ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 4-12-24 00:15:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ông Hai khuyến học

Báo Cà Mau (CMO) Biết ông đã lâu, vậy mà hôm rồi, ông nói, tôi mới giật mình: “Chú sanh năm 1947, tuổi mụ là 77, tuổi Nhà nước 76”. Ở đất Thới Bình này, hầu như ai cũng rành về ông - Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học của huyện. Ði tới đâu, bà con, thầy cô giáo, học sinh đều trìu mến, rôm rả gọi là ông Hai, anh Hai, chú Hai. Không xuất thân từ ngành giáo dục, ấy vậy mà ông đã dành nửa cuộc đời cho công tác khuyến học, khuyến tài. Sắp tới, ông tính: “Làm chừng nào hết nổi thì thôi, còn nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn lắm, mình không tiếp tụi nó, rồi học hành dang dở, tương lai mấy cháu sẽ ra sao”.

Năm 1994, ông nhận chức Hội trưởng Hội Phụ huynh cùng lúc 2 trường: Tiểu học và THCS xã Khánh Thới (nay thuộc xã Thới Bình - PV). Chuyện này cũng có nguyên do, như lời ông kể: “Học hết chương trình phổ thông 10 năm, làm ngành thương nghiệp ở huyện, sau đó về hợp tác xã ở Khánh Thới, thấy cảnh tụi nhỏ học hành vất vả quá, mình cũng hụ hợ chút đỉnh cho trường, cho học sinh, chắc anh em thấy vậy rồi tín nhiệm”.

Theo hồi nhớ của ông, Khánh Thới khi đó là “đất cầm trâu” với mút mắt cánh đồng năn hoang vu, người dân khoét lỗ cấy lúa, trông đợi may rủi để có cái ăn. Bà con ai cũng nghèo, chuyện học hành được chăng hay chớ. Nhận nhiệm vụ, ông dợm nghĩ, nếu tụi nhỏ không học thì cũng sẽ như tía má nó, biết chừng nào mới khá nổi.

Ông hay dẫn lời dạy của Bác Hồ để động viên: “Dốt cũng là giặc. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Bà con nghĩ coi, tụi nhỏ mà dốt thì chừng nào mới thoát cảnh nghèo luẩn quẩn”.

Cũng từ dạo ấy, ông Hội trưởng Hội Phụ huynh trường làng xăng xái khi cuốc bộ, lúc bơi xuồng, rồi xắn quần vẹt năn lội sình đến động viên học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Hành trang mang theo là sách vở, bút bi, quần áo, dép và cả gạo, bởi nói như ông: “Ði vận động, thuyết phục người ta mà chỉ “nước miếng suông” thì ăn thua gì. Ðứa nào thiếu gì, chú móc ra liền cái rụp, hết bàn lùi. Gia cảnh nào túng thiếu quá, mình gởi ít gạo cho người ta”.

Tôi hỏi ông: “Hồi đó, cách đây 30 năm lận, mà vốn mạnh dữ chú Hai!”. Ông cười khì: “Mạnh ôn gì. Chú cũng đi xin, người nào, chỗ nào có mình xin. Xin để giúp tụi nhỏ nên người ta thương, thông cảm, ủng hộ. Vậy đó”.

Sau 10 năm, khi phong trào khuyến học, khuyến tài của 2 ngôi trường làng Khánh Thới trở thành điểm sáng của toàn xã, toàn huyện, ông già “lên chức” Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã, ấy là năm 2004. Quy mô công việc cũng khác, ông phải quán xuyến toàn bộ 11 ấp, 9 điểm trường. Thời điểm này, hội khuyến học các cấp mới hình thành, ngoài kinh nghiệm bản thân, ông phải nghiên cứu, học tập thêm để phục vụ công tác.

