sản phẩm sạch, xanh, chất lượng cao. Huyện Ngọc Hiển là nơi có thảm rừng ngập mặn bạt ngàn quanh năm xanh tốt. Ngoài giá trị về môi trường, dưới tán rừng ngập mặn là vô số loài thuỷ sản, mà tiêu biểu nhất là tôm, cua, cá, vọp, ốc len... Ðó cũng là những sản vật từ lâu đã chinh phục khẩu vị của những thực khách khó tính nhất bởi chất lượng.

Tận dụng những lợi thế tự nhiên mang lại, đến nay, toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 53.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn. Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, để vừa nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi thuỷ sản, vừa giữ rừng để phát triển bền vững, theo hướng sinh thái. Trong đó, tập trung hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, nhằm mang về giá trị kinh tế cao từ chất lượng.

Từ những năm 1999-2000, con tôm dưới tán rừng ngập mặn của huyện Ngọc Hiển đã được nhiều tổ chức của EU, Hà Lan... cấp giấy chứng nhận tôm sinh thái. Kể từ đó, mô hình nuôi tôm sinh thái trở thành sản phẩm đặc thù của tỉnh, gần như không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước. Kể từ đó, diện tích nuôi tôm sinh thái đạt các chứng nhận quốc tế không ngừng được nhân rộng. Ðến nay, ngoài huyện Ngọc Hiển, mô hình tôm sinh thái đã được nhân rộng sang huyện Năm Căn và Ðầm Dơi. Ðiều đáng phấn khởi và tự hào là toàn tỉnh đã có hơn 19.000 ha tôm - rừng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế, từ các tổ chức uy tín hàng đầu như Naturland, EU Organic, Canada Organic, ASC, BAP...

Nằm trong vùng dự án nuôi tôm sinh thái của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, ông Lý Văn Tiền, ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, chia sẻ: "Thật ra nuôi tôm sinh thái không khó, bởi gần giống như những gì từ xưa đến nay người dân nơi đây vẫn làm. Tức cũng thả giống và để cho tôm lớn tự nhiên, khi tôm lớn thì thu hoạch. Tuy nhiên, sản phẩm sẽ được bao tiêu với giá cao hơn thị trường nên lợi nhuận tăng đáng kể. Năm 2022, khi tham gia dự án, tính trên 4 ha của gia đình, giá trị sản phẩm thu được cao hơn 30 triệu đồng, so với năm 2021”, ông Tiền chia sẻ.

Tuy giá trị ngoại tệ mang về chưa thật sự cao, nhưng con tôm sinh thái đã làm nên thương hiệu tôm Cà Mau, từ đó góp phần quan trọng đưa con tôm Cà Mau có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi, song song với loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, định hướng tới của huyện sẽ giữ vững diện tích tôm - rừng hiện có. Ðồng thời, sẽ tập trung các giải pháp để hướng tới đạt các chứng nhận quốc tế nhằm nâng giá trị sản phẩm.

Ðiều kiện tự nhiên 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt đã tạo nên một vùng sản xuất nông nghiệp độc đáo là tôm - lúa. Mô hình này chủ yếu tập trong trên địa bàn huyện Thới Bình và một phần huyện U Minh. Thuận theo xu hướng của thị trường là sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ, huyện Thới Bình đã hình thành và tiếp tục định hướng kinh tế nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ. Theo chương trình hành động về sản xuất lúa - tôm sạch; lúa - tôm hữu cơ giai đoạn 2021-2025, huyện Thới Bình phấn đấu có từ 95-100% diện tích nuôi tôm, trồng lúa của huyện sản xuất theo quy trình lúa sạch và nuôi tôm sinh thái vào năm 2025. Trong đó, có hơn 10.000 ha canh tác theo quy trình lúa - tôm hữu cơ.

Nông dân xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, cấy lúa trên đất nuôi tôm.

Ðể phát huy những lợi thế này, cũng như hỗ trợ người dân ngày một tiến gần hơn với xu hướng sản xuất xanh, sạch, tạo ra sản phẩm khác biệt với chất lượng cao, ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, chia sẻ, thời gian qua huyện đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, huyện đã chủ động liên kết với các viện, trường, các chuyên gia và doanh nghiệp để xây dựng vùng sản xuất của địa phương theo quy trình, tiêu chuẩn và đạt chứng nhận. Mục tiêu của huyện là hình thành nên những vùng sản xuất chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các thị trường tiêu thụ. Từ đó, không chỉ tạo đầu ra ổn định mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Tôm - rừng, tôm - lúa là những mô hình sản xuất gắn liền với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh. Trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha tôm - rừng; sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha.

Tuy nhiên, để đạt được các giá trị như mong muốn, vẫn còn nhiều trở ngại, rào cản cần tháo gỡ, đặc biệt về hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, thời gian tới, song song với việc rà soát quy hoạch không gian sản xuất trên các lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp; quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn theo 3 vùng sinh thái... Cà Mau sẽ ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất gắn với đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp, nông thôn./.

 

Nguyễn Phú

 

Tạo điều kiện để đồng bào phát triển đời sống tốt hơn

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Trần Văn Thời dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, cũng như tạo điều kiện cho đồng bào giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá các dân tộc anh em.

Cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên gương mẫu phát triển kinh tế

Không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước và sự trợ giúp của địa phương, với bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên (72 tuổi, Ấp 2, xã Tắc Vân) luôn siêng năng, cần cù, tích cực trong lao động, thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Gỡ khó, tạo đột phá cho kinh tế lâm nghiệp

Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.

Mùa chụp đìa

Vào mùa hạn, khi những cánh đồng nhấp nhô rơm rạ, các con kênh khô nước cũng là lúc vào mùa chụp đìa. Ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, mùa này là lúc bà con nô nức cùng nhau vần công để chụp đìa, chia cá. Dân ở xứ cá đồng cũng vui lây vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Hợp tác xã “Cây ăn trái sạch Khánh Hưng” hướng đến môi trường kinh doanh điện tử

Ðược thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Hợp tác xã (HTX) "Cây ăn trái sạch Khánh Hưng", xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng. Ðặc biệt, HTX đang hướng đến môi trường kinh doanh điện tử, nhằm quảng bá sản phẩm và bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.

Sản xuất con giống - Phát triển nghề nuôi thuỷ sản

Giống thuỷ sản là đối tượng phục vụ nghề nuôi thuỷ sản, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, do môi trường nước ô nhiễm cùng với việc khai thác, đánh bắt theo cách huỷ diệt đã làm cho giống loài thuỷ sản ở môi trường tự nhiên gần như cạn kiệt.

Triển vọng nuôi cá tra thương phẩm

Hiện nay, nhiều hộ ở vùng ven TP Cà Mau thực hiện mô hình nuôi cá tra khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Khác với quy mô công nghiệp như ở các tỉnh trong khu vực, mô hình nuôi cá tra ở đây khá đơn giản, ít tốn chi phí, được xem là hướng đi triển vọng cho nông dân.

Ðổi mới để nuôi tôm hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trong huyện đã đổi mới, sáng tạo và thành công với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có không ít mô hình là sáng kiến mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng.

Tạo động lực bứt phá cho ngành tôm

Ngành tôm - ngành kinh tế mũi nhọn, tiếp tục giữ vai trò chủ lực đóng góp cho phát triển kinh tế tỉnh, đóng góp 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2024, ước đạt 7.476 tỷ đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu lớn, góp phần đưa Cà Mau vươn tầm trên bản đồ thuỷ sản Việt Nam và thế giới, ngành tôm còn tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm ngàn hộ dân, thúc đẩy mô hình hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ.