(CMO) Năm 2021, nông nghiệp tiếp tục được huyện U Minh xác định là một trong những ngành chủ lực của địa phương. Ðể nền nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, huyện đang sắp xếp, bố trí lại việc sản xuất của người dân gắn với tái cơ cấu ngành và tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP.
Năm nay, huyện U Minh đề ra chỉ tiêu cơ cấu kinh tế nông, ngư, lâm nghiệp chiếm 40%, giảm so với năm 2020 nhưng mục tiêu không giảm về mặt giá trị. Ðể đạt điều này, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với việc liên kết tìm đầu ra sản phẩm vào thị trường. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh Trần Hồng Ửng cho biết: “Ưu tiên của huyện lúc này là tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với 4 ngành hàng chủ lực gồm: cá đồng, gỗ, chuối, lúa. Ðặc biệt là gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm hướng đến nền sản xuất bền vững”.
Cây chuối là 1 trong 4 ngành hàng chủ lực được huyện ưu tiên trong phát triển nông nghiệp. |
Huyện U Minh hiện còn giữ lại được vùng ngọt hoá, chuyên canh làm lúa 2 vụ tại xã Khánh Lâm, Khánh Hội, Nguyễn Phích và Khánh An. Tuy nhiên, hệ thống thuỷ lợi khép kín tại vùng ngọt đôi lúc gặp khó khăn do phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Do đó, người dân cần được hỗ trợ để có thể sản xuất thêm các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới để tăng thu nhập.
Ông Trà Việt Hoàng (Ấp 2, xã Khánh Lâm) mong muốn: “Tôi mong ngành nông nghiệp phát triển vững chắc. Theo tôi, cần chuyển đổi giống lúa mới, sản xuất lúa phải hướng đến xuất khẩu mới gia tăng được giá trị cây lúa, chứ hiện nay bà con xài giống phục vụ nội địa còn nhiều. Cần có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh hơn cho vùng ngọt hoá, vì hiện nay nguồn nước tưới tiêu còn nhiễm mặn, ảnh hưởng đến hoa màu”.
Người dân vùng ngọt hoá kỳ vọng có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh hơn. |
Thời gian gần đây, việc sản xuất rời rạc, nhỏ lẻ gặp phải những bất lợi do ảnh hưởng của thời tiết. Giá cả đầu ra bị ảnh hưởng do diễn biến khó lường của thị trường. Từ đó, người dân bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tập thể để liên kết trong sản xuất. Ông Ðỗ Tài Ða (Khóm 3, thị trấn U Minh) bày tỏ: “Thời gian qua, chúng tôi có nghe nhiều về phát triển kinh tế hợp tác xã. Tuy nhiên, những kiến thức về việc tham gia còn hạn chế. Chúng tôi cần được tập huấn và triển khai cách làm để có thể phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã trong thời gian tới”.
Bên cạnh vai trò chủ thể của nông dân, năm 2021, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đang có kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp. Ðặc biệt là chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để nâng cao năng suất, sản lượng trên cùng đơn vị diện tích.
Bà Trần Hồng Ửng cho biết thêm: “Năm nay, trong cơ cấu kinh tế, huyện xác định nông nghiệp là ngành chủ lực. Từ đó, huyện tập trung đưa các tiến bộ mới trong khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các ứng dụng mới cho bà con nông dân; đồng thời triển khai các mô hình điểm cho nông dân, chuyển giao các giống cây trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng ngành nông nghiệp huyện U Minh đã hoàn thành nhiều mục tiêu đặt ra. Với kết quả đó, nông dân huyện U Minh kỳ vọng một năm mới với những thành công mới./.
Trần Chương