Ðiều kiện công tác cũng khá hơn, dù chưa có lộ, xe, nhưng được đi vỏ lãi, chỗ nào ngặt quá thì cuốc bộ. Ông đi miết, nghe ngóng biết đứa nào khó khăn là tới liền. Hành trang của ông vẫn lỉnh kỉnh những món quà. Quãng thời gian đó, ông thấy vui vì bà con mình đã dần thay đổi suy nghĩ, quan tâm nhiều hơn đến chuyện học hành của tụi nhỏ; người cho gạo, người cho quần áo, người góp sách cũ, có chỗ tài trợ tập vở mới.

Nghĩ ngợi một chút, ông khẽ nói: “10 năm làm hội trưởng, rồi “lên chức” Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã, bảy năm rưỡi không một đồng lương, chỉ có khoản hỗ trợ hơn 50 ngàn đồng một tháng”. Tôi tưởng ông kể khổ, nhưng không: “Chú làm không nặng nề quyền lợi cá nhân. Nói cho bây biết chuyện này để thương thím Hai với mấy đứa con chú ở nhà, có thiếu gì là bả với mấy đứa nhỏ ủng hộ cái rụp liền. Có khi tới chỗ nhà học sinh, thắt ngặt quá, chú cũng có ít đỉnh dằn túi gọi là chia sẻ, giúp đỡ người ta”.

Tay ngang, ông lần lượt tham gia công tác khuyến học, khuyến tài từ trường làng đến Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Mong muốn của ông cụ thể, cháy bỏng: “Làm sao cho tụi nhỏ không bỏ học, khuyến khích thế hệ trẻ chăm lo học tập, mà phải học đến nơi đến chốn, để rồi tự giúp được mình, gia đình, sau đó có điều kiện, khả năng đóng góp cho xã hội”.

Ông kể, có lần đi Cần Thơ thăm bà con. Có em Nguyễn Văn Năng ngày xưa học trường Khánh Thới, nhận ra ông. Vậy là sau vài cuộc gọi, tụi nhỏ trường làng ngày xưa giờ đã chững chạc, thành đạt, xúm lại tíu tít bên ông. Tụi nó nhắc, ông cũng ơ hờ chớ làm sao nhớ nổi: Hồi xưa, nhờ chú Hai cho bộ sách, đôi dép, cái quần, túm gạo... Nhờ chú Hai mà tụi con được như bây giờ. Ông già cười khà khà: “Nhờ bây quyết chí học, chớ chú có công cán gì mà kể”.

Lần đó, ông được tặng riêng 10 triệu đồng, nhưng không vui bằng lời hứa nghĩa tình: “Tụi con sẽ dành một khoản, mỗi năm góp về quỹ khuyến học, khuyến tài của huyện, ủng hộ các em khó khăn”.

Ông đúc kết: “Làm công việc này, khó nhất là đi vận động gây quỹ. Mà nói thẳng ra là mình đi xin, xin những người, những đơn vị có của, có lòng”. Ông vừa có cái duyên, vừa may mắn khi đi xin hầu hết đều được đối đãi bằng thiện cảm, chân tình. Tất nhiên, cũng có lúc trúng, lúc trật: “Xin không được thì mình chỉ buồn vì nguồn lực hỗ trợ cho tụi nhỏ không được đầy đủ, chớ không giận hờn ai hết”. Như sực nhớ điều gì, ông trầm ngâm: “Thường niên, Huyện hội vận động khoảng 3 tỷ đồng. Ðó là mình quy hết lại thành tiền, chớ đủ thứ hiện vật, quà cáp. Cái nào cũng quý, tấm lòng nào cũng đáng trân trọng. Với chú, một đồng nghĩa tình của người ta gởi gắm cũng phải chuyển đến tận chỗ, tận tay cho học sinh”.

Rồi ông thở dài: “Chưa có cái đận nào nó dữ dội, khốc liệt như lúc dịch Covid-19 vừa rồi. Huyện Thới Bình có gần 70 đứa mồ côi. Ðó là chưa kể cảnh tụi nhỏ có cha mẹ làm công nhân tỉnh ngoài, phải gởi ông bà, họ hàng chăm lo. Mà bây coi, đâu có ai chu đáo, sát sao bằng cha mẹ. Vậy đó, không lo sao được”.

