ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 13:28:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phân chia "lãnh địa" khai thác: Nóng lên vùng biển Tây

Báo Cà Mau Anh Huỳnh Quốc Nam trên chiếc tàu cá của mình, dàn lô kéo ốc, được cho là bị tàu của ông Lê Thanh Toàn đâm gãy, đã làm lại với chi phí hàng chục triệu đồng. Hiện sự việc vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.

Có một quy luật bất thành văn hình thành trong giới chủ tàu cá khai thác gần bờ, đó là “phân chia ranh giới đánh bắt trên biển”. Những chủ phương tiện tàu cá công suất nhỏ hành nghề khai thác gần bờ như lưới ghẹ, ốc mực... tự phân chia khu vực trên biển để khai thác và coi đó là “đất của mình”, phương tiện khác không được phép vào. Khu vực mà các phương tiện này phân chia ranh giới bắt đầu từ Kiên Giang kéo dài đến Hòn Đá Bạc (Cà Mau).

Chủ phương tiện nào khai thác trước thì khoanh một khu vực đánh bắt của riêng mình, tiếp đến là chủ tàu khác, cứ thế nối tiếp nhau giống như việc người ta phân lô bán nền trên đất liền. Ban đầu hình thức này phát huy hiệu quả, vì mỗi chủ tàu có vùng đánh bắt riêng, nhưng rồi số lượng tàu thuyền tăng lên, không còn “đất” để cắm ranh nên xảy ra tình trạng tranh giành.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Chuyện xảy ra cách đây đã nhiều năm, bắt đầu từ Kiên Giang, những chủ phương tiện có công suất nhỏ hành nghề lưới ghẹ, ốc mực... thường xuyên đánh bắt tại một khu vực trên biển, thấy hiệu quả nên họ xem đây là vùng đánh bắt “truyền thống” và nảy ra ý định đánh dấu khoanh vùng nơi khai thác của riêng mình. Những chủ phương tiện khác không thể vào khu vực đã được người khác khoanh vùng, họ đành chọn bãi lân cận đánh bắt. Không lâu sau, vùng biển gần bờ từ Kiên Giang đến Cà Mau đã được các chủ phương tiện 2 tỉnh phân chia ra thành từng bãi riêng biệt. Dù đây chỉ là những thoả thuận ngầm nhưng bất cứ ngư dân nào hành nghề trên vùng biển này cũng phải tuân thủ.

Anh Huỳnh Quốc Nam trên chiếc tàu cá của mình, dàn lô kéo ốc, được cho là bị tàu của ông Lê Thanh Toàn đâm gãy, đã làm lại với chi phí hàng chục triệu đồng. Hiện sự việc vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.   Ảnh: Đ.DUẨN

Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu phát sinh khi số lượng tàu thuyền đánh bắt ngày một nhiều nhưng thiếu ngư trường để khai thác. Thế là họ vào các bãi đã được đánh dấu để khai thác, dẫn đến mâu thuẫn giữa các chủ tàu cá với nhau. Thậm chí giữa các chủ bãi gần nhau cũng bất hoà vì xâm lấn khu vực khai thác của nhau. Cuộc chiến không hồi kết này nguy cơ có thể trở thành vấn nạn về an ninh trên biển nếu các ngành chức năng không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Một trong những sự việc nghiêm trọng nhất được biết đến gần đây là cuộc tranh chấp giữa ghe hành nghề ốc mực của ngư dân Cà Mau với ghe cào của Kiên Giang trên vùng biển gần cửa Khánh Hội, huyện U Minh. Ðây có lẽ là một cuộc va chạm có chủ đích, bởi khi sự cố xảy ra có rất nhiều tàu cá của 2 bên cùng kéo đến để “ăn thua đủ với nhau”. Ông Trương Văn Sâm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, hành nghề ốc mực, cho biết: “Cách đây gần 2 tháng, khi ghe ốc mực của ngư dân Cà Mau đang thả ốc mực trong bãi của mình thì ghe cào của Kiên Giang chạy tới khai thác. Ghe Kiên Giang yêu cầu chủ ghe ốc phải lấy ốc lên, không lấy kịp thì ghe cào cố tình chạy thẳng vào làm đứt dàn ốc. Sự việc dẫn đến va chạm giữa 2 bên, liền lúc ấy nhiều ghe cào khác của Kiên Giang cùng kéo đến đuổi theo để gây sự đánh nhau với ghe ốc mực. Khi nhận được tin, các chủ phương tiện khác của Cà Mau đánh bắt gần khu vực đó chạy ra tiếp ứng, lúc này ghe cào của Kiên Giang mới chịu quay mũi bỏ chạy”.

Cũng theo ông Sâm, vụ việc xảy ra vào ban đêm nên khi ghe cào của Kiên Giang tắt đèn bỏ chạy, các tàu cá của Cà Mau không biết đường đuổi theo, nếu không, có thể đã xảy ra cuộc hỗn chiến.

Kẻ mạnh làm "vua"

Khi mâu thuẫn quyền lợi giữa các chủ phương tiện có các hình thức hành nghề khai thác khác nhau không thể điều hoà được để cùng sinh sống hoà bình trên biển thì mâu thuẫn phát sinh là chuyện đương nhiên. Ai cũng đưa ra cái lý của mình, người giành bãi hành nghề ốc mực, lưới ghẹ... thì không cho ghe cào vào bãi của mình khai thác. Còn chủ phương tiện cào thì cho rằng đó là biển chung nên họ cứ vào khai thác, bất chấp việc người khác cho đó là “chủ quyền của mình” nên cuộc chiến giành bãi giữa 2 bên cứ thế tiếp diễn và chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt".

Không những vậy, thời gian gần đây giữa các chủ bãi cũng bắt đầu phát sinh tranh chấp về việc khai thác chồng lấn và thậm chí là chiếm bãi của nhau. Người có nhiều phương tiện hơn nhưng bãi hẹp đã “mở rộng địa bàn” khai thác ra các bãi lân cận.

Anh Huỳnh Quốc Nam, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chủ phương tiện CM-91231-TS, làm nghề ốc mực trên biển, là một trong những nạn nhân của tình trạng trên. Anh cho biết: “Bãi tôi đánh từ năm 2013, nhưng đến ngày 14/8/2015, khi ra tới biển kéo mực thì phát hiện ghe mang biển số BT:7782-TS đánh chồng lên ốc trong khu vực đó. Khi phát hiện thì phương tiện này không dừng lại mà chạy đâm thẳng vào ghe tôi làm bể chụp ấp khẩu ghe. Vụ việc trên tôi đã trình báo với Trạm Kiểm soát Biên phòng Ðá Bạc nhưng chưa được giải quyết, thì đến ngày 19/10/2015, ghe mang biển số CM:91724-TS do ông Lê Thanh Toàn (người cùng địa phương) điều khiển phương tiện, tiếp tục đánh chồng lên ốc tôi đang đánh. Ðến ngày 24/10/2015, thì ghe mang biển số BT:7782-TS tiếp tục đánh chồng lên ốc tôi đang đánh và dùng ghe chạy đâm thẳng vào ghe tôi làm gãy dàn lô kéo ốc. Các phương tiện này đều là của gia đình ông Toàn, họ không cho tôi kéo ốc lên”.

Sự cố trên đã gây thiệt hại cho anh Huỳnh Quốc Nam hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư dàn ốc mực cũng như tiền sửa chữa phương tiện. Cho đến nay, anh Nam cũng không thể vào “bãi” của mình để đánh bắt, do mỗi lần ra là bị ghe của gia đình ông Toàn làm khó dễ, thậm chí là đâm, va.

Không chỉ anh Nam, nhiều chủ tàu cá hành nghề ở khu vực này cũng bức xúc với hành vi của đội tàu cá gia đình ông Lê Thanh Toàn. Chị Tiêu Thuý Liễu, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tôi đã đánh dấu và đánh bắt trên bãi này hơn 3 năm nay nhưng mấy tháng nay gia đình ông Lê Thanh Toàn mua thêm nhiều tàu mới rồi cho đánh chồng và lấy bãi của gia đình tôi. Tôi chỉ có 2 ghe ốc mực, 1 chiếc 70CV, 1 chiếc 90CV, mấy tháng nay không làm ăn gì được”.