Sau dịch, ông lặn lội miết để vận động, nhưng: “Có đơn vị đã đồng hành nhiều năm, nguồn ủng hộ mạnh, bây giờ công nhân 500 cắt còn 300, mình cũng ngại. Người ta hứa thòng câu “hết sức tranh thủ”, còn mình thì hy vọng. Vậy đó”.

Ðang chuyện mình, ông kéo tôi: “Ði, đi với chú. Có học sinh này hoàn cảnh khó khăn dữ lắm”. Cô giáo Võ Thị Bé Hai, Trường THCS thị trấn Thới Bình, chủ nhiệm em học sinh mà ông vừa nhắc, dẫn đường. Vòng vèo về ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Ðông, em Nguyễn Thị Tố Quyên đã đứng đợi đón khách. Tố Quyên năm tới lên lớp 7, học lực giỏi. Chị Nguyễn Thị Lợi, mẹ em Quyên bị bệnh, mù loà đôi mắt trước khi sinh ra em. Éo le hơn khi cha em cũng bỏ đi. Mẹ con Quyên được ông ngoại cho nền đất cất nhà ở tạm. Ông ngoại Quyên cũng mù, thương binh ¼. Khi Quyên học hết trường làng, mẹ em biểu: “Nghỉ học thôi con”, Quyên khóc. Người mẹ mù thương con, dắt díu lên thị trấn mướn phòng trọ học. Vì là học sinh lớp 6 đầu cấp, nhà trường chưa nắm rõ hoàn cảnh, Quyên cũng chưa nhận được hỗ trợ nhiều.

Ông Phạm Văn Quang thăm, nắm bắt hoàn cảnh gia đình em Nguyễn Thị Tố Quyên, học sinh Trường THCS thị trấn Thới Bình và tìm hướng hỗ trợ, giúp đỡ để em Quyên có điều kiện tiếp tục học hành.

Nghe chuyện, ông Hai ngó Quyên ân cần: “Ðầu năm sau, con thiếu gì cứ nói với ông, ông hỗ trợ hết mình”. Quay sang người mẹ tật nguyền, ông căn dặn: “Mẹ cháu ráng ủng hộ cháu học, đời mình khó rồi, phải cho con học để tấn tới, để có tương lai tốt đẹp. Có thầy cô giáo, nhà trường, tụi chú và cộng đồng tiếp sức”. Quyên thỏ thẻ: “Con muốn được đi học lắm. Con cảm ơn cô chú, cảm ơn ông Hai”.

Ông căn dặn tôi: “Viết gì thì viết, nhớ nói hoàn cảnh của bé Quyên cho rõ ràng, cụ thể, từ đó những người, những chỗ có của, có lòng người ta biết tới, may ra có thêm sự hỗ trợ, giúp đỡ nghen anh phóng viên. Còn chuyện của chú hứa, chú mần liền, để vầy không ổn một chút nào”.

Tôi chợt nhớ kỷ niệm của tôi và ông năm trước, trong một cơn mưa tầm tã về xã Trí Lực thăm 2 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ vì dịch Covid-19. Ông già cũng nói y chang vậy. Sau đó, bài viết khởi đăng, các em nhận được sự trợ giúp của cộng đồng. Bên kia đầu dây rổn rảng tiếng cười của ông: “Chú mừng cho tụi nhỏ quá con ơi!”...

Ngẫm ra, đúng như ông nói, thành tựu trong hành trình ngót 30 năm làm công tác khuyến học, khuyến tài của ông không phải là bằng khen, giấy khen, mà là niềm vui khi thấy những hoàn cảnh học sinh khó khăn được tiếp sức đến trường, có cơ hội chạm vào tương lai tươi sáng. Không nói quá, khi gọi ông là người bảo trợ con chữ cho vùng đất Thới Bình, mảnh đất giờ đây đã xây được nền móng, truyền thống hiếu học vững chắc./.

 

Bút ký của Phạm Quốc Rin

 

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.