Các chủ tàu bị ông Toàn chiếm bãi cũng cho biết, họ đã cùng nhau nhiều lần thương lượng với ông Lê Thanh Toàn nhưng không được kết quả gì, mà giờ các bãi trên đã bị đội tàu của gia đình ông Toàn chiếm hết, không ai ra đó đánh bắt được. Anh Nam cho hay: “Dàn ghe của gia đình ông Lê Thanh Toàn khoảng 7 chiếc, họ đánh chồng lấn rồi lấy bãi của người khác, đâm, va làm hư hỏng tàu của tôi, tôi đã trình báo nhưng chưa được giải quyết. Vùng biển này giờ như là của riêng gia đình ông Toàn, chẳng ai vào khu vực đó được”.

Chị Tiêu Thuý Liễu bức xúc: “Ðất ngoài biển mà gia đình ông Toàn xem như của gia đình mình vậy!”.

Khi ngành chức năng vẫn chưa thể giải quyết tình trạng tranh chấp trên biển thì các chủ phương tiện tự nghĩ ra hình thức khác nhẹ nhàng hơn, mang tính thoả hiệp hơn, đó là cho thuê và thuê lại bãi!

Theo lời kể của anh Huỳnh Quốc Nam, sau khi chiếm các bãi khai thác, ông Lê Thanh Toàn đã cho các ghe cào thuê lại để đánh bắt: “Anh Kiệt, bạn ghe của ông Lê Thanh Toàn, kể lại, mỗi chuyến ghe ông Toàn thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng từ tiền cho thuê bãi. Các ghe cào muốn đánh bắt phải trả tiền bãi thì ông Toàn mới cho vào đánh”.

Thực tế qua lời kể của các ngư dân nhiều năm làm nghề ở vùng biển này, hiện nay nhiều chủ tàu có công suất nhỏ khai thác lưới ghẹ, khai thác mực bằng vỏ ốc đã chiếm lĩnh khu vực trên biển để khai thác hải sản, không cho lưới kéo (cào) vào khai thác. Nếu phương tiện nào muốn khai thác trên khu vực của họ chiếm lĩnh thì phải trả tiền từ 2-4 triệu đồng/phương tiện/đêm, tuỳ theo khu vực lớn, nhỏ(?)

Có lẽ chưa bao giờ sự tranh chấp quyền lợi và địa bàn khai thác trên vùng biển gần bờ từ Kiên Giang đến Cà Mau lại "nóng" như lúc này, khi mà các chủ tàu cá tự đặt ra một luật riêng của mình rồi áp dụng, bất chấp “luật” đó có vi phạm pháp luật của Nhà nước hay không. Mỗi chủ phương tiện tự do chiếm bãi rồi phân chia nhau để khai thác như “chia đất” của nhà mình. Người có bãi khi không đánh bắt thì cho thuê để kiếm lợi nhuận, người không có bãi thì phải tự chạy đi ngư trường khác xa hơn để đánh bắt, không những tốn kém chi phí mà có khi còn bị lỗ. Thậm chí giữa những người đã giành cho mình được một bãi trên biển còn phải chuẩn bị tinh thần để “đấu tranh” với phương tiện khác do sợ bị đánh chồng lấn, bị chiếm bãi.

Ông Lê Văn Ðặng, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nói như than: “Thời gian này các bãi bị chiếm hết, tàu cá của tôi khi ra biển cứ chạy lòng vòng tìm luồng cá để đánh và không dám vào các bãi của người khác. Ðánh mà không có bãi thì tình trạng mất trộm là thường xuyên, mấy năm nay tôi mất mấy chục thuồng ốc, tốn hàng chục triệu đồng. Nhưng khi gởi đơn đến cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, trạm kiểm soát biên phòng thì chỉ được trả lời "khi nào sự việc xảy ra, bắt tận tay mới giải quyết được". Người đi biển như chúng tôi giờ không biết dựa vào ai?”./.

Phóng sự của Ðặng Duẩn

